Từ lâu, nói đến Nam Định, người ta nghĩ ngay đến xứ sở của tơ lụa, vải sợi và dệt may với nhà máy dệt, máy tơ lớn nhất đất nước. Nhưng, đó chỉ là một thời vang bóng.
Bạn bè ông thường bảo, tư duy làm ăn của Minh hợp với cơ chế thị trường bởi ông dám đương đầu với sự cạnh tranh khốc liệt, ai có tài sẽ mặc sức tung hoành, ai kém cỏi dĩ nhiên bị đào thải. Nguyễn Thế Minh đã có đất dụng võ, có võ đài để trổ hết tài năng kinh doanh của mình.
Từng học qua các trường Đại học Kinh tế Quốc dân, Ngoại ngữ, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh rồi sang Liên Xô học về ngành đường sắt. Về nước, ông là viên chức nhà nước, hứa hẹn rất sáng sủa về hoạn lộ. Nhưng ông thấy mọi thứ đầu chật chội, tù túng và gò bó, không thể thỏa chí sáng tạo tang bồng. Vậy nên ông đã mở công ty hoạt động trong một lĩnh vực hoàn toàn mới mẻ đối với mình là dệt, may. Tất nhiên là bỡ ngỡ và nhiều khó khăn nhưng đã được trang bị nhiều kiến thức về quản lý kinh tế khi học ở trường Đại học Kinh tế Quốc dân nên lại cũng có nhiều thuận lợi.
Với nhiều thành công, Công ty của ông nuôi được cả ngàn công nhân và đóng thuế đáng kể cho Nhà nước. Với một doanh nhân, đó là niềm tự hào to lớn mà không phải doanh nhân nào cũng làm được.
Dáng điệu khoan thai, thư thái, nói năng từ tốn, nhẹ nhàng, luôn vui tươi hòa đồng với mọi người xung quanh… con người của Nguyễn Thế Minh luôn toát lên vẻ nhẹ nhàng thanh tao của một nhà giáo, nghệ sĩ hơn là một thương gia. Sở dĩ như vậy bởi trong ông còn một con người thứ hai nữa đối lập hoàn toàn về tư duy, cảm xúc và môi trường với công việc kinh doanh đang làm. Đó là con người thi sỹ. Con người này luôn đồng hành với con người kinh doanh trong ông để kịp thời hóa giải những căng thẳng, ức chế, mệt mỏi do thương trường mang lại. Nguyễn Thế Minh coi thơ như một cứu cánh tâm hồn. Ông có thể làm thơ bất cứ lúc nào, chỉ cần có chút thời gian thư giãn là hồn thơ trong ông cất cánh.
Bắt đầu từ năm 2016, ông cho xuất bản tập thơ đầu tay để rồi đến nay đã có được 9 tập. Tất nhiên, số lượng không làm nên diện mạo người sáng tác nhưng ít nhất thể hiện một năng lực tư duy không ngưng nghỉ và một nội lực sáng tạo đáng nể. Nếu cái dòng sông thơ không đầy ắp trong tâm hồn thì không thể tuôn ra được nhiều như thế.
Tôi đặc biệt có cảm tình và rung động trước những bài thơ ông viết về quê hương Nam Định – nơi ông có nhiều năm thành danh và gắn bó. Đây chính là luồng mạch cảm xúc phong phú nhất mà Nguyễn Thế Minh đã triệt để khai thác để tạo nên những câu thơ thật đáng yêu:
“Thành phố dịu hiền bên vạt nắng thu
Nam Định vi vu trong ánh mắt
Lá vàng lác đác rơi
Dịu dàng cơn gió mát”
Cảm xúc về quê hương, Nguyễn Thế Minh luôn lồng ghép vào những kỷ niệm riêng tư thật êm đềm. Vậy nên đó đích thực là những bài thơ tình nhẹ nhàng mà sâu sắc, bâng khuâng mà mãnh liệt, đúng với những cung bậc phong phú của tình yêu lứa đôi. Bài “Nam Định mưa” là một trong những bài thơ hay nhất. Sau khi tả mưa ở thành phố quê mình: “Mưa dồn hiu hắt cỏ cây/Sông Đào dâng kín/Ngập đầy Vị Xuyên?”, tác giả viết: “Đâu rồi gương mặt thân quen. Bờ môi ướt sũng, mắt nhèm, mũi cay?”
Những bài thơ hay, cảm động về quê hương Nam Định của Nguyễn Thế Minh rất nhiều, không bài nào giống bài nào nhưng tất cả đều toát ra một tình cảm duy nhất: Yêu, thương, đắm đuối với quê, nếu xa thì rất nhớ như nhớ người tình vậy. Như một sợi dây vô hình liên kết, bên cạnh khối lượng rất lớn về chủ đề quê hương thì thơ tình của ông cũng chiếm một tỷ lệ đáng kể. Đọc mảng này của Nguyễn Thế Minh, ta thấy ông yêu, thương, nhớ thật hồn nhiên như tình cảm của một cậu trai mới lớn mặc dù khi viết ra những vần thơ này, tác giả không còn trẻ. Những vần thơ tuôn chảy thật tự nhiên khiến kẻ dửng dưng nhất với tình yêu cũng không thể không thấy xao xuyến:
“Chiếc lá rơi lạc mùa
Hồn thả về góc phố
Giọt nắng vàng oà vỡ
Ai nhớ em chiều nay”.
(Ai nhớ em)
Mưa thả nước dập dềnh
Lênh loang màu vàng lá
Mưa trượt dài tượng đá
Hư hao kiếp phiêu bồng.
(Phố ngậm ngùi)
“Anh giấu mùa đông vào tay áo
Cầm khăn ấm chờ quàng vai em
Sợ đông dài quên mất hơi quen
Tình ngọt ngào vừa trao lỡ mất”
(Người tình mùa đông)
Tôi thích cái giọng dịu nhẹ, giản dị, cứ như độc thoại nội tâm ở những bài thơ tình của Nguyễn Thế Minh. Dẫu sự thực có đam mê, mãnh liệt, cuồng phong đến mấy (đã yêu thật thì dĩ nhiên là như thế) nhưng tôi vẫn thích sự phô diễn tinh tế, kín đáo, nhẹ nhàng hơn là sự “bốc lửa” kiểu như “Hỡi xuân hồng, ta muốn cắn vào ngươi” (Xuân Diệu).
Thơ Nguyễn Thế Minh giản dị, dễ hiểu. Ông có vẻ như nghĩ sao nói vậy, cảm xúc sao thì viết nên trang giấy như thế. Nhưng rõ ràng có sự chắt lọc chứ không xô bồ, tham lam, dễ dãi gieo vần điệu để những ý dông dài, tầm phào cũng đưa lên trang sách như nhiều người vẫn mắc. Chỉ qua những câu thơ dẫn ra trong bài này cũng đủ minh chứng rõ điều đó. Thơ, văn hoặc bất cứ loại hình văn nghệ nào sáng tác ra là để cho số đông công chúng hôm nay đọc, chứ không phải mãi tới mai sau người ta mới có thể thẩm thấu.
Có lẽ ông là người làm thơ ở Việt Nam đứng đầu kỷ lục khi có tới trên 200 bài thơ được phổ nhạc. Tất nhiên, giá trị, tài năng một nhà thơ không ở tiêu chí được nhiều hay ít người phổ thơ thành ca khúc nhưng ít nhất đã nói lên một điều: Người làm thơ được nhiều người sáng tác nhạc đồng cảm.
Chẳng những là người có tài kinh doanh và giàu năng lực làm thơ mà Nguyễn Thế Minh còn có nghị lực phi thường khi trong người mang trọng bệnh, từng phải vào, ra bệnh viện rất nhiều lần, tưởng như không qua khỏi. Nhưng ông đã bằng sự lạc quan và một ý chí thép để vượt qua, chiến thắng bệnh tật, đưa công ty tiếp tục phát triển không ngừng. Sản phẩm luôn vươn xa ra thế giới cũng những vần thơ tiếp tục tuôn trào chính là niềm vui giản dị, bất tận khiến ông thấy cuộc đời đẹp và ý nghĩa biết bao.
Y Hoa