Trong một loạt bài đăng trên mạng xã hội, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã chia sẻ ảnh chụp những bức thư theo mẫu mà ông ký gửi đến lãnh đạo các quốc gia Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia, Kazakhstan, Nam Phi, Lào, Myanmar, Tunisia, Bosnia & Herzegovina, Indonesia, Bangladesh, Serbia, Campuchia và Thái Lan.
Theo nội dung các thư, hàng hóa từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia, Kazakhstan và Tunisia sẽ chịu mức thuế 25%. Hàng hóa từ Nam Phi và Bosnia & Herzegovina bị áp mức thuế 30%, trong khi Indonesia chịu thuế 32%. Bangladesh và Serbia sẽ đối mặt với mức thuế 35%, còn Campuchia và Thái Lan là 36%. Mức thuế cao nhất, 40%, sẽ áp dụng cho hàng hóa từ Lào và Myanmar.
Một số bức thư cũng cảnh báo rằng các quốc gia không nên trả đũa bằng việc áp thuế đối với hàng hóa của Mỹ: “Nếu vì bất kỳ lý do gì quý vị quyết định tăng thuế, thì mức tăng đó sẽ được cộng thêm vào mức 25% mà chúng tôi đã áp dụng”. Đồng thời, các bức thư cũng cho biết Mỹ có thể xem xét điều chỉnh các mức thuế mới tùy thuộc vào mối quan hệ song phương với mỗi quốc gia. “Các mức thuế này có thể được điều chỉnh lên hoặc xuống, tùy thuộc vào quan hệ giữa hai nước. Quý vị sẽ không bao giờ thất vọng về nước Mỹ”, bức thư khẳng định.
Đáng chú ý, mức thuế đồng loạt này sẽ áp dụng song song với các loại thuế bổ sung mang tính ngành nghề cụ thể, đặc biệt là các lĩnh vực chiến lược. Tổng thống Trump nhấn mạnh: “Hàng hóa vận chuyển qua nước thứ ba nhằm tránh thuế sẽ bị áp dụng mức thuế cao hơn đó”. Việc vận chuyển trung gian này ám chỉ hành vi chuyển hàng hóa sang nước thứ ba trước khi đưa vào Mỹ để lách thuế.
Thư ký báo chí Nhà Trắng Karoline Leavitt cho biết trong những ngày tới sẽ còn nhiều bức thư khác được gửi đi.
Lý do được đưa ra cho động thái áp thuế đối ứng là nhằm điều chỉnh tình trạng thâm hụt thương mại kéo dài giữa Mỹ và các quốc gia nêu trên. Tổng thống Trump từ lâu đã thể hiện quan điểm phản đối các hiệp định thương mại tự do và luôn xem thâm hụt thương mại là dấu hiệu cho thấy Mỹ đang bị đối xử bất công bởi các đối tác thương mại. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia kinh tế lại cho rằng thâm hụt thương mại không phải lúc nào cũng là tiêu cực và việc cố gắng xóa bỏ nó có thể không mang lại hiệu quả như mong muốn
Trên thực tế, không phải tất cả các quốc gia nằm trong danh sách áp thuế lần này đều có thặng dư thương mại lớn với Mỹ. Năm 2024, Mỹ ghi nhận thâm hụt hàng hóa trị giá 68,5 tỷ USD với Nhật Bản và 66 tỷ USD với Hàn Quốc, nhưng thâm hụt với Myanmar chỉ là 579,3 triệu USD, theo Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ (USTR).
Các mặt hàng nhập khẩu chủ yếu từ Nhật Bản và Hàn Quốc là ô tô, máy móc và thiết bị điện tử; từ Kazakhstan là dầu thô và hợp kim kim loại; từ Malaysia là linh kiện điện tử; từ Nam Phi là kim loại quý. Mỹ cũng nhập khẩu sợi quang, mắt kính và hàng may mặc từ Lào, trong khi sản phẩm chủ lực của Myanmar là nệm và đồ dùng giường ngủ.
Trước đó, vào đầu tháng 4, ông Trump đã công bố chính sách "thuế quan ngày giải phóng" (Liberation Day Tariffs), trong đó áp thuế cao lên hàng hóa từ hàng chục quốc gia. Tuy nhiên, đến ngày 9/4, ông bất ngờ tạm hoãn chính sách này trong vòng 90 ngày và áp mức thuế đồng đều tạm thời là 10%.
Tổng thống Trump từng tuyên bố sẽ đạt được 90 thỏa thuận trong 90 ngày trong thời gian tạm hoãn thuế. Tuy vậy, cho đến nay, Mỹ mới chỉ công bố khuôn khổ thoả thuận với Anh và Việt Nam, cùng một khung sơ bộ với Trung Quốc.
Cụ thể, vào ngày 2/7, Tổng thống Trump chia sẻ rằng ông đã đạt được thoả thuận thương mại với Việt Nam. Theo thông báo đó, Mỹ sẽ áp thuế 20% đối với hàng hoá xuất khẩu trực tiếp từ Việt Nam sang Mỹ, và áp thuế 40% đối với hàng hoá trung chuyển qua nước thứ ba. Tuy nhiên, những nội dung cụ thể trong thỏa thuận hiện mới dừng ở cấp độ sơ bộ. Nhiều chi tiết quan trọng vẫn đang được tiếp tục đàm phán.
Về phía mình, chia sẻ trên mạng xã hội, Tổng thống Donald Trump viết: “Tôi rất vinh dự thông báo rằng, sau cuộc trao đổi với Tổng Bí thư Tô Lâm - nhà lãnh đạo đáng kính của Đảng Cộng sản Việt Nam - chúng tôi đã đạt được một thỏa thuận thương mại quan trọng giữa hai quốc gia. Theo các điều khoản, tất cả hàng hóa từ Việt Nam vào Mỹ sẽ chịu mức thuế 20%, và hàng hóa trung chuyển sẽ bị áp thuế 40%. Đáp lại, Việt Nam sẽ làm một điều chưa từng thực hiện trước đây, đó là mở cửa hoàn toàn thị trường cho hàng hóa Mỹ, với thuế suất nhập khẩu là 0%…. Làm việc trực tiếp với Tổng Bí thư Tô Lâm là một trải nghiệm tuyệt vời. Xin cảm ơn vì sự quan tâm của quý vị!”
Trước đó, Tổng Bí thư Tô Lâm và Tổng thống Donald Trump đã có cuộc điện đàm trao đổi về quan hệ song phương, với đàm phán thương mại và chính sách thuế là điểm nhấn quan trọng. Hai nhà lãnh đạo bày tỏ sự hài lòng trước những bước phát triển tích cực trong quan hệ hai nước. Đồng thời, cả hai hoan nghênh kết quả đạt được giữa các đoàn đàm phán, dẫn đến việc thống nhất một Tuyên bố chung về Khuôn khổ Hiệp định Thương mại đối ứng, bảo đảm tính công bằng và cân bằng giữa hai nền kinh tế.
Tổng thống Trump đánh giá cao cam kết của Việt Nam trong việc dành ưu đãi đặc biệt cho hàng hóa Mỹ, đặc biệt là các mặt hàng có lợi thế như ô tô phân khối lớn. Ông khẳng định Mỹ sẽ tiến hành giảm mạnh thuế đối ứng với nhiều mặt hàng xuất khẩu từ Việt Nam, đồng thời tiếp tục hợp tác để tháo gỡ các vướng mắc thương mại còn tồn đọng.