Tròn hai năm nước Mỹ phải đối mặt với vấn đề lạm phát cao bất thường. Con đường để trở lại với sự ổn định kinh tế vẫn còn dài và không chắc chắn. Bởi cho đến nay, những áp lực về giá cả đang có dấu hiệu chuyển từ hàng hóa sang dịch vụ.
NHỮNG YẾU TỐ THÚC ĐẨY LẠM PHÁT
Dữ liệu lịch sử cho thấy, áp lực lạm phát của Mỹ bắt đầu xuất hiện khi đại dịch Covid-19 bùng phát và phản ứng của chính phủ. Sau đó, nó trở nên tồi tệ hơn bởi cuộc chiến Nga - Ukraine. Đến nay, tình hình đã dần hạ nhiệt khi các vấn đề về nguồn cung được giải quyết và Fed đưa lãi suất lên mức lịch sử.
Mặc dù vậy, xu hướng thúc đẩy lạm phát tại Mỹ hiện nay lại khác hẳn so với những tháng đầu của giai đoạn năm 2021. Cụ thể là giá dịch vụ như vé máy bay và tiền chăm sóc trẻ em tăng liên tục thay vì giá cả hàng hóa tiêu dùng.
Giờ đây, các quan chức Fed phải đánh giá liệu quá trình hạ nhiệt có diễn ra đủ nhanh để đảm bảo rằng lạm phát sẽ sớm trở về mục tiêu 2% hay không - một trọng tâm để ngân hàng trung ương đưa ra các quyết định lãi suất tiếp theo.
Trước thời gian đại dịch, lạm phát dao động quanh mức 2%, tính toán dựa trên Chỉ số giá tiêu dùng cơ bản và thước đo CPI cốt lõi loại bỏ giá lương thực và nhiên liệu dễ biến động. Lạm phát có xu hướng giảm mạnh ngay khi đại dịch nổ ra vào đầu năm 2020 khi mọi người dân ở nhà và ngừng tiêu tiền, nhưng sau đó đã tăng trở lại kể từ tháng 3/2021.
Khi đó, các hộ gia đình có nhiều tiền hơn bình thường sau nhiều tháng ở nhà và nhờ vào các chính sách kích thích kinh tế, khiến nhu cầu đối với hàng hoá và khả năng mua sắm trở nên mạnh mẽ hơn.
Cũng trong quãng thời gian đó, nguồn cung bị hạn chế do đại dịch khiến nhiều nhà máy phải đóng cửa, chi phí vận chuyển và tình trạng thiếu hàng, thiếu vật liệu đã là những lí do chính cho việc giá cả tăng nhanh một cách chóng mặt.
Trên khắp nền kinh tế, các công ty nắm bắt thời cơ để thu lợi nhuận; với tỷ suất lợi nhuận tăng vọt vào cuối năm 2021 trước khi giảm nhẹ vào cuối 2022.
Một yếu tố mới khiến lạm phát trở nên tồi tệ hơn sau đại dịch, đó là khi cuộc chiến Nga - Ukraine nổ ra vào tháng 2/2022 làm giá lương thực và nhiên liệu tăng vọt. Với tất cả những tác nhân đó, lạm phát toàn phần đã đạt mức cao nhất kể từ những năm 1980, vào khoảng 9% trong tháng 7/2022.
Các quan chức Fed đã nhận định rằng tình trạng thiếu hụt hàng hóa sẽ giảm dần, nhưng sự kết hợp giữa lạm phát trong mảng dịch vụ và tăng trưởng tiền lương nhanh chóng đến nay lại thu hút sự chú ý của họ.
Ngay cả khi tăng lương không phải là nguyên nhân ban đầu của lạm phát, các nhà hoạch định chính sách vẫn lo ngại rằng việc tăng giá sẽ khó quay trở lại tốc độ bình thường khi tỷ lệ lương tăng nhanh như vậy. Bởi lẽ, các công ty sẽ tiếp tục tăng giá để bù đắp chi phí lao động.
Các ngân hàng trung ương đã bắt đầu tăng lãi suất vào tháng 3/2022 để kiềm chế lạm phát bằng cách khiến việc vay mua ô tô, nhà hoặc mở rộng kinh doanh trở nên đắt đỏ hơn. Mục tiêu là làm chậm thị trường lao động và khiến các công ty khó có thể tăng giá hơn.
GIÁ CẢ HÀNG HOÁ HẠ NHIỆT, DỊCH VỤ TĂNG NHANH
Kể từ đó, lạm phát đã chậm lại do chi phí năng lượng và hàng hóa đã hạ nhiệt. Tuy nhiên, giá lương thực vẫn đang ở mức cao và đặc biệt, chi phí dịch vụ vẫn tăng nhanh.
Trên thực tế, giá dịch vụ hiện là trung tâm của câu chuyện lạm phát. Chi phí dịch vụ, ví dụ như dạy kèm và khai thuế hộ, đã bắt đầu ghi nhận mức cao kỷ lục. Trong khi đó, cụ thể hơn, dịch vụ thú y tăng 10%, bảo hiểm xe cơ giới tăng hơn 15%.
Nhà kinh tế Alan Detmeister của UBS cho biết lạm phát đối với tất cả các dịch vụ thường có xu hướng thay đổi khá chậm, một phần vì chúng liên quan đến tiền lương của người làm dịch vụ. “Tiền lương là một phần quan trọng trong giá cả dịch vụ. Và tiền lương thường chỉ thay đổi mỗi năm một lần. Do đó, giá cả dịch vụ ít khó có thể điều chỉnh hơn nhiều so với hàng hóa”.
Một yếu tố chủ chốt khác khiến lạm phát dịch vụ duy trì ở mức cao là nhà ở (nhà ở vẫn được coi là một dịch vụ, ngay cả khi bạn là người sở hữu nhà). Và tình trạng thiếu hụt đã khiến giá cả tăng cao. Ngoài ra, lạm phát dịch vụ vốn không được phân bổ đồng đều và có thể gây ảnh hưởng đặc biệt nặng nề đến các hộ gia đình có thu nhập thấp. “Ví dụ: người người có thu nhập thấp nhiều khả năng sẽ sở hữu một chiếc ô tô đã qua sử dụng và nếu đó là một chiếc ô tô đời cũ, cần sửa chữa nhiều hơn, thì họ sẽ phải trả mức giá rất cao để sửa những chiếc ô tô đó”, ông Detmeister giải thích.
“Giờ đây sẽ là một cuộc tranh luận giữa giá hàng hóa giảm và giá dịch vụ tăng, cũng như cách mọi người chọn để tiêu tiền”, ông Drew Matus, giám đốc chiến lược thị trường tại MetLife Investment Management, nhận xét.
Theo ông Charles Lieberman tại Advisors Capital Management, trong khi giá vé máy bay sẽ sớm ổn định trở, thì lạm phát trong lĩnh vực dịch vụ là một vấn đề nhức nhối cần khắc phục. “Phần lớn chi phí cung cấp dịch vụ là chi phí lao động. Và cho đến khi chúng ta thấy tỷ lệ thất nghiệp gia tăng đáng kể, thì giá cả dịch vụ khi đó mới có chiều hướng giảm dần”.
Nói cụ thể về khoảng thời gian tháng cuối năm 11/2022, tiền lương và tiền công đã tăng 0,5% chỉ vỏn vẹn trong khoảng từ tháng 10 đến tháng 11. Fed muốn giữ cho khu vực dịch vụ thoát khỏi “vòng xoáy tiền lương” (wage-price spiral), nơi mà giá cả tăng lên, người lao động yêu cầu tăng lương, các công ty tăng giá để trả cho những khoản tăng lương đó, người lao động lại yêu cầu tăng lương nhiều hơn và cứ thế tiếp tục.
Bên cạnh những tình hình nói trên, vài tín hiệu tích cực mới đã bắt đầu xuất hiện trong một lĩnh vực quan trọng. Chi phí nhà ở đã tăng lên nhanh chóng trong nhiều tháng, nhưng mức tăng tiền thuê nhà gần đây đã chậm lại theo dữ liệu thời gian thực của khu vực tư nhân. Điều đó dự kiến sẽ được đưa vào con số lạm phát chính thức vào cuối năm nay.