Chào chị! Được biết chị từng là chuyên viên trong lĩnh vực Tài chính Ngân hàng, điều gì đã đưa chị đến với lĩnh vực nội thất và thủ công mỹ nghệ, một lĩnh vực thoạt nhìn qua có rất ít điểm tương đồng?
Điều này đã đến với tôi một cách bất ngờ không định trước. Lúc đó, tôi làm việc tại Đại học Ngân hàng và cũng có nhiều lời đề nghị cũng như cơ hội phát triển trong một tập đoàn tài chính quốc tế. Thế rồi, trong một lần công tác, tôi có dịp tham quan các làng nghề tại miền Bắc và phát sinh một tình yêu đặc biệt dành cho những món đồ xinh đẹp làm từ tự nhiên này. Cả tôi và chồng đều chia sẻ cùng đam mê ấy và nguyện vọng muốn phát triển làng nghề thủ công Việt trở nên sôi động phồn thịnh hơn.
Bên cạnh đó, chúng tôi đều nhận định lĩnh vực này sẽ là xu hướng được quan tâm trên thế giới trong nhiều thập kỷ tới khi con người ngày càng có nhu cầu và khuynh hướng được sống xanh, gần gũi với thiên nhiên nhiều hơn. Vì thế, chúng tôi quyết định “ra riêng”, cùng nhau gầy dựng nên Nguồn Việt – VietS. Trong khi chồng tôi chịu trách nhiệm sản xuất và kinh doanh, tôi phụ trách mảng nghiên cứu thị trường, marketing và thiết kế mẫu mã. Sau 12 năm thành lập, công ty của chúng tôi đã trở thành 1 trong những công ty hàng đầu tại Việt Nam trong lĩnh vực xuất khẩu hàng Thủ công mỹ nghệ và được các nhà nhập khẩu lớn trên thế giới đánh giá cao.
Ở những ngày đầu đảm nhận vai trò mới, sự thay đổi này có gây trở ngại gì cho chị?
Với tôi, làm việc trong lĩnh vực mới không khó, đặc biệt khi tôi yêu thích ngoại thương và cũng chuẩn bị kha khá “vốn liếng” tri thức cho mình trước khi khởi nghiệp. Ngành Tài chính Ngân hàng cho tôi kỹ năng phân tích những con số, một công cụ hữu ích để phân tích thị trường.
Còn với khâu thiết kế, cơ hội làm việc cùng các tập đoàn nước ngoài đã giúp ích cho tôi rất nhiều trong việc định hình và thay đổi những mẫu mã, màu sắc phù hợp với dòng chảy chung của thế giới. Từ đó, tôi thay đổi các thiết kế phù hợp với thị hiếu của những thị trường tiềm năng.
Ngoài ra, có lẽ cũng nhờ một chút năng khiếu nên tôi dễ dàng nghĩ được ý tưởng mới, hoặc khi nhìn một món đồ nội thất đẹp, tôi đều có thể chuyển hóa chúng sang hình dáng từ chất liệu tự nhiên. Vì thế, việc đổi ngành không khó khăn với tôi, ngược lại còn kích thích trí tưởng tượng và khiến tôi tự thách thức, khám phá những khả năng mới mẻ của bản thân nhiều hơn.
Câu chuyện khởi nghiệp bao giờ cũng phải trải qua những điểm gút rất khó khăn. Tôi tin rằng chị cũng từng có trải nghiệm tương tự. Vậy điều gì đã giúp chị vượt qua thời gian ấy và duy trì doanh nghiệp phát triển ổn định?
Đúng như bạn nghĩ, tôi cũng từng trải qua một khoảng thời gian sóng gió. Có những năm sức mua của thị trường Châu Âu sụt giảm và công ty chúng tôi phải đối mặt với khó khăn thật sự. Khi ấy, tôi cũng khá nản lòng, muốn buông bỏ và chọn một con đường dễ dàng hơn, có thể đảm bảo cho gia đình nhỏ. Nhưng trong giây phút trăn trở đó, tôi lại nhớ đến những chuyến tham quan các làng nghề, nhớ đến những người phụ nữ ở đấy.
Cuộc sống của họ đa phần vẫn khó khăn, “không đẹp” như chính sản phẩm họ làm ra. Vị thế của họ trong gia đình rất thấp, phải chăm lo gia đình, con cái và phụ thuộc rất nhiều vào đàn ông do không có điều kiện ra ngoài đi làm. Và tôi nhớ đến điều đã thôi thúc mình khi mới bắt đầu: mong muốn giúp cuộc sống của họ đỡ bấp bênh hơn, mong muốn những làng nghề truyền thống được nhộn nhịp và tươi vui. Cuộc sống của mấy nghìn nhân công chính là động lực cho chúng tôi vượt qua thử thách sống còn đó.
Tôi cùng chồng đã suy nghĩ nhiều phương án để công ty vững vàng, tiếp tục thực hiện nguyện vọng mà chúng tôi đã chọn. Tôi cho rằng, làm kinh doanh không chỉ giúp cho bản thân mình thịnh vượng, mà còn phải tạo nên một giá trị nhất định cho cộng đồng. Có thể cải thiện cuộc sống của người dân vùng nông thôn, đặc biệt là hàng ngàn phụ nữ nhàn rỗi, và duy trì nét văn hóa của các làng nghề trên lãnh thổ Việt Nam mang một ý nghĩa to lớn với tôi.
Điều tôi cho rằng may mắn nhất đối với tôi cho đến thời điểm này là tôi đã tìm được một công việc và công ty chúng tôi đang thực hiện một sứ mệnh mà ở đó chúng tôi có chung một niềm đam mê, một sự hạnh phúc có thể cảm nhận được từng ngày. Và chính điều đó đã giúp chúng tôi luôn vững vàng trước những khó khăn.
Chọn con đường xuất khẩu ngay từ những ngày đầu thành lập, bên cạnh sản phẩm tốt, theo chị còn phải có những yếu tố quan trọng nào khác để thuyết phục khách hàng, đặc biệt là các tập đoàn nước ngoài?
Có rất nhiều yếu tố nhưng quan trọng nhất là kiến thức cốt lõi. Đầu tiên, chúng ta phải thật sự am hiểu sản phẩm mình đang bán không chỉ cách tạo ra chúng mà còn vị trí của chúng trên thị trường, phù hợp với đối tượng khách hàng nào. Tiếp đến, kiến thức về thương mại, nguyên tắc ngoại thương thế giới, ràng buộc hợp đồng, chứng từ xuất khẩu… sẽ giúp bạn chủ động đề xuất những lựa chọn phù hợp.
Khi khách hàng thấy bạn là người hiểu rõ sản phẩm, hiểu rõ thị trường và quy trình xuất khẩu, khả năng họ chọn bạn sẽ tăng lên đáng kể. Cuối cùng là nguyên tắc trung thực, hướng đến sự hợp tác bền vững. Tôi luôn có những nguyên tắc riêng để tạo nên những sản phẩm tốt nhất chứ không nuông chiều khách hàng. Sản phẩm tốt nhất không có nghĩ là sản phẩm phù hợp nhất cho mỗi người.
Có thể sản phẩm này phù hợp với thị trường châu Mỹ, nhưng lại không phù hợp với thị trường châu Âu. Sự phù hợp của sản phẩm tùy thuộc vào rất nhiều yếu tố của từng thị trường: thời tiết, khí hậu, văn hóa, thói quen tiêu dùng của người bản địa. Chính sự am hiểu và tư vấn chuyên nghiệp của bạn sẽ tạo nên niềm tin tuyệt đối cho các nhà nhập khẩu và là yếu tố quan trọng để duy trì mối quan hệ hợp tác dài lâu.
Nếu hỏi chị về một lời khuyên dành cho những phụ nữ trẻ đang bắt đầu chọn con đường khởi nghiệp kinh doanh, chị sẽ nói gì với họ?
Nhịp sống ngày nay năng động hơn nhiều và các bạn trẻ cũng giỏi giang và chủ động hơn xưa. Dẫu vậy, tôi tin rằng trang bị kiến thức và kỹ năng là điều quan trọng nhất. Chỉ “bay” khi bạn đã vững vàng tri thức. Hãy chuẩn bị chu toàn hơn không chỉ với kiến thức trong lĩnh vực mình kinh doanh mà còn cần phải tìm hiểu, học hỏi nhiều lĩnh vực liên đới khác như quản trị, nhân sự, tài chính…
Khởi nghiệp, vận hành và duy trì một doanh nghiệp đòi hỏi bạn không chỉ có những kiến thức chuyên môn và khả năng quản lý giỏi, mà còn cần có những kỹ năng xử lý trong mọi tình huống. Vì vậy, hãy chuẩn bị cho mình đầy đủ hành trang trước khi bạn bước vào một cuộc hành trình.
Gầy dựng doanh nghiệp cùng với người bạn đời mới nghe qua sẽ rất thú vị, song làm thế nào để cân bằng nó không phải là điều dễ dàng. Bởi lẽ, trong công việc, chúng ta luôn có những suy nghĩ bất đồng và phải chăng điều ấy thường không có lợi cho các mối quan hệ nếu không biết cách hóa giải?
Tôi cũng từng nghĩ đến điều này. Nhưng đến hiện nay, tôi thấy mình có nhiều may mắn bởi đã chọn được một người có cùng chí hướng, có nhiều điều để tôi học hỏi, không chỉ ở năng lực mà còn thái độ sống. Cả hai đều yêu cái đẹp và nặng nợ với làng nghề thủ công vì thế chúng tôi ít xảy ra những xung đột về tư tưởng. Quan trọng hơn, trong những giây phút bấp bênh, thì sự điềm đạm của anh đã giúp tôi tự nhìn lại mình và cân bằng bản thân. Phụ nữ có thể rất mạnh mẽ và giỏi giang nhưng chúng ta sẽ thấy mình được trọn vẹn hơn khi có được một người bạn đồng hành biết chia sẻ.