Fed tăng lãi suất thêm 0,25 điểm phần trăm, sắp kết thúc lộ trình tăng lãi suất?

Cục Dự trữ Liên bang (Fed) đã ban hành mức tăng lãi suất 0,25 điểm phần trăm, cho thấy sự thận trọng về cuộc khủng hoảng ngân hàng gần đây và hàm ý rằng chu kỳ tăng lãi suất có thể sắp kết thúc…
tăng lãi suất

Cùng với lần tăng lãi suất thứ chín kể từ tháng 3/2022, Ủy ban Thị trường mở Liên bang (FOMC) lưu ý rằng các mức tăng trong tương lai sẽ phụ thuộc phần lớn vào các dữ liệu kinh tế sắp tới. 

Mức tăng 0,25 điểm phần trăm trong tháng này sẽ đưa tỷ lệ quỹ liên bang chuẩn đến phạm vi mục tiêu trong khoảng 4,75% - 5%. 

Như trong tuyên bố sau cuộc họp, FOMC cho biết cơ quan sẽ giám sát chặt chẽ thông tin và đánh giá tác động của chúng đối với chính sách tiền tệ. Ủy ban này tin rằng, một số biện pháp thắt chặt chính sách bổ sung sẽ là phù hợp để đạt mục tiêu đưa lạm phát trở lại mức 2%.  

Nhắc tới lĩnh vực ngân hàng, FOMC lưu ý những diễn biến gần đây đã có ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động kinh tế và vẫn chưa thể đánh giá được hết mức độ nghiêm trọng của chúng. Từ đó dẫn đến việc có thể phải thắt chặt hơn nữa các điều kiện tín dụng đối với các hộ gia đình và doanh nghiệp.

Trong cuộc họp với báo giới vào cùng ngày, chủ tịch Fed, Jerome Powell đưa ra một số tín hiệu cho thấy Cục Dự trữ Liên bang có thể sắp kết thúc chu kỳ tăng lãi suất, nhưng ông nhấn mạnh lại một lần nữa rằng cuộc chiến lạm phát vẫn chưa có hồi kết. 

“Quá trình đưa lạm phát trở lại mức 2% còn dài và nhiều khả năng sẽ gập ghềnh”, lãnh đạo ngân hàng trung ương Mỹ nhận định.

Ngoài ra, ông Powell thừa nhận rằng các sự kiện gần đây trong hệ thống ngân hàng là lý do tại sao phản ứng của ngân hàng trung ương đã dịu lại, nhưng nó cũng có khả năng dẫn đến việc thắt chặt hơn nữa điều kiện tín dụng. Ông Powell cho biết FOMC đã cân nhắc tạm dừng tăng lãi suất do khủng hoảng ngân hàng, nhưng cuối cùng lại nhất trí thông qua quyết định tăng lãi suất do dữ liệu trung gian về lạm phát và sức mạnh của thị trường lao động.

Các dự báo được đưa ra cùng với quyết định tăng lãi suất chỉ ra rằng, lãi suất quỹ sẽ đạt đỉnh ở mức 5,1% trong năm nay, không thay đổi so với ước tính vào tháng 12/2022 và cho thấy phần lớn các quan chức vẫn mong đợi một đợt tăng lãi suất nữa.

Vào đầu tháng này, chính chủ tịch Jerome Powell đã chỉ ra rằng ngân hàng trung ương có thể phải thực hiện một con đường tích cực hơn để chế ngự lạm phát. Nhưng cuộc khủng hoảng ngân hàng bất ngờ gần đây đã cản trở bất kỳ ý tưởng nào về một động thái “diều hâu” hơn cũng như “nhen nhóm” kỳ vọng cắt giảm lãi suất trước khi năm kết thúc.

Tuy nhiên, các ước tính của Ủy ban Thị trường mở Liên bang về tỷ lệ, lạm phát, tỷ lệ thất nghiệp và tổng sản phẩm quốc nội đã nhấn mạnh sự không chắc chắn đối với đường lối chính sách.

Mặc dù dữ liệu cuối năm 2022 đã chỉ ra một số dấu hiệu hạ nhiệt lạm phát, nhưng các báo cáo gần đây lại kém khả quan hơn. 

Chỉ số giá chi tiêu tiêu dùng cá nhân, thước đo lạm phát ưa thích của Fed, đã tăng 0,6% trong tháng 1 và tăng 5,4% so với một năm trước. Con số này cao hơn nhiều so với mục tiêu 2% của ngân hàng trung ương và dữ liệu này là lý do mà vào ngày 7/3, ông Powell cảnh báo rằng lãi suất có thể sẽ tăng cao nhiều hơn dự kiến.

Nhưng các vấn đề ngân hàng đã làm phức tạp thêm các tính toán ra quyết định của chính phủ Mỹ khi tốc độ thắt chặt chính sách của Fed đã góp phần gây ra các vấn đề về thanh khoản. Sự sụp đổ của ngân hàng Silicon Valley (SVB) và Signature, cùng các vấn đề về vốn tại Credit Suisse và First Republic đã làm dấy lên lo ngại về sức khoẻ của ngành ngân hàng toàn cầu. 

Trong khi các ngân hàng lớn được coi là có vốn hóa tốt, các tổ chức nhỏ hơn lại phải đối mặt với tình trạng khủng hoảng thanh khoản do lãi suất tăng nhanh khiến các khoản đầu tư dài hạn mất giá trị. Fed và các cơ quan quản lý khác đã nhanh chóng can thiệp thông qua các biện pháp khẩn cấp, nhưng những lo ngại vẫn còn đó về mức độ thiệt hại giữa các ngân hàng trong khu vực. Đồng thời, lo ngại về suy thoái kinh tế vẫn tồn tại khi tác động trễ của các đợt lãi suất mạnh mẽ trong năm qua đang dần xuất hiện trong hệ thống kinh tế.

Cũng trong cuộc họp lần này, các quan chức Fed đã điều chỉnh dự báo kinh tế cho năm 2023. Cụ thể, FOMC tăng nhẹ kỳ vọng về lạm phát, với tỷ lệ 3,3% được ấn định cho năm nay, so với con số 3,1% dự báo trong tháng 12. Tỷ lệ thất nghiệp đã giảm xuống còn 4,5%, trong khi triển vọng GDP giảm xuống 0,4%.

Các ước tính cho hai năm tới ít thay đổi, ngoại trừ dự báo GDP cho năm 2024 giảm xuống 1,2% từ mức 1,6% kỳ vọng trước đó. 

Xem thêm

Có thể bạn quan tâm

“Soán ngôi” Jeff Bezos, Mark Zuckerberg leo lên giàu thứ hai thế giới

“Soán ngôi” Jeff Bezos, Mark Zuckerberg leo lên giàu thứ hai thế giới

Mark Zuckerberg đã vượt qua Jeff Bezos để trở thành người giàu thứ hai thế giới, với giá trị tài sản ròng đạt 206,2 tỷ USD. Thành công này phản ánh đà tăng trưởng mạnh mẽ của Meta nhờ lợi nhuận từ quảng cáo trực tuyến và đầu tư vào trí tuệ nhân tạo…

Qualcomm muốn mua lại Intel

Qualcomm muốn mua lại Intel

Theo thông tin được tiết lộ bởi tờ Wall Street Journal, Qualcomm đã tiếp cận Intel với một đề nghị sáp nhập...

Thị trường "nín thở" chờ đợi quyết định lãi suất mới của Fed và các ngân hàng trung ương lớn

Thị trường "nín thở" chờ đợi quyết định lãi suất mới của Fed và các ngân hàng trung ương lớn

Trong tuần này, nhiều ngân hàng trung ương trên toàn thế giới bao gồm Mỹ, Brazil, Anh, Nam Phi và Nhật Bản, sẽ đưa ra các quyết định về chính sách tiền tệ. Dự kiến, Fed có thể cắt giảm lãi suất từ 0,25 đến 0,50 điểm phần trăm trong khi BoE, BoJ nhiều khả năng giữ nguyên mức hiện tại…

Doanh nghiệp đồng hành cùng Gala Doanh nhân Thăng Long 2024

VNPTEVNHanelDaewooDu lịch Hà NộiEurowindowGeleximcoHandicoHà Nội groupHaproMay 10May Hồ GươmQuân Đức Thảo dượcROXSâm Ngọc LinhThi SơnThuỷ TạUDICViệt Mỹ