Các đơn vị quân đội Nga đã bắt đầu tuần tra lãnh thổ ngăn cách khu vực giữa biên giới Thổ Nhĩ Kỳ và Syria xung quanh thị trấn Manbij, một dấu hiệu rõ ràng cho thấy Nga đã chính thức “tham gia” vào các vấn đề khu vực sau khi quân đội Mỹ di tản.
Oleg Blokhin, một nhà báo người Nga, thường gắn bó với những người lính đánh thuê ở Syria, đã đăng một video lên mạng xã hội vào thứ Ba (15/10) từ một căn cứ quân sự bỏ hoang của Mỹ ở làng al-Saadiya gần Manbij. Trong khi đó, lá cờ của chế độ Syria đã được treo tại Manbij lần đầu tiên sau nhiều năm, theo truyền thông nhà nước Syria đưa tin, sau khi các quan chức người Kurd đồng ý một thoả thuận cho phép các đối thủ cũ bảo vệ cả thị trấn tranh chấp và Kobane gần đó. Quân đội của chế độ đã tiến vào Manbij vào tối thứ Hai (14/10) và cùng lúc đó nhóm phiến quân Syria theo phe Thổ Nhĩ Kỳ tập trung ở phía tây cho một cuộc tấn công theo kế hoạch đã định.
Thị trấn Manbij có vị trí chiến lược, là căn cứ của quân đội Hoa Kỳ trong ba năm qua, đồng thời vẫn được coi là mục tiêu quân sự lớn nhất của Thổ Nhĩ Kỳ. Các cuộc pháo kích giữa lực lượng phiến quân Syria theo Thổ Nhĩ Kỳ và Lực lượng Dân chủ Syria (SDF) do người Kurd lãnh đạo vẫn tiếp tục diễn ra trong suốt cả ngày, tuy nhiên vẫn chưa có báo cáo về việc hai bên chiến đấu bên trong thị trấn.
Đặc phái viên của Moscow tại Syria, ông Alexander Lavrentyev cho biết Nga phản đối chiến dịch của Thổ Nhĩ Kỳ và sẽ không cho phép các cuộc đụng độ trực tiếp giữa quân đội Thổ Nhĩ Kỳ và lực lượng Syria.
“Các cuộc chiến đấu giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Syria đơn giản là không thể chấp nhân được … Và do đó chúng tôi sẽ không cho phép để điều này tiếp tục xảy ra,” ông Lavrentyev nói trong chuyến thăm tới Các Tiểu Vương quốc Ả Rập Thống nhất.
Trong khi TT Nga Putin đang mở rộng tầm ảnh hưởng của mình tại Syria, Washington đang phải cố gắng để hạn chế những chỉ trích và “thiệt hại” từ hành động rút quân của TT Trump, bởi nó đã phải nhận vô số ý kiến khiển trách cho rằng việc này đồng nghĩa với “tín hiệu đèn xanh” cho Thổ Nhĩ Kỳ tấn công vào Syria.
Sau các tuyên bố trừng phạt kinh tế mà các nhà phê bình thế giới cho là không hiệu quả, TT Trump đã phái các nhân vật chủ chốt trong bộ máy tới Ankara, bao gồm phó TT Mike Pence, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Mike Pompeo, cố vấn an ninh quốc gia Robert O’Brien và đặc phái viên James Jeffrey.
Cho đến nay, TT Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan đã từ chối giảm bớt hoạt động quân sự và tự hào tuyên bố rằng quân đội của ông đã thu giữa được 1.000 km vuông lãnh thổ từ SDF. SDF là đối tác dưới mặt đất của Mỹ trong chiến dịch chống lại ISIS và đã mất gần 11.000 quân trong trận chiến kéo dài đó. Vì vậy, việc TT Trump rút quân đã bị coi là một hành động phản bội và rất nhiều binh lính Hoa Kỳ đã từng chiến đấu cùng lực lượng Syria cảm thấy xấu hổ và tức giận về quyết định của chính quyền Donald Trump.
Bất chấp viễn cảnh mất đi vị thế bán tự trị của khu vực, các quan chức người Kurd đã ký một thoả thuận do Nga làm trung gian với Damascus để tăng cường bảo vệ các vị trí biên giới do người Kurd nắm giữ. Có những báo cáo chưa được xác nhận rằng các cuộc đàm phán vẫn đang được tiến hành nhằm thực hiện khu vực cấm bay do Nga thực thi trên khu vực.
TT Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan cho biết bất chấp các mối đe doạ trừng phạt từ Mỹ và EU cũng như lệnh cấm vận vũ khí của châu Âu, Ankara vẫn sẽ tiếp tục kế hoạch tạo ra “khu vực an toàn”, sâu 32km trên biên giới kéo dài từ Manbij tới Iraq. Tại đó, Thổ Nhĩ Kỳ muốn tái định cư 2 triệu người tị nạn Syria.
Các cuộc tấn công của Thổ Nhĩ Kỳ đã bị lên án rộng rãi vì khả năng gây ra một cuộc khủng hoảng nhân đạo và có nguy cơ hồi sinh ISIS, sau khi có khoảng 570 người liên kết với nhóm phiến quân đã lợi dụng sự hỗn loạn để trốn khỏi trại giam do người Kurd điều hành. Các cảnh quay về việc phiến quân Syria theo Thổ Nhĩ Kỳ hành quyết 9 thường dân người Kurd trên một đường cao tốc lớn cũng đã bị cáo buộc và chỉ trích gay gắt vì tội ác chiến tranh.
Nguồn: The Guardian