Theo thông báo của Bộ Tư pháp Mỹ công bố ngày 17/11, JPMorgan sẽ phải trả 130 triệu USD cho Ủy ban Chứng khoán-Hối đoái Mỹ (SEC) 72 triệu USD cho bộ Tư Pháp Mỹ và 61,9 triệu USD cho Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) để giải quyết cáo buộc trên.
Ngân hàng cũng đạt được thỏa thuận không bị kiện hình sự với Bộ Tư pháp Mỹ, đổi lại JPMorgan sẽ nghiêm chỉnh chấp hành và tiếp tục hợp tác với các điều tra viên của chính phủ Mỹ liên quan đến vụ bê bối trên. Một quan chức của Bộ Tư pháp Mỹ cho hay JPMorgan, ngân hàng đa quốc gia lớn nhất thế giới tính theo vốn thị trường, thừa nhận đã nhận hơn 100 triệu USD để tuyển dụng những "nhân sự đặc biệt" do một số khách hàng - trong đó có các quan chức Trung Quốc - giới thiệu để đổi lấy ảnh hưởng của những quan chức này, qua đó có được hợp đồng kinh doanh "béo bở."
Vào năm 2013 SEC đã mở cuộc điều tra đối với JPMorgan để xem liệu ngân hàng này có vi phạm Đạo luật về hành vi đưa hối lộ nước ngoài (FCPA) do Mỹ ban hành hồi năm 1977. Đạo luật này là nhằm cấm các công ty Mỹ hối lộ các quan chức nước ngoài để đổi lại các hợp đồng kinh doanh.
Điều tra cho thấy trong 7 năm (từ 2006-2013), JPMorgan đã tuyển dụng gần 100 người có mối quan hệ thân thích với các quan chức Trung Quốc tại 20 doanh nghiệp quốc doanh. Cụ thể, để qua mặt các quan chức điều tra, chi nhánh JPMorgan tại Hong Kong (Trung Quốc) đã thiết lập một chương trình mang tên "Chương trình những con trai và con gái," qua đó tiếp nhận các nhân viên không đủ trình độ nhưng có khả năng mang lại "giá trị chiến lược" cho ngân hàng này.
Hầu hết các "nhân sự" đặc biệt trong chương trình này được hưởng lương tương đương với các nhân viên mới được tuyển dụng khác dù không đủ năng lực và học vấn. Tư pháp Mỹ cho rằng việc trao các cơ hội việc làm có uy tín cho các cá nhân không đủ trình độ nhằm trục lợi bị coi là hành vi tham nhũng.
Tuy không bị khởi kiện, 6 nhân viên tại chi nhánh JPMorgan tại Hong Kong đã sa thải, cùng với 23 người khác bị kỷ luật do có liên quan đến chương trình tuyển dụng trên.