1. Tôi mở đầu truyện ngắn Cà phê yêu dấu của mình bằng đoạn văn như sau:
“Bao giờ người Việt mình không thích thưởng thức cà phê nữa, câu chuyện này của tôi sẽ làm sứ mệnh nằm lặng lẽ trên giá, bụi thời gian phủ mờ, và biết đâu sẽ có một chàng trai một sớm mai thức dậy, quyết tâm lên đường tìm bóng cố nhân.
Tôi đâu biết có ngày mình đi bán cà phê. Đâu biết cà phê trở thành tri âm tri kỷ, làm chứng nhân cho một đoạn đường đi tìm sự hạnh ngộ của một đời người…”
Nhân vật trong truyện cũng như tôi - tác giả, đều có sự thôi thúc về tâm linh, mà không lí giải được vì sao mình đi con đường này mà lại không đi con đường khác. Có gì đó như là con đường đồ thị ngược: Tôi ban đầu là cô giáo dạy Toán, phấn đấu học hành viết lách, thành nhà văn rồi mới trở thành nhà báo, thạo việc nhà báo rồi thì quay ra đi kinh doanh.
Trong tôi là dòng máu của một gia tộc thương gia nghiệp kim hoàn, trộn lẫn dòng máu sáng tạo nghề kiến trúc xây dựng. Ông bà nội tôi vốn lập thương hiệu vàng Tài Nguyên nổi tiếng nhất nhì xứ cố đô Huế từ thời Pháp thuộc. Ánh kim hoàn lấp lánh soi rọi cho gia tộc họ Võ Công của tôi đi những chặng đường như ánh chiếu của số phận dân tộc Việt. Ông ngoại tôi, một thợ Cả từng xây Nhà hạt nhân Đà Lạt, đại học Tây Nguyên, lăng tẩm cho dòng họ Nam Phương Hoàng hậu… Cuộc sống của ông bà ngoại ở Đà Lạt khá lãng mạn như tiểu thuyết. Ba mẹ tôi đi theo cách mạng, không biết gì về kinh doanh. Nhưng cô chú tôi thảy đều là những nhà kinh doanh kim hoàn đại tài, bị xếp vào hạng tư sản mại bản sau giải phóng, bị mất hàng chục cửa hiệu kinh doanh vàng bạc kim cương xaphia ruby… ở tất cả các thành phố như Huế, Đà Nẵng, Nha Trang, Sài Gòn. (Chú tôi, người được ông bà nội ủy thác thay anh trưởng đi cách mạng là cha tôi, năm 1974-1975 đang chuẩn bị xây một khách sạn ngang ngửa khách sạn Hương Giang, thì giải phóng Miền Nam, và toàn bộ tiền vàng của gia tộc bị tịch thu xung công quỹ).
Nhắc lại chuyện này, vì cho dù được sinh ra lớn lên ở Hà Nội, cả tuổi thơ không biết gì về Huế, về dòng tộc phải giấu đi của mình, Đà Lạt thì mờ sương trong những câu chuyện kể của mẹ; nhưng trong tôi vẫn chảy âm thầm dòng máu của một doanh nhân, với triết lý như tôi đã viết trong truyện của mình: cà phê - hay việc kinh doanh trở thành tri âm tri kỷ, làm chứng nhân cho một đoạn đường đi tìm sự hạnh ngộ của một đời người… Và như vậy, với tôi kinh doanh không phải là việc mua bán trao đổi, kinh doanh là chứng nhân cho đoạn đường đi tìm sự hạnh ngộ, là sự trải nghiệm đầy suy tư và đam mê, là sự sáng tạo thử thách, khá nghiệt ngã trong những phác thảo sơ đồ phúc phận.
2. Tôi trong số ít nhà văn chủ động cùng chồng mở công ty xuất bản sách. Công ty Truyền thông Hà Thế của gia đình tôi (nay đã phải chuyển đổi thành Công ty Văn hóa và Dịch vụ Thiên Đức) một thời ghi dấu ấn, in toàn sách văn học có giá trị của các nhà văn trong nước như Y Ban, Thùy Dương, Tạ Duy Anh, Sương Nguyệt Minh, Lê Minh, Nguyễn Khoa Đăng, Nam Ninh, Tô Đức Chiêu, Cao Tiến Lê... Các nhà văn hải ngoại biết đến công ty tôi đã gửi tác phẩm về in trong nước cũng khá nhiều. Có những tác phẩm được giải. Nhiều tác giả trẻ được tôi chọn in, người thành tên tuổi trong làng văn, được kết nạp vào Hội Nhà văn Việt Nam. Người được giải, người có sách bán chạy trên thị trường.
Tôi mở quán Nàng Thê Coffee House (tại 34 ngõ 12 Láng Hạ, Ba Đình, Hà Nội) vào năm 2014, khi quyết định từ chối những vị trí quản lí ở Hội Nhà văn Việt Nam, đi tiếp sự trải nghiệm ngoài xã hội bằng cách dấn thân vào thương trường. Cũng là thực hiện niềm đam mê kinh doanh chảy trong huyết quản. Đây không phải lần đầu mà là lần thứ 9 tôi mở quán cà phê. Để kể về cà phê, tôi có thể viết hàng vài chục trang giấy. Để kể về việc xuất bản sách, tôi có thể viết hàng trăm trang giấy không hết.
- Nàng Thê Coffee House, 1.1.2018 -
Tôi từng tuyên ngôn rất mạnh mẽ, rằng “Nhà văn không được phép nghèo”. Khi báo Tiền phong đăng bài truyền tải thông điệp này, bài trả lời phỏng vấn tôi lập tức gây tranh luận và tò mò cho không ít người. Một số muốn xem tôi sống như thế nào, có giàu có không? Một số khác hỏi xoáy tôi rằng, có bao nhiêu nhà văn giàu có trong số các nhà văn nước Việt? Họ cố tình hiểu chữ GIÀU đo bằng tiền của. Và câu trả lời của tôi trong cả thập niên vừa qua là tôi chưa thể giàu có về tiền của, nhưng tôi đã thu được khá nhiều giá trị trải nghiệm cuộc sống.
Giá trị luôn là một khái niệm có tính chủ quan. Nó có thể là giá trị với người này và không với người khác. Có thể nhiều ít khác nhau, phụ thuộc không gian thời gian địa điểm lối sống quan hệ… Và còn được quyết định bởi quy luật cung cầu. Chúng ta đều biết, khi chọn mua một món hàng thì món hàng đó có giá trị hơn số tiền chúng ta bỏ ra. Còn người bán món hàng đó thì với họ, số tiền thu được có giá trị hơn món hàng vừa bán. Cả hai đều cảm thấy có lợi.
Chú ruột tôi, người được ông bà nội tôi chuyển giao vị thế thay ba tôi, với một khối tài sản lấp lánh ánh vàng như tôi kể trên, thường nói rằng: Vấn đề không phải là chúng ta bán được hàng kiếm lời, mà vấn đề là chúng ta đã đem lại cho khách hàng một thứ giá trị thực đối với họ, đó là những giây phút vui vẻ thăng hoa, điều mà mọi người hầu như ít nhận ra, rằng họ mua bất cứ thứ gì cũng đều được hưởng niềm vui là giá trị đầu tiên.
Ông ngoại thì dạy mẹ tôi, và mẹ tôi truyền lại cho chị em chúng tôi, rằng nếu có niềm đam mê, con người sẽ sáng tạo được cả Đỉnh Trời.
Nhà văn Võ Thị Xuân Hà