Các nhà hoạch định chính sách toàn cầu vẫn tập trung vào việc chống lạm phát. Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) tuần trước đã thông báo tăng 0,50 điểm phần trăm trong chi phí vay của khu vực đồng euro. Nhiều ngân hàng trung ương tại châu Âu cũng đã bắt đầu tăng lãi suất sau động thái hôm vừa rồi của Fed.
Ngân hàng trung ương lần lượt tăng lãi suất
Một ngày sau khi Fed tăng chi phí vay của Mỹ thêm 0,25 điểm phần trăm, Ngân hàng Trung ương Anh cũng có hành động tương tự khi nâng lãi suất cơ bản lên 4,25%, mức cao nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008.
Ngân hàng Quốc gia Thụy Sĩ (SNB) đã nâng lãi suất thêm 0,50 điểm phần trăm lên 1,5%. Cùng với đó, Ngân hàng Trung ương Na Uy cũng đã tăng lãi suất 0,25 điểm phần trăm lên 3,0%.
Ngoại lệ trong số các ngân hàng trung ương lớn là Ngân hàng Trung ương Nhật Bản. Nhật Bản kiên quyết chống lại việc thắt chặt chi tiêu sau những gì họ cho là sự thúc đẩy tạm thời đối với giá tiêu dùng sau cuộc xung đột của Nga và Ukraine.
Nhìn chung, trong năm qua, hóa đơn năng lượng và thực phẩm đã tăng vọt trên khắp thế giới do hạn chế về nguồn cung do cuộc xung đột đang diễn ra.
Sau các cuộc họp chính sách tiền tệ của họ, Ngân hàng Quốc gia Thụy Sĩ cho biết họ đang chống lại sự gia tăng mới của áp lực lạm phát. Đồng thời, Ngân hàng Trung ương Na Uy cũng tuyên bố rằng lãi suất cao hơn là cần thiết để kiềm chế lạm phát.
Trước đó, Ngân hàng Thụy Sĩ vào cuối tuần đã làm trung gian cho việc UBS tiếp quản Credit Suisse đang trong tình trạng khủng hoảng.
Chủ tịch Ngân hàng Quốc gia Thụy Sĩ Thomas Jordan nói trong một cuộc họp báo tại Zurich rằng: "Hệ thống ngân hàng Thụy Sĩ rất linh hoạt và mạnh mẽ". Ngân hàng cho biết chính quyền Thụy Sĩ đã "chấm dứt cuộc khủng hoảng" tại Credit Suisse, tuyên bố rằng hành động của họ đã bảo vệ sự ổn định tài chính.
Jordan cho biết thêm, nếu không giải quyết được, cuộc khủng hoảng Credit Suisse sẽ gây ra một cuộc khủng hoảng tài chính lớn hơn, không chỉ ở Thụy Sĩ mà rất có thể là trên toàn cầu. "Trọng tâm là phải đảm bảo rằng chúng tôi có thể duy trì sự ổn định tài chính trong mọi trường hợp”, ông Jordan nhận định.
Trong khi đó, Ngân hàng Trung ương Anh cho biết "sự không chắc chắn xung quanh triển vọng tài chính và kinh tế đã tăng lên".
Vào đầu tuần, đã có nhiều cuộc thảo luận về việc Ngân hàng Trung ương Anh có thể quyết định không nâng lãi suất cơ bản. Tuy nhiên, dữ liệu chính thức cho thấy sự gia tăng bất ngờ trong lạm phát hàng năm của Vương quốc Anh lên đến 10,4% đã nhanh chóng dập tắt kỳ vọng đó.
Lần tăng lãi suất này của Ngân hàng Anh là lần thứ 11 liên tiếp kể từ cuối năm 2021, khi chi phí đi vay của Vương quốc Anh ở mức thấp kỷ lục 0,1%.
Nguy cơ khủng hoảng ngành ngân hàng
Khi Fed tăng lãi suất cho vay lên 4,75-5,0%, các nhà phân tích cho rằng các tuyên bố kèm theo của của Fed báo hiệu rằng họ có thể sớm tạm dừng các chính sách thắt chặt tiền tệ.
Tuyên bố của Fed đã thay thế cảnh báo trước đó rằng các đợt tăng liên tục sẽ phù hợp để chế ngự lạm phát bằng một cảnh báo rằng một số chính sách củng cố bổ sung có thể phù hợp hơn trong tình hình hiện tại.
Fed cho biết thêm, những phát triển gần đây của ngành ngân hàng "có khả năng dẫn đến các điều kiện tín dụng thắt chặt hơn đối với các hộ gia đình và doanh nghiệp, đồng thời ảnh hưởng đến hoạt động kinh tế, việc tuyển dụng và lạm phát".
Sự lung lay của hệ thống ngân hàng gần đây cũng là lý do tại sao các nhà kinh tế trong những ngày gần đây kỳ vọng về khả năng các ngân hàng trung ương sẽ nhấn nút tạm dừng việc tăng lãi suất. Tuy nhiên điều đó đã không xảy ra, khiến tương lai của thị trường ngân hàng càng trở nên mù mịt.
Theo chuyên gia kinh tế trưởng của Moody's Analytics ông Mark Zandi, việc Fed tăng lãi suất vừa rồi có thể sẽ gây thêm nhiều khó khăn cho nền kinh tế Mỹ, khi ngày càng nhiều nhà phân tích nhận định suy thoái kinh tế có nhiều khả năng xảy ra do khủng hoảng ngân hàng.
Các ngân hàng có thể giảm quy mô cho vay do lo ngại về sự lây lan từ sự sụp đổ của Ngân hàng Silicon Valley và Signature, cũng như việc giải cứu Credit Suisse và những rắc rối tại Ngân hàng First Republic. Thắt chặt tín dụng sẽ làm chậm tăng trưởng kinh tế và các nhà kinh tế Phố Wall, từng lạc quan về khả năng Mỹ có thể tránh được suy thoái, giờ đây đang gióng lên hồi chuông cảnh báo về một cuộc hạ cánh khó khăn cho nền kinh tế.
Ông Mark Zandi cho biết: “Quyết định tăng lãi suất một lần nữa của Fed do sự ổn định mong manh trong hệ thống ngân hàng thật đáng thất vọng. Việc tăng lãi suất theo quý sẽ không phải là điều phá vỡ mọi thứ, nhưng nó cho thấy Fed sẵn sàng tận dụng cơ hội đó để giảm lạm phát nhanh hơn”.
Cùng với đó, ông Zandi nhận định rằng việc tăng lãi suất là không cần thiết, do tăng trưởng kinh tế đang chậm lại và các ngân hàng thận trọng hơn trong việc cho vay. Ông cũng chỉ ra lạm phát đang ở mức vừa phải, dự báo sẽ suy yếu hơn nữa với “giá dầu thấp, giá thuê nhà suy yếu và tăng trưởng tiền lương đang chậm hơn”.
Nhà kinh tế trưởng của Moody's cho rằng Cục Dự trữ Liên bang đã điều chỉnh quá mức so với việc coi lạm phát là tạm thời trước đó. Ông nhận định: “Fed đã sai lầm khi giữ lãi suất quá thấp trong thời gian dài sau đại dịch. Bây giờ, họ lại có nguy cơ tăng lãi suất quá cao và quá nhanh”.