Những chuyện lạ ở Đồng Tháp...

Đưa khách đến tham quan Nam Phương Linh Từ (Lấp Vò, Đồng Tháp), ai cũng ngạc nhiên. Không phải vì sự hoành tráng của công trình bề thế. Không hẳn vì hơn 7.000m3 gỗ căm xe nhập khẩu.

Nếu so với Đại Nam Văn Hiến (Bình Dương) và chùa Bái Đính (Ninh Bình), thì Nam Phương Linh Từ mấy lần em út. Nhưng cái hồn của công trình thì ăn đứt mấy lượt.

Thiên hạ ngạc nhiên vì những suy nghĩ đột phá. Nam Phương Linh Từ thờ anh linh những người đã có công mở cõi phương Nam. Nhiều nhân vật lâu nay bị những định kiến hẹp hòi phủ nhận, được người dân Đồng Tháp trân trọng thờ cúng. Đã là người, ai cũng có mặt này mặt khác. Không thể lấy chủ kiến thời nay áp đặt, phê phán những hành xử của cha ông trái với ý nghĩ của mình.

Phải nói là có phần sững sờ và xúc động khi gặp các tượng đồng danh nhân “có vấn đề” như Nguyễn Ánh (Gia Long), Lê Văn Duyệt, Trương Vĩnh Ký (Một trong 18 học giả lùng danh thế giới lúc sinh thời), Phan Thanh Giản (Tiến sĩ đầu tiên của Nam Kỳ)… Tam hùm Gia Định gồm Võ Tánh, Ngô Tùng Châu, Đỗ Thành Nhân và các danh nhân khác như Nguyễn Huỳnh Đức, Phạm Công Tắc (giáo chủ Cao Đài), Huỳnh Phú Sổ (giáo chủ Hòa Hảo)… đều nằm trong danh sách 125 nhân vật bước đầu được chọn để thờ. Bên cạnh các anh hùng Nguyễn Huệ (Quang Trung), Nguyễn Tri Phương, Trương Định, Nguyễn Hữu Huân, Nguyễn Trung Trực và nhiều anh hùng liệt sĩ đời nay.

Bất chấp thành kiến, nhân dân Lấp Vò còn lập miếu thờ vua Gia Long từ cả trăm năm trước. Miếu nhỏ, trang nghiêm nhưng bia đá thì lớn và tinh xảo. Mấy chuyện lạ trên sẽ không khó hiểu khi có dịp tìm hiểu kỹ hơn. Đối diện chợ Cao Lãnh là đền thờ ông bà Đỗ Công Tường ( ? – 1820), tục gọi là Lãnh, giữ chức Câu Đương. Là người có công lập chợ Vườn Quýt (tiền thân của chợ Cao Lãnh ngày nay) và cứu giúp dân lúc bệnh tả hoành hành đầu thế kỷ 19. Ban đầu chợ có tên là Câu Lãnh, sau đọc trệch thành Cao Lãnh. Đền thờ uy nghi, là di tích văn hóa của tỉnh. Tượng đồng ông bà to như người thật. Bỗng dưng nhớ ông Quách Đàm (còn gọi là Quách Diệm 1863 – 1921) và Chợ Lớn (TP.HCM). Công trạng không hề kém cạnh mà số phận quá long đong.

Cách đó không xa là đền và công viên cùng tên thờ ông bà Tiền hiền Nguyễn Tú (cuối TK 18 - đầu TK 19), người có công khai khẩn làng Mỹ Trà, vùng đất đầu tiên của Đồng Tháp xưa. Ở cồn Phú Mỹ (thuộc Thị trấn Thanh Bình, huyện Thanh Bình, nơi có đường hoa tự nhiên dài gần 2km) còn có miếu thờ Ông Cồn bà Cồn. Miếu khang trang, chỉ thờ bài vị. Tương truyền là những người đầu tiên đến khai hoang vùng này, thấy ông bà về báo mộng nên lập đền thờ cúng. Mỗi năm vào các ngày vía, hàng chục ngàn người về dự vía viếng đền thờ ông bà Đỗ Công Tường, ông bà Nguyễn Tú và Nam Phương Linh Từ.

Các đền miếu đều thờ cả ông lẫn bà vì “Của chồng công vợ”. Đó là những gia đình hào hiệp, mẫu mực, hạnh phúc và luôn sát cánh bên nhau. Đồng Tháp còn nhiều chuyện lạ, có thể kể cả ngày. Đó là chuyện “Hủ tíu bà Sẩm ở Sa Đéc”, mặt tiền đường lớn, chỉ 6.000 đồng một tô, ngon và rẻ nhất thế giới. Là cà phê sữa đá hay cam vắt ở Thanh Bình chỉ 5.000 đồng, các loại nước khác thì 3.000 đồng, rẻ nhất châu Á. Dân Thanh Bình còn biến mấy chai lọ thải thành bình hoa, giỏ hoa và trồng rau thủy sinh cực sốc…

Dân Đồng Tháp cũng có nhiều nhiều người lạ. Ông Nguyễn Cẩm Lũy (1948 - 2011), “Thần đèn” đầu tiên của Việt Nam, chỉ học hết lớp 4. Ông Nguyễn Văn Cường (1953), cải tiến máy Honda cup thành máy xới đất đa năng ở Thanh Bình, chỉ học tới lớp 6. Ông Trần Khiêm Khánh (Tư Khánh, 1934), ở thành phố Sa Đéc, chỉ mới học tới lớp 7 nhưng là cha đẻ của bột gạo lứt Bích Chi, từ 1966 là cứu cánh của trẻ em miền Nam, khắc tinh của nạn suy dinh dưỡng… Ở Đồng Tháp, từ bí thư Tỉnh ủy đến cán bộ cơ sở đều đi làm bằng xe gắn máy, kể cả những người ở cách xa 40 - 50 km. Trụ sở Tỉnh ủy, Ủy ban tỉnh cũng rất khiêm tốn so với nhiều tỉnh thành khác và luôn mở cửa đón doanh nhân và cả người dân đến gặp lãnh đạo.

 “Cà phê doanh nhân doanh ngiệp” - nơi gặp gỡ giao lưu giữa các doanh nhân, doanh nghiệp và lãnh đạo tỉnh ngay trụ sở UBND và Tỉnh ủy. Mô hình hiện được nhân rộng đến một số huyện, thị, thành phố trực thuộc. Cứ mỗi sáng trước giờ làm việc, khoảng 6g30, Bí thư và chủ tịch lại thân tình cùng các doanh nhân trao đổi công việc, nhâm nhi cà phê, giải quyết các vướng mắc, kiến nghị. Các doanh nhân và cả người dân đều có thể đăng ký trước qua phòng Đối ngoại, điện thoại thẳng cho lãnh đạo hoặc đến gặp trực tiếp. Trụ sở UBND tỉnh Đồng Tháp có lẽ thân thiện nhất. Cả xe taxi và gắn máy không phải “Xuống xe, trình giấy, dẫn bộ” mà chỉ cần nói lý do với chốt bảo vệ là được tận tình, niềm nở hướng dẫn chạy thẳng vào trong...

Đồng Tháp có lẽ cũng là tỉnh duy nhất có Trung tâm Phát triển du lịch trực thuộc UBND tỉnh. Chủ tịch tỉnh là Trưởng ban Chỉ đạo Du lịch tỉnh chỉ gồm 6 thành viên. Tỉnh cũng vừa ban hành qui chế hỗ trợ cụ thể các hộ gia đình, các doanh nghiệp đầu tư vào du lịch tỉnh nhà. Đích thân bí thư, chủ tịch tỉnh dẫn các đoàn cán bộ, doanh nghiệp và người dân tham quan thực tế, trải nghiệm ăn, ngủ, tham quan những mô hình mới và hiệu quả ở phía Bắc…

Tất cả làm nên tính cách người Đồng Tháp, như loài sen bình dị mà cao quý, biết chắt lọc tinh túy từ bùn hôi để tỏa hương thơm ngát cho đời. Sen Đồng Tháp không chê bùn hôi kiểu “Gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn” mà còn biết ơn và trân trọng, bởi “Nhờ bùn nuôi dưỡng, ngát thơm hương đời”.

Nguyễn Văn Mỹ (CEO Lửa Việt Tours)

Có thể bạn quan tâm