Sau tin bị thanh tra, cổ phiếu DIG bị bán tháo, Chủ tịch gửi tâm thư và gì nữa?

Sau khi Thanh tra Chính phủ công bố quyết định thanh tra việc chấp hành quy định pháp luật trong cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước, cổ phiếu DIG của DIC Corp đã có diễn biến không tích cực trên thị trường.
DIC Corp

Việc cổ phiếu DIG của DIC Corp bị bán tháo bắt đầu ngay từ phiên giao dịch sáng ngày 1/3 khi lượng dư bán toàn sàn lên đến 16 triệu đơn vị. Giá cổ phiếu DIG cũng giảm ngay về mức 12.600 đồng/cổ phiếu. 

Trong phiên chiều ngày 1/3, cổ phiếu DIG của DIC Corp cũng tiếp tục duy trì đà bán tháo với giá cổ phiếu ở ngưỡng 12.600 đồng/cổ phiếu, trong khi bên mua gần như trắng sàn. 

Sáng nay, mở đầu phiên giao dịch, giá cổ phiếu DIG có sự tăng nhẹ lên 12.750 đồng/cổ phiếu và liên tục ghi nhận khớp lệnh. Tuy nhiên, chênh lệch khối lượng giữa bên bán và mua vẫn khá lớn. 

Khối lượng cổ phiếu DIG của DIC Corp hiện đang niêm yết là 609.851.995 cổ phiếu. Vốn hoá thị trường đạt khoảng hơn 7.864 tỷ đồng. 

Ngay sau khi nhận tin dữ về việc bị thanh tra cùng với đó là hiện tượng bị bán tháo cổ phiếu, Chủ tịch Hội đồng quản trị của DIC Corp, ông Nguyễn Thiện Tuấn đã có "tâm thư" gửi cổ đông ghi rõ: "Đây là hoạt động rất bình thường của Thanh tra Chính phủ trong giai đoạn hiện nay. Nhà nước đang có chủ trương rà soát lại toàn bộ các hoạt động liên quan đến công tác cổ phần hóa, thoái vốn Nhà nước tại các doanh nghiệp Nhà nước trước đây nên không chỉ riêng DIC Corp mà rất nhiều doanh nghiệp đều thuộc đối tượng được Thanh tra Chính phủ kiểm tra, rà soát”.

Cũng theo ông Tuấn, sơ lược quá trình thực hiện nêu trên có thể thấy công tác cổ phần hóa, thoái vốn Nhà nước tại DIC Corp đã triển khai theo đúng quy định của pháp luật, đã trải qua nhiều lần thanh tra, kiểm toán, kiểm tra… và đã có kết luận. Trong các quá trình thanh tra nêu trên, doanh nghiệp vẫn hoạt động bình thường, triển khai tốt kế hoạch sản xuất kinh doanh đề ra.

"Ban Lãnh đạo DIC Corp đang nỗ lực tối đa để đưa doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn này, đồng thời căn cứ trên thực tế quỹ đất và hiện trạng triển khai đầu tư tại các dự án thì Hội đồng quản trị đã thông qua kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2023 với con số tương đối khả quan và đã tổ chức lễ ra quân đầu năm cũng như có nhiều chỉ đạo sát sao, giao nhiệm vụ cụ thể cho từng Phòng, ban, bộ phận, Ban quản lý dự án để phấn đấu hoàn thành kế hoạch đề ra. Vì vậy, Tổng Công ty cổ phần Đầu tư Phát triển Xây dựng rất mong quý cổ đông bình tĩnh trước tình hình nhiễu loạn thông tin hiện nay, an tâm và cùng tiếp tục đồng hành với doanh nghiệp như thời gian qua", thông cáo ghi rõ. 

Ngoài ra, DIC Corp cũng cung cấp thêm một số thông tin cụ thể liên quan đến nhiều vấn đề về cổ phần hoá, thoái vốn và thanh, kiểm tra công tác cổ phần hoá và thoái vốn Nhà nước. Cụ thể: 

Về công tác cổ phần hoá, Ban chỉ đạo cổ phần hóa DIC Corp theo đó đã thành lập Tổ giúp việc Ban chỉ đạo tại Quyết định số 352/QĐ-BCĐ ngày 7/3/2007. Thành viên Ban Chỉ đạo và Tổ giúp việc đa số là nhân sự thuộc Bộ Xây dựng, Bộ Tài chính và các cơ quan Trung ương, DIC Corp chỉ có người đại diện vốn tham gia với tư cách cung cấp các hồ sơ, giấy tờ liên quan để phục vụ công tác cổ phần hóa.

Đến ngày 26/11/2007, cổ phiếu DIG được chào bán lần đầu trên Sàn giao dịch chứng khoán TP.HCM (HOSE). DIC Corp đăng ký doanh nghiệp lần đầu vào ngày 1303/2008 và tổ chức Đại hội cổ đông lần đầu ngày 23/2/2008. Ngày 18/4/2014, Bộ Xây dựng, Bộ Tài chính, Cục thuế tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu đã kiểm tra xác định vốn nhà nước bàn giao từ doanh nghiệp nhà nước Công ty Đầu tư phát triển – Xây dựng sang Tổng Công ty Cổ phần Đầu tư phát triển xây dựng. Ngoài ra Kiểm toán Nhà nước khu vực IV đã kiểm toán tại thời điểm chính thức chuyển sang công ty cổ phần.

Như vậy, việc thành lập Ban chỉ đạo cổ phần hóa, Tổ giúp việc, thuê đơn vị tư vấn xác định giá trị doanh nghiệp tại thời điểm 1/1/2007, phê duyệt giá trị doanh nghiệp, quyết toán chi phí cổ phần hóa, quyết toán vốn Nhà nước tại DIC Corp theo đúng chủ trương của Chính phủ, theo đúng các quy định tại Nghị định số 187/2004/NĐ-CP ngày 16/11/2004 của Chính phủ, Thông tư số 126/2004/TT-BTC ngày 24/12/2004 của Bộ Tài chính. 

Về công tác thoái vốn Nhà nước, DIC Corp chỉ rõ việc thoái vốn này dựa vào các nghị quyết và quyết định như: Nghị quyết số 12/NQTW ngày 3/6/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về tiếp tục cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước; Quyết định số 1232/QĐ-TTg ngày 17 tháng 8 năm 2017 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Danh mục doanh nghiệp có vốn nhà nước thực hiện thoái vốn giai đoạn 2017-2020; Thông báo số 147/TB-VPCP ngày 17 tháng 03 năm 2017 Kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ về việc sắp xếp đổi mới và tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp có vốn góp của Nhà nước do Bộ Xây dựng làm đại diện chủ sở hữu, giai đoạn 2011-2016, nhiệm vụ đến năm 2020; Quyết định số 1232/QĐ-TTg ngày 17 tháng 8 năm 2017 của Thủ tướng Chính phủ; Thông báo số 147/TB-VPCP ngày 17 tháng 03 năm 2017 về Kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ về việc sắp xếp đổi mới và tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp có vốn góp của Nhà nước do Bộ Xây dựng làm đại diện chủ sở hữu, giai đoạn 2011-2016, nhiệm vụ đến năm 2020...

Như vậy, DIC Corp khẳng định, doanh nghiệp này thuộc đối tượng doanh nghiệp mà Nhà nước không cần nắm giữ vốn và thuộc nhóm các Tổng công ty đến hết 2018 phải thoái hết vốn nhà nước tại doanh nghiệp cũng như các quyết định khác đồng thời quá trình thoái vốn hoàn toàn đúng quy trình của pháp luật. 

Có thể bạn quan tâm