Sự dao động của các yếu tố khí tượng như nhiệt độ, độ ẩm trong thời kỳ giao mùa gây ra tình trạng rối loạn miễn dịch, làm tăng tính cảm thụ của cơ thể đối với các tác nhân gây bệnh đường hô hấp. Đối tượng nguy cơ cao bao gồm trẻ em và người già do hệ miễn dịch chưa hoàn thiện hoặc suy giảm.
Một số bệnh thường gặp
Bệnh sởi và bệnh rubella là 2 căn bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus gây ra. Bệnh chủ yếu lây theo đường hô hấp qua các giọt bắn dịch tiết từ đường hô hấp của người bệnh hoặc qua các con đường tiếp xúc trực tiếp, đặc biệt chúng có nguy cơ lây lan và dễ dàng trở thành đại dịch, nhất là ở các trẻ em chưa được tiêm phòng vắc - xin sởi, rubella.
Bệnh cúm mùa là dịch bệnh mùa đông xuân nguy hiểm và có nguy cơ bùng phát mạnh. Đặc biệt với những đối tượng có sức đề kháng kém, không tiêm chủng đầy đủ vắc - xin thì bệnh có thể để lại nhiều biến chứng nguy hiểm. Bệnh cúm mùa thường lây lan qua tuyến nước bọt, nước mũi/đờm của người bị bệnh với các triệu chứng như đau đầu, ngạt mũi, sốt, đau họng nhẹ.
Nhiễm trùng hô hấp là nhiễm trùng xảy ra ở phổi, ngực, xoang, mũi và cổ họng. Nhiễm trùng mạn tính là những bệnh xảy ra lặp đi lặp lại theo thời gian, đặc biệt khi chuyển mùa từ mùa thu sang mùa đông khi mọi người dành nhiều thời gian hơn trong nhà và tạo thành nhóm người. Do số lượng vi trùng gia tăng và nhiều người tiếp xúc gần với nhau khiến những vi trùng dễ lây lan hơn.

Cách phòng bệnh
Để chủ động phòng tránh dịch bệnh mùa nồm ẩm, người dân cần nắm một số mẹo vặt để chủ động thực hiện các biện pháp nâng cao sức khỏe, phòng chống dịch bệnh bằng một số biện pháp:
Thứ nhất, luôn chủ động giữ ấm cơ thể khi trời lạnh, nhất là cổ, ngực, gan bàn chân; tắm bằng nước ấm trong phòng kín gió, tắm xong phải lau người thật khô rồi mặc quần áo sạch; tránh quạt máy, máy lạnh, tránh thức khuya. Ăn uống và thể dục điều độ.
Thứ hai, chăm sóc vệ sinh cá nhân cẩn thận, vệ sinh họng, miệng như đánh răng sau khi ăn, trước và sau khi ngủ dậy;
Thứ ba, đảm bảo thói quen ăn uống lành mạnh; không nên hút thuốc lá, tránh uống nước lạnh, có đá. Tăng cường rau xanh và uống nhiều nước hoa quả;
Hiện nay, nhiều người dân vẫn có thói quen tự ý mua thuốc trong đó có cả thuốc kháng sinh để điều trị các bệnh đường hô hấp. Nguy hại hơn, nhiều người còn sử dụng đơn thuốc cũ dù không có chỉ định của bác sĩ để uống, điều này hết sức nguy hiểm. Điều này dẫn đến làm tăng khả năng vi khuẩn kháng lại thuốc kháng sinh trong cộng đồng, khiến những người không may mắc bệnh sẽ gặp nhiều khó khăn trong điều trị.
Do đó, khi có các triệu chứng của bệnh, người bệnh không được tự ý sử dụng thuốc kháng sinh mà phải đi khám bệnh và được bác sĩ kê đơn thuốc. Việc làm này vừa tránh cho bệnh tiến triển nặng gây biến chứng, lại vừa tránh lây bệnh của mình sang những người xung quanh.
Người dân cần chủ động tiêm ngừa cúm vào đầu mùa lạnh, tiêm ngừa phế cầu cho đối tượng có nguy cơ giúp tăng sức đề kháng chung của cơ thể, để phòng chống nguy cơ mắc bệnh đường hô hấp và nếu bị, thì sẽ mắc nhẹ hơn, thời gian nằm viện ít hơn. Khi có các triệu chứng mắc các bệnh truyền nhiễm cần thông báo ngay cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn, khám và điều trị kịp thời