Văn phòng Đại diện Thương mại Hoa Kỳ (USTR) đã nhấn mạnh trong báo cáo được xuất bản vào ngày 31/1 rằng Trung Quốc đang dẫn đầu thế giới về các sản phẩm hàng giả và vi phạm bản quyền.
"Hàng giả và hàng lậu từ Trung Quốc, cùng với hàng trung chuyển từ Trung Quốc sang Hồng Kông, chiếm 75% tổng số hàng giả và hàng lậu bị Hải quan và Bảo vệ Biên giới Hoa Kỳ bắt giữ vào năm 2021", báo cáo mới nhất của chính phủ Hoa Kỳ về những “Thị trường Khét tiếng" nhận định.
Chính phủ Hoa Kỳ đã xác định được 39 thị trường trực tuyến và 33 thị trường thực được cho là tham gia hoặc tạo điều kiện cho việc làm giả nhãn hiệu hoặc vi phạm bản quyền, trong đó bao gồm cả WeChat.
WeChat là ứng dụng trò chuyện phổ biến nhất của Trung Quốc với hơn một tỷ người dùng đang hoạt động và thuộc sở hữu của một trong những “Big Tech Trung Quốc” - Tencent Holdings Limited.
Báo cáo cáo buộc WeChat cung cấp một hệ sinh thái thương mại điện tử tạo điều kiện thuận lợi cho việc phân phối và bán các sản phẩm hàng giả cho người dùng trên toàn bộ nền tảng.
Các thị trường trực tuyến khác có trụ sở tại Trung Quốc như AliExpress, Baidu Wangpan, DHGate, Pinduoduo và Taobao đều là một phần của danh sách “Thị trường Khét tiếng”. Cùng với đó, 7 khu chợ truyền thống ở Trung Quốc sử dụng các cửa hàng thực để hỗ trợ việc bán hàng giả trực tuyến cũng bị “réo tên”.
Bình luận về vấn đề này, Đại diện Thương mại Hoa Kỳ Katherine Tai cho biết: “Danh sách Thị trường Khét tiếng là một công cụ quan trọng để thúc giục khu vực tư nhân và các đối tác thương mại của chúng tôi hành động quyết liệt hơn trong việc chống lại những hành vi hàng giả, hàng lậu gây hại này”.
Trước đó vào đầu năm 2022, chính phủ Hoa Kỳ đã thêm các trang web thương mại điện tử do Tencent và Alibaba Group điều hành vào danh sách Thị trường Khét tiếng.
Chính phủ Trung Quốc vào thời điểm đó cho biết họ không đồng ý với quyết định của Hoa Kỳ trong việc đưa một số trang web thương mại điện tử của họ vào danh sách và chỉ trích hành động này là vô trách nhiệm.
Người phát ngôn của Tencent đã đưa ra lời phản bác lại quyết định của Hoa Kỳ trong khi Alibaba cho biết họ sẽ tiếp tục làm việc với các cơ quan chính phủ để giải quyết những lo ngại về bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ trên các nền tảng của mình.