Tỷ giá đồng Nhân dân tệ hiện nay "nhìn chung hợp lý" với các yếu tố căn bản của nền kinh tế Trung Quốc, một quan chức cấp cao của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) nhận xét ngày 12/10, chỉ vài ngày trước khi Bộ Tài chính Mỹ dự kiến công bố một báo cáo mà Bắc Kinh có khả năng bị "dán nhãn" thao túng tỷ giá.
Theo hãng tin Bloomberg, đồng Nhân dân tệ đã mất giá hơn 6% trong năm nay so với đồng USD, dẫn tới những đồn đoán cho rằng đồng tiền này có thể rớt giá quá ngưỡng 7 Nhân dân tệ đổi 1 USD. Sự giảm giá của Nhân dân tệ đã khiến Mỹ "để ý", đặc biệt trong bối cảnh hai nền kinh tế lớn nhất thế giới đang ở trong một cuộc chiến thương mại căng thẳng với những đòn "ăn miếng trả miếng" không khoan nhượng.
Trong một cuộc trả lời phỏng vấn hôm thứ Năm, Bộ trưởng Bộ Tài chính Mỹ Steven Mnuchin nói Mỹ muốn đảm bảo chắc chắn rằng sự mất giá của Nhân dân tệ không phải là một "hành động phá giá đồng tiền nhằm giành lợi thế cạnh tranh".
IMF cho rằng Nhân dân tệ giảm giá như vậy phản ánh cam kết của Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBoC) về đưa tỷ giá hối đoái trở nên linh hoạt hơn.
"Chúng tôi cho rằng tỷ giá hối đoái Nhân dân tệ hiện nay không có gì bất thường. Mức tỷ giá nhìn chung hợp lý với các yếu tố căn bản của nền kinh tế", ông Markus Rodlauer, Phó giám đốc phụ trách khu vực châu Á-Thái Bình Dương của IMF, nhận định bên lề hội nghị thường niên của IMF ở Bali, Indonesia.
Đánh giá này của IMF về tỷ giá đồng Nhân dân tệ được xem có ý nghĩa quan trọng, bởi cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung đang có chiều hướng lan sang lĩnh vực tỷ giá. Nguồn thạo tin nói với Bloomberg rằng các quan chức Bộ Tài chính Mỹ nhận thấy không có đủ cơ sở để kết luận Trung Quốc thao túng tỷ giá trong báo cáo sắp được cơ quan này công bố.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Mnuchin mới là người quyết định cuối cùng về việc có "dán nhãn" thao túng tỷ giá lên Trung Quốc hay không. Nếu điều đó xảy ra, ông Mnuchin sẽ phải đàm phán trực tiếp với Trung Quốc hoặc thực hiện đàm phán thông qua IMF.
Trao đổi với hãng tin CNBC hôm thứ Sáu, ông Mnuchin nói vấn đề tỷ giá là một nội dung trong cuộc đàm phán thương mại Mỹ-Trung. Ông cho biết đã bày tỏ lo ngại "về độ yếu của đồng Nhân dân tệ" với Thống đốc PBoC Dịch Cương tại các cuộc họp của IMF ở Bali tuần này.
Ông Rodlauer từ chối dự báo tỷ giá Nhân dân tệ thời gian tới. Tuy nhiên, ông nói rằng PBoC đang cho phép tỷ giá đồng nội tệ phản ứng với các "áp lực thị trường", nhưng không để xảy ra những biến động gây bất ổn.
Vị quan chức IMF nói, cách đây 3-4 năm, sẽ không có chuyện Trung Quốc cho phép tỷ giá biến động mạnh như năm nay. "Sự linh hoạt đã tăng lên. Còn mức độ linh hoạt được giới hạn đến đâu trong ngắn hạn để ngăn biến động tỷ giá gây bất ổn sẽ là do PBoC đánh giá", ông Rodlauer phát biểu.
Trong báo cáo ra hồi tháng 4, Bộ Tài chính Mỹ không đánh giá đối tác thương mại lớn nào của nước này là thao túng tỷ giá. Tuy nhiên, Washington tiếp tục giữ Trung Quốc trong danh sách các quốc gia cần theo dõi về tỷ giá.
Ông Mnuchin có thể đồng tình với quan điểm của cấp dưới tại Bộ Tài chính rằng Trung Quốc không thao túng tỷ giá, nhưng ông có thể vấp phải sự phản đối của Nhà Trắng. Tổng thống Donald Trump từng viết trên mạng xã hội Twitter rằng ông cho rằng Trung Quốc thao túng tỷ giá.
Lần gần đây nhất Trung Quốc bị Mỹ "dán nhãn" thao túng tỷ giá là vào năm 1994. Kể từ đó đến nay, Mỹ không đưa ra đánh giá tương tự đối với bất kỳ một quốc gia nào khác.
Theo Vneconomy