Tờ The Economist nhận định, thời gian gần đây, đế chế của các tập đoàn công nghiệp hùng mạnh nhất Trung Quốc lần lượt sụp đổ.
Vào tháng 1, truyền thông địa phương đưa tin Li Hejun, ông trùm sản xuất pin mặt trời và từng là người giàu nhất đất nước tỷ dân đã bị cảnh sát giam giữ. Liu Zhongtian, người sáng lập công ty nhôm lớn nhất châu Á, được cho là đã bị các chủ nợ truy đuổi trong năm nay khi công ty của ông tái cơ cấu. Hui Ka Yan, một người từng đứng đầu danh sách giàu có khác cũng đã bị bắt giữ vào tháng 9 khi tập đoàn phát triển bất động sản Evergrande của ông được thành lập. Vào ngày 10/10, Bloomberg đưa tin He Jinbi, ông chủ của một trong những công ty kinh doanh đồng lớn nhất Trung Quốc, cũng đã bị chính quyền bắt giữ.
VUA MANGAN
Trong bối cảnh đó, những rắc rối của Jia Tianjiang, tỷ phú 61 tuổi, người đã xây dựng nên đế chế mangan toàn cầu, có vẻ không đáng kể. Vào ngày 22/9, một tòa án địa phương đã đưa công ty Tianyuan Manganese Industry (TMI) của ông vào diện quản lý sau khi tích lũy khoản nợ khổng lồ mà ông Jia không thể trả được.
Tuy nhiên, tình trạng khó khăn của doanh nhân này có thể gây ra những hậu quả vượt xa hoạt động kinh doanh của ông – và thậm chí vượt ra ngoài biên giới Trung Quốc. Nguyên nhân là bởi mangan được sử dụng để sản xuất các loại thép chất lượng cao và pin lithium-ion, cả hai đều đóng vai trò quan trọng trong chuỗi cung ứng xe điện. Và ông Jia, người được biết đến rộng rãi ở Trung Quốc với biệt danh “Vua Mangan” là người đóng vai trò quan trọng trong việc sản xuất kim loại này.
Ông Jia là câu chuyện doanh nhân đi từ nghèo khó trở nên giàu có kinh điển ở Trung Quốc. Là một trong 13 anh chị em đến từ một thị trấn nghèo phía tây bắc Trung Quốc, ông khởi nghiệp bằng nghề bán táo trên đường phố. Sau đó, ông bán bìa cứng dùng để gói táo và mở nhà máy sản xuất bìa cứng của riêng mình. Năm 2003, ông mua lại một mỏ mangan phá sản ngay khi cuộc bùng nổ xây dựng nhà ở ở Trung Quốc bắt đầu. Điều này cuối cùng đã khiến ông trở thành người giàu nhất tỉnh Ninh Hạ, nơi đặt trụ sở công ty của ông.
Vào những năm 2010, ông Jia bắt đầu đa dạng hóa sang lĩnh vực tài chính và chuyển vốn ra nước ngoài. Ông đã mua cổ phần lớn trong một số tập đoàn đầu tư có trụ sở tại Hồng Kông với sự giúp đỡ của một người bạn có tên Lai Xiaomin – đây cũng chính là nhà tài trợ đằng sau Huarong, một công ty quản lý tài sản thuộc sở hữu nhà nước. Năm 2017, trước sự ngạc nhiên của nhiều nhà quan sát, ông Jia đã được phép mua 20% cổ phần của China Citic Bank International, chi nhánh ngân hàng Hồng Kông của một trong những tập đoàn nhà nước hùng mạnh nhất Trung Quốc.
Cùng năm đó, ông sử dụng các khoản vay do nhà nước hậu thuẫn để mua một trong những công ty khai thác mangan lớn nhất thế giới là Consolidated Minerals từ một tỷ phú người Ukraine. Sau đó, ông Jia đã đảm bảo khoản vay 450 triệu USD từ một công ty con của Citic bằng cách sử dụng Consolidated Minerals, công ty có giá trị tài sản ròng chỉ 235 triệu USD làm tài sản thế chấp vào thời điểm đó.
Kế hoạch mở rộng của ông Jia bắt đầu lộ diện vào năm 2018, khi Lai bị giam giữ vì tội phạm tài chính. Tin đồn về mối liên hệ tài chính của TMI với Lai đủ để khiến giá một loại mangan tinh chế tăng vọt. Giá trị nhiều công ty thuộc sở hữu của ông Jia giảm mạnh. Ông bị bắt trong một cuộc điều tra nhưng sau đó được thả. Vào thời điểm đó, các giám đốc điều hành làm việc cho công ty ở châu Âu lo ngại những rắc rối ở quê nhà của ông có thể lan ra thị trường toàn cầu.
Bây giờ, lo lắng của họ đã thành hiện thực. “Điều này giống như tác động của việc Rio Tinto phá sản với ngành công nghiệp quặng sắt”, một giám đốc điều hành khai thác mỏ nói, đề cập đến gã khổng lồ khai thác mỏ Anh-Úc. Một cú sốc lớn hơn có thể ảnh hưởng đến việc sản xuất pin lithium-ion.
Mangan sunfat có độ tinh khiết cao thường được sử dụng để chế tạo cực âm của pin. Sản xuất vật liệu này là một phần trong kế hoạch thống trị ngành công nghiệp pin toàn cầu của Trung Quốc.
Vào năm 2022, Tập đoàn Kỹ thuật Năng lượng Trung Quốc do nhà nước điều hành đã khởi động một dự án với công ty con TMI, dự kiến sản xuất 1 triệu tấn mangan sunfat có độ tinh khiết cao hàng năm. Điều đó sẽ khiến TMI trở thành nhà sản xuất lớn nhất thế giới.
Chính vì vậy, sự gián đoạn nguồn cung kim loại trong nước và toàn cầu dường như không thể tránh khỏi.
CHUỖI CUNG ỨNG VÔ ĐỊCH
Trung Quốc đang nắm trong tay vị thế thống trị quá trình chuyển đổi sang xe điện. Thực tế, nền kinh tế lớn nhất châu Á có tác động sâu sắc tới lĩnh vực sản xuất pin. Các nhà sản xuất của đất nước cung cấp khoảng 80% lượng pin trên toàn cầu và quá trình này được hậu thuẫn bởi một 1 chuỗi khai thác và xử lý nằm ngay trong nước.
“Việc cắt đứt hoàn toàn chuỗi cung ứng của Trung Quốc có khả thi không? Chắc chắn là không vào lúc này”, Ilaria Mazzocco, thành viên cấp cao tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế, cho biết.
Ngoại trừ than chì, khai thác mỏ là lĩnh vực ít bị Trung Quốc kiểm soát nhất. Các nhà sản xuất ô tô lớn của Mỹ như General Motors nhanh chóng tham gia đầu tư vào phân khúc này, trong khi các quốc gia khác tận dụng các hiệp định thương mại tự do để đáp ứng một số yêu cầu tìm kiếm nguồn cung.
Sau khai thác, khoáng sản cần phải được tinh chế - quá trình phức tạp mà Trung Quốc mất rất nhiều năm mới để xây dựng. Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế, đại lục xử lý hơn một nửa lượng lithium, 2/3 coban, hơn 70% than chì và khoảng 1/3 niken của thế giới. Quá trình này gây ô nhiễm, vậy nên sự giám sát ngày càng tăng xoay quanh chi phí về môi trường khiến hoạt động sản xuất xe điện thêm phức tạp.
Theo Bloomberg, Trung Quốc chiếm khoảng 70% công suất sản xuất cực âm (bộ phận nhận electron), hơn 80% cực dương (bộ phận giải phóng electron khi phóng điện), hơn 50% chất điện phân và thiết bị phân tách. Những bộ phận này kết hợp với nhau để tạo thành pin lithium-ion và hơn 3/4 trong số đó được sản xuất tại Trung Quốc.
Cơ sở hạ tầng sản xuất rộng khắp, cùng với các khoản trợ cấp hào phóng và hỗ trợ hàng tỷ USD mỗi năm của giới chức đã biến Trung Quốc trở thành thị trường xe điện lớn nhất Trái đất. Điều này đồng nghĩa với việc các nước phương Tây đang mắc kẹt trong một ‘trò chơi đuổi bắt’ và trong trường hợp EU, khối này còn phải đáp ứng một số mục tiêu về khí hậu đầy tham vọng.
Chủ tịch Ủy ban Châu Âu Ursula von der Leyen cho biết xe Trung Quốc đang tràn ngập thị trường xe điện vì chúng quá rẻ. Trung Quốc đã tận dụng tốt lợi thế của mình, bên cạnh rất nhiều các chính sách hỗ trợ người dân mua xe.
Được biết từ năm 2009 đến năm 2022, Trung Quốc đã miễn khoảng 30 tỷ USD thuế và có thể miễn thêm khoảng 97 tỷ USD nữa cho đến năm 2027. Ngoài ra, hầu hết các hãng sản xuất xe điện đều được xếp vào dạng công ty công nghệ cao và do vậy, chỉ cần trả mức thuế thu nhập doanh nghiệp 15% so với tiêu chuẩn 25%. Xuất khẩu ô tô cũng được miễn thuế giá trị gia tăng 13%.
Kết quả, pin của Trung Quốc bán ra chỉ có giá 127 USD/kWh tính theo khối lượng trung bình, trong khi giá tại Bắc Mỹ và châu Âu đều cao hơn lần lượt 24% và 33%. Ngoài ra, cần đến 865 triệu USD để xây dựng một nhà máy sản xuất pin lithium-iron-phosphate, trong khi Trung Quốc chỉ cần 650 triệu USD.
Nhìn rộng hơn một chút, dữ liệu của BNEF cho thấy châu Âu và Mỹ sẽ cần chi lần lượt 98 tỷ USD và 82 tỷ USD cho việc tinh chế vào năm 2030. Pin là bộ phận tiêu tốn phần lớn chi phí.