Các nhà kinh tế đã mong đợi một mức tăng nhỏ hơn là 25 điểm cơ bản với các dấu hiệu chậm lại của nền kinh tế nước này cũng như sự tạm dừng việc nâng lãi suất từ một số ngân hàng trung ương khác. Nhưng sau cuộc họp chính sách ngày 5/4, Ngân hàng trung ương New Zealand (RBNZ) cho biết lãi suất đã được nâng đến 50 điểm cơ bản, tăng từ 4,75% lên 5,25%.
Đánh đổi kinh tế để giảm lạm phát
Quyết định của RBNZ cho thấy sự chia rẽ ngày càng lớn trong cách tiếp cận của các ngân hàng trung ương toàn cầu khi một số người cảm thấy lo lắng về những rủi ro đối với tăng trưởng từ việc tiếp tục thắt chặt chính sách.
Trong khi Cục Dự trữ Liên bang và Ngân hàng Anh tăng lãi suất sau các cuộc họp chính sách gần đây nhất của họ, Ngân hàng Canada và Ngân hàng Dự trữ Úc đã quyết định tạm dừng để cân nhắc các tác động của những đợt tăng trước đó đối với nền kinh tế của họ.
Theo đó, Sharon Zollner, nhà kinh tế trưởng của ngân hàng ANZ tại New Zealand cho biết RBNZ và Ngân hàng Dự trữ Úc “tiếp tục chọn những con đường khác nhau đáng kinh ngạc khi đối mặt với những con số lạm phát rất giống nhau”.
Trong nhiều tháng, Ngân hàng trung ương New Zealand đã nói rằng suy thoái kinh tế là cái giá mà họ sẵn sàng trả để kiểm soát lạm phát. Chỉ số giá tiêu dùng tăng 7,2% trong 12 tháng tính đến tháng 12/2022, nhiều hơn dự đoán của các nhà kinh tế. Đồng thời, tổng sản phẩm quốc nội của nước này giảm 0,6% trong quý cuối cùng của năm 2022.
Chiến dịch kiềm chế áp lực giá cả của ngân hàng trung ương New Zealand đã trở nên khó khăn hơn do lũ lụt nặng nề ở Auckland, thành phố lớn nhất của đất nước này, vào tháng 1 và sau đó là Bão Gabrielle.
Thảm họa thiên nhiên gây ra thiệt hại ngay lập tức cho nền kinh tế vì chúng làm gián đoạn hoạt động, khiến người tiêu dùng không thể đến cửa hàng và doanh nghiệp phải đóng cửa trong một thời gian.
Mặc dù những nỗ lực xây dựng lại những ngôi nhà và cơ sở hạ tầng bị hư hại do bão thường mang lại một cú hích tăng trưởng, nhưng điều đó thường xảy ra sau một thời gian.
Ngân hàng trung ương New Zealand cho biết trong một tuyên bố giải thích về quyết định tăng lãi suất hôm thứ Tư rằng: “Nhu cầu tiếp tục vượt xa đáng kể khả năng cung cấp của nền kinh tế, do đó duy trì áp lực lên lạm phát hàng năm”.
RBNZ cho biết tăng trưởng kinh tế của New Zealand dự kiến sẽ chậm lại cho đến năm 2023, một phần do hoạt động xây dựng nhà ở ít hơn và tác động tích lũy của lãi suất cao hơn.
Đối với Abhijit Surya, nhà kinh tế Úc và New Zealand tại Capital Economics, quyết định thắt chặt đáng ngạc nhiên này có thể đẩy nền kinh tế của đất nước hướng tới suy thoái, tức hai quý tăng trưởng âm liên tiếp.
Ông Surya cho biết: “Với sự suy thoái có khả năng tạo ra tình trạng lạm phát giảm nhanh, chúng tôi vẫn nghĩ rằng việc cắt giảm lãi suất sẽ được đưa ra trước khi hết năm”.
Cuộc chiến lạm phát chưa dừng lại
Tuy tạm ngưng, nhưng Ngân hàng Dự trữ Úc (RBA) cho biết lần tạm ngưng này không đồng nghĩa với việc lãi suất sẽ dừng tăng.
Các nhà hoạch định chính sách đang cố gắng cân bằng giữa nỗ lực kiềm chế lạm phát với các mối đe dọa đối với tăng trưởng kinh tế do căng thẳng trong lĩnh vực ngân hàng, khi Credit Suisse và một số tổ chức tài chính của Mỹ rơi vào tình trạng cần được giải cứu.
Philip Lowe, thống đốc Ngân hàng Dự trữ Úc, cho biết “những bất ổn kinh tế đáng kể vào thời điểm hiện tại” là một yếu tố dẫn đến quyết định giữ nguyên lãi suất lần trước.
Ông Lowe cũng thừa nhận tác động của sự hỗn loạn trong hệ thống ngân hàng ở nước ngoài, với khả năng chúng ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế toàn cầu (và do đó là địa phương), ngay cả khi hệ thống ngân hàng Úc phần lớn vẫn không gặp khó khăn.
Sau quyết định tạm dừng tăng lãi suất, ngân hàng trung ương Úc đã lưu ý rằng chi tiêu của người tiêu dùng đang giảm khá đáng kể so với mức cao sau đại dịch và dự kiến xu hướng này sẽ tiếp diễn.
Ông Philip Lowe cho biết đây là dấu hiệu cho thấy việc tăng lãi suất đang có tác dụng như dự kiến, cùng với đó, lạm phát cao cũng góp phần khiến nhu cầu của người tiêu dùng yếu đi.
“Thực tế là chúng tôi hiện đang thấy bằng chứng rõ ràng về lãi suất cao hơn và áp lực chi phí sinh hoạt đang đè nặng lên nền kinh tế. Đây là một trong những lý do tại sao chúng tôi nghĩ rằng lãi suất nên giữ ổn định trong tháng này và chỉ cần đợi một chút cho đến khi chúng tôi nắm bắt nhịp điệu của nền kinh tế và đánh giá lại", ông nói thêm.
Tuy nhiên, ông Philip Lowe cũng đã cảnh báo các hộ gia đình phải chuẩn bị tinh thần cho những khó khăn về lãi suất, đặc biệt nếu các doanh nghiệp tiếp tục tăng giá hoặc người lao động yêu cầu tăng lương nhiều hơn.
Phát biểu tại của Câu lạc bộ Báo chí Quốc gia ở Sydney, thống đốc RBA Philip Lowe nói với các phóng viên có mặt rằng "Quyết định giữ lãi suất ổn định trong tháng này không có nghĩa là việc tăng lãi suất đã kết thúc. Thật vậy, hội đồng quản trị kỳ vọng rằng có thể cần phải thắt chặt hơn nữa chính sách tiền tệ để đưa lạm phát trở lại mục tiêu trong một khung thời gian hợp lý".
RBA cho biết việc tạm dừng có thể chỉ là tạm thời nếu áp lực tăng giá quay trở lại. Họ cũng quan tâm xem thị trường việc làm địa phương phản ứng như thế nào với việc tăng lãi suất trong thời gian dài, đặc biệt nếu mức tiêu dùng suy yếu mạnh do các hộ gia đình tìm cách tiết kiệm tiền.