Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg đã đặt ra câu hỏi khiến thế giới phải quan tâm trong nhiều tuần qua: liệu Nga có tấn công Ukraine hay không?
Ngay cả những người trong chính phủ Nga - ngoài Tổng thống Vladimir Putin - có thể cũng chẳng biết câu trả lời, nhưng thực tế hiện nay sự hiện diện quân đội Nga gần biên giới Ukraine được cho là lớn nhất kể từ khi Chiến tranh Lạnh kết thúc.
“Nga có mọi khả năng sẵn sàng, để tiến hành một cuộc tấn công vào Ukraine mà không có bất kỳ cảnh báo nào cả. Không ai phủ nhận rằng Nga có tất cả các lực lượng này,” ông Stoltenberg nói với CNBC’s Hadley Gamble tại Hội nghị An ninh Munich. "Câu hỏi là, liệu họ có phát động một cuộc tấn công hay không?”
Hơn 150.000 quân Nga đang đóng quân tại nhiều điểm khác nhau dọc theo biên giới với Ukraine. Lực lượng Nga cũng đã được bố trí tại Belarus, một đồng minh nằm ở phía bắc của Ukraine.
Bình luận của Stoltenberg được đưa ra khi quân đội Nga đã phóng tên lửa đạn đạo và tên lửa hành trình vào 19/2 để thể hiện sự sẵn sàng về hạt nhân của mình. Đó là một phần của cái mà Điện Kremlin gọi là “cuộc tập trận theo kế hoạch của các lực lượng răn đe chiến lược”.
“Lực lượng Hàng không Vũ trụ đã phóng thành công tên lửa đạn đạo siêu thanh Kinzhal. Các tàu và tàu ngầm của Hạm đội Phương Bắc và Biển Đen đã phóng tên lửa hành trình Kalibr và tên lửa siêu thanh Zirkon vào các mục tiêu trên biển và trên mặt đất ”, tuyên bố của Tổng thống Nga cho biết.
Rủi ro cao
Matxcơva khẳng định không có kế hoạch xâm lược Ukraine và các lực lượng của họ ở Belarus sẽ tham gia các cuộc tập trận quân sự diễn ra trong những ngày tới. Mỹ và các đồng minh phương Tây đã cảnh báo về các biện pháp trừng phạt kinh tế và ngoại giao nghiêm khắc đối với Nga nếu một cuộc xâm lược diễn ra.
“Tất nhiên là không có gì chắc chắn về điều đó [việc Nga không xâm lược Ukraine],” ông Stoltenberg nói thêm. Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden đã đưa ra nhiều cảnh báo rằng một cuộc xâm lược sắp xảy ra.
Quân đội Nga cho biết trong một tuyên bố hồi đầu tuần rằng họ sẽ rút một số binh sĩ của mình để đánh dấu sự kết thúc của các cuộc tập trận, khiến các thị trường thở phào nhẹ nhõm, nhưng các nhà lãnh đạo phương Tây nhấn mạnh rằng không có bằng chứng nào về việc cắt giảm thực sự các lực lượng xung quanh Ukraine.
Mỹ đã cáo buộc Nga âm mưu dàn dựng một cuộc tấn công của các lực lượng Ukraine để làm cái cớ cho cuộc xâm lược nước láng giềng. Điện Kremlin đã phủ nhận họ đang chuẩn bị bất kỳ hoạt động "cờ sai" nào.
Cáo buộc này được đưa ra trong bối cảnh căng thẳng leo thang giữa Nga và Ukraine kéo dài, trong đó Mỹ và NATO lo ngại về cuộc khủng hoảng địa chính trị đang diễn ra.