Nhưng quan trọng nhất, với ông Quang, là đại biểu HĐND thành phố sẽ tạo cơ hội để ông góp phần tạo nên một nền tảng cơ sở hạ tầng vững chắc cho Hà Nội, hoàn thiện Hà Nội trở thành một thành phố hội nhập và phát triển, hiện đại và đáng sống...
Được biết, ông vừa ứng cử vào HĐND thành phố Hà Nội. Ông có thể chia sẻ lý do và mong muốn đóng góp khi là đại biểu HĐND thành phố Hà Nội được không?
Nhiệm kỳ 2016-2021, tôi được Hiệp hội Doanh nghiệp thành phố Hà Nội (HBA) giới thiệu và ứng cử đại biểu HĐND Thành phố. Sau khi trúng cử, do ngành nghề sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp mà tôi phụ trách liên quan trực tiếp đến các lĩnh vực phát triển và quản lý đô thị của Hà Nội - đó là tư vấn, đầu tư và xây dựng nên tôi được phân công tham gia Ban Đô thị HĐND thành phố.
Từ đầu nhiệm kỳ, đối với lĩnh vực đô thị, Hà Nội còn nhiều nội dung trong công tác quản lý đô thị chưa hoặc chậm trễ xử lý, gây nhiều thắc mắc, bức xúc cho các cử tri. Tôi đã cùng các thành viên Ban đô thị tham gia các chương trình, kế hoạch hành động của Ban, tham mưu cho Thường trực HĐND thành phố, giúp UBND Thành phố giải quyết trúng và đúng nhiều vấn đề tồn đọng. Nhờ đó, quy hoạch đô thị, quản lý trật tự đô thị, môi trường, văn minh đô thị đã có bước cải thiện rõ rệt, được cử tri ghi nhận.
Bên cạnh đó, với tư cách đại biểu HĐND Thành phố, cùng với tổ đại biểu quận Thanh Xuân, tôi cũng đã nỗ lực tích cực tham gia các hoạt động phối hợp HĐND quận, thay mặt các cử tri gửi kiến nghị đến các cơ quan có thẩm quyền giải quyết, đóng góp một phần nhỏ bé vào thành quả của các mặt phát triển kinh tế xã hội của quận.
Nhiệm kỳ 2021-2026 tới, tôi được giới thiệu tái ứng cử đại biểu HĐND thành phố với mong muốn nếu được các cử tri tín nhiệm trúng cử, sẽ tiếp tục nỗ lực tham gia, tiếp nối các công việc của Ban Đô thị, đóng góp những kiến thức và kinh nghiệm của mình từ nhiệm kỳ vừa qua, góp phần vào công cuộc phát triển và quản lý đô thị Hà Nội ngày một hiệu quả và văn minh hơn.
Tuy chịu ảnh hưởng lớn bởi đại dịch COVID-19 nhưng tăng trưởng kinh tế Hà Nội nói riêng và Việt Nam nói chung vẫn có những điểm sáng rất tích cực. Ông đánh giá thế nào về tiềm năng và sức bật của cộng đồng doanh nghiệp Hà Nội trong năm 2021?
Những tháng cuối năm 2020, khi dịch bệnh COVID-19 trên thế giới diễn biến vô cùng phức tạp nhưng tại Việt Nam, nhờ thông tin kịp thời và sâu rộng của Chính phủ, các doanh nghiệp đã bớt hoang mang và nhanh chóng lấy lại được tâm lý bình tĩnh. Nhiều doanh nghiệp đã nhanh chóng cơ cấu lại sản xuất kinh doanh. Họ nhận ra cơ hội kinh doanh từ những sản phẩm tiêu dùng trong nước khi thị trường xuất khẩu bị thu hẹp. Đây là tín hiệu đáng mừng.
Ngoài ra, từ khi dịch COVID-19 xuất hiện, xu hướng sử dụng các dịch vụ trực tuyến, dịch vụ vận chuyển an toàn, mua sắm online của người dân đã bùng nổ và sản sinh ra hàng loạt các ngành nghề kinh doanh mới lạ. Năm 2021, thói quen tiêu dùng sản phẩm nội địa, dịch vụ trực tuyến được Nhà nước hỗ trợ sẽ là vận hội mới cho các doanh nghiệp năng động và biết nắm bắt thời cơ. Ngoài ra, thị trường xuất khẩu khi được Việt Nam mở cửa, trong bối cảnh sản xuất tại nước ngoài chưa kịp hồi phục, cũng sẽ là cơ hội cho các doanh nghiệp xuất khẩu.
Một vận hội nữa cho các doanh nghiệp Hà Nội trong năm 2021 chính là khi chủ trương chuyển đổi số, Chính phủ số, nền kinh tế số đang được Thành uỷ, UBND chỉ đạo triển khai cụ thể, có kế hoạch rõ ràng. Đó sẽ là cơ hội lớn cho các doanh nghiệp công nghệ, không chỉ là các doanh nghiệp lớn mà cả những doanh nghiệp vừa và nhỏ sở hữu nguồn nhân lực trí tuệ cao.
Ông Trịnh Xuân Quang
Với vai trò là lãnh đạo doanh nghiệp chuyên về tư vấn và đầu tư xây dựng, ông có khuyến nghị gì vào sự phát triển cơ sở hạ tầng của Hà Nội?
Theo quan điểm cá nhân của tôi, Hà Nội còn rất nhiều tiềm năng phát triển công nghiệp. Từ trước đến nay, Hà Nội có xu hướng giảm tạo lập các KCN, CCN. Khi chủ trương di dời các cơ sở sản xuất công nghiệp ra khỏi nội thành nhằm giảm ô nhiễm môi trường được thực thi quyết liệt, các cơ sở sản xuất thường chuyển dịch ra các tỉnh lân cận do giá đất rẻ. Các KCN, CCN hình thành tại các tỉnh Hà Nam, Bắc Ninh, Bắc Giang... đã đóng góp rất nhiều cho phát triển kinh tế của các tỉnh bạn, đặc biệt là mang lại công việc cho người dân.
Trong xu thế dòng chảy chuyển dịch sản xuất từ nước ngoài về Việt Nam,Hà Nội vẫn là một thị trường có tiềm năng hạ tầng công nghiệp không hề nhỏ. Việc tạo lập một vành đai công nghiệp tại các huyện ngoại thành, có quy hoạch đồng bộ, với hệ thống công nghệ xử lý môi trường tiên tiến và các chính sách ưu đãi về cơ chế, đất đai phù hợp sẽ là động lực phát triển kinh tế rất lớn. Tạo lập được một vành đai công nghiệp sẽ đi đôi với việc phát triển cơ sở hạ tầng giao thông, hạ tầng đô thị để thu hút lao động, giãn bớt dân số khu vực nội thành, đồng thời ngăn dòng chảy lực lượng lao động từ các tỉnh về nội thành, góp phần hạn chế tỉ lệ tăng dân số cơ học của Hà Nội.
Tôi cho rằng, với những quyết sách phù hợp từ HĐND nhiệm kỳ này, Hà Nội sẽ càng có động lực để phát triển mạnh mẽ hơn nữa.
Xin cảm ơn ông!