Theo Defense One, những quân nhân này bị chấn thương do sóng sung kích từ các vụ nổ, và đã được đưa đi điều trị các triệu chứng choáng sốc vì chấn động - 8 quân nhân được chuyển đến Trung tâm Y tế vùng Landstuhl ở Đức và 3 quân nhân khác được đưa đến trại Arifjan ở Kuwait.
Ngày 16.01.2020, Defense One dẫn phát ngôn viên Bộ chỉ huy quân đội Mỹ, Đại tá Myles Caggins cho biết, 11 binh sĩ Mỹ được đưa đến Kuwait và Đức sau những cuộc tấn công bằng tên lửa của Iran để điều trị những chấn thương ở đầu do bị choáng sốc vì sóng xung kích vụ nổ.
Ông Caggins nói “Sau khi quân y kiểm tra hết sức kỹ lưỡng, một số quân nhân được vận chuyển từ căn cứ không quân Ain Al - Assad, Iraq đến Trung tâm y tế khu vực Landstuhl ở Đức. Một số quân nhân khác được gửi đến Camp Arifjan, Kuwait, để kiểm tra theo dõi cho đến khi được xác định là đủ sức khỏe để thực hiện nhiệm vụ, các quân nhân sẽ quay trở lại Iraq tiếp tục thực hiện nhiệm vụ. Sức khỏe và an toàn của quân nhân Mỹ là ưu tiên hàng đầu và chúng tôi sẽ không thảo luận về tình trạng y tế của bất cứ ai”.
Theo Defense One, một quan chức giấu tên cho biết, số binh sĩ nhập viện bị chấn thương bởi sóng xung kích từ các cuộc tấn công bằng tên lửa của Iran. Ông nói:
“Khoảng một tuần sau vụ tấn công, ở một số quân nhân vẫn gặp phải các triệu chứng choáng, sốc do chấn động. Chúng tôi chỉ nhận thức rõ ràng trong 24 giờ qua”.
Ngày 05.01.2020, Quốc hội Iraq phê chuẩn một nghị quyết yêu cầu rút quân đội nước ngoài ngay lập tức và hoàn toàn khỏi Iraq, phản đối cuộc tấn công bằng UAV của Mỹ sát hại tướng Soleimani.
Các nhà lập pháp Iraq tuyên bố, vụ ám sát là vi phạm chủ quyền của quốc gia. Chính phủ nước này đệ đơn khiếu nại lên Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc.
Các quan chức Mỹ đã nhiều lần bác bỏ việc rút quân hoàn toàn khỏi Iraq. Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ Mike Pompeo tuyên bố, ông sẽ từng bước hoàn thiện quy mô lực lượng Mỹ ở Iraq.
Ông Mike Pompeo nói: “Ước tính có khoảng 5.000-6.000 binh sĩ ở Iraq và sẽ được giảm đến mức có thể cần ít nguồn lực của Mỹ hơn, khiến ít người Mỹ gặp nguy hiểm, chúng ta phải làm điều đó trong tương lai”.
Ông Pompeo cho biết đã nhận được vài chục cuộc điện thoại từ nhiều quan chức cấp cao khác nhau ở Iraq, những người này tiếp tục chào đón sự hiện diện của quân đội Mỹ tại đất nước này.
Điều này khẳng định, Mỹ rút khỏi Iraq là điều không thể xác định được về thời gian cụ thể.