Từ hàng trăm năm qua, con người đã tìm đến ca cao, và sau này là sôcôla, như một cách để tăng cường sức khỏe tim mạch. Vào những năm 1500, người Aztec bản địa đã tiêu thụ ca cao dưới dạng đồ uống với niềm tin rằng nó có thể chữa được nhiều loại bệnh, bao gồm cả đau thắt ngực, một dạng đau ngực do lưu lượng máu đến tim bị giảm.
Hạt ca cao trên thực tế rất giàu hợp chất thực vật flavanol, một loại polyphenol có khả năng giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh tim và tiểu đường. Đó là lý do tại sao phần lớn nghiên cứu về tác dụng của sôcôla lại tập trung vào chiết xuất ca cao hoặc sôcôla đen có hàm lượng ca cao từ 70% trở lên, vì loại này chứa nhiều flavanol hơn sôcôla sữa hoặc trắng.
Trong một nghiên cứu nổi tiếng có tên “Nghiên cứu Kết quả của Việc Bổ sung Ca cao và Vitamin tổng hợp” (COSMOS), các nhà khoa học đã theo dõi một nhóm hơn 10.000 người sử dụng 500 miligam flavanol từ ca cao mỗi ngày trong 3,6 năm, và một nhóm khác tương đương dùng giả dược. Cuộc thử nghiệm được thực hiện ngẫu nhiên, đồng thời không ai trong hai nhóm biết mình đang dùng loại nào.Kết quả phát hiện, nhóm dùng flavanol từ ca cao có tỷ lệ tử vong do bệnh tim mạch thấp hơn 27%, dù họ cũng lưu ý rằng mối liên hệ này cần được nghiên cứu thêm.
Một thử nghiệm khác được công bố trên tạp chí Nature vào tháng 1/2024 cho thấy đối với những người gốc châu Âu, sôcôla đen có thể giúp giảm nguy cơ cao huyết áp và huyết khối tĩnh mạch, tức là tình trạng khi cục máu đông hình thành trong tĩnh mạch.
Một phân tích nữa trên MDPI vào tháng 6/2024 kết luận rằng ăn sôcôla đen đậm, hoặc dùng viên nang chiết xuất ca cao, có thể giúp hạ huyết áp (cũng như cholesterol và đường huyết khi đói) nếu duy trì trong ít nhất một tháng.
Tuy nhiên, các nghiên cứu đều vẫn còn những hạn chế. Ví dụ, nghiên cứu COSMOS chỉ ra rằng chiết xuất ca cao không làm giảm rõ rệt nguy cơ đau tim hay đột quỵ. Nghiên cứu tháng 1 cũng lưu ý sôcôla không giúp làm giảm nguy cơ mắc 10 vấn đề tim mạch khác như đột quỵ, suy tim, bệnh tim và rung nhĩ.
Trong khi đó, sôcôla trắng không chứa hạt ca cao và ngay cả hạt ca cao trong sôcôla đen cũng thường trải qua các quy trình chế biến có thể làm giảm đáng kể hàm lượng flavanol. Ví dụ, chỉ riêng quá trình lên men hoặc rang ca cao trong sản xuất có thể làm giảm lượng flavanol trong ca cao xuống mười lần. “Vì vậy, kẹo sôcôla đã qua chế biến thường không mang lại lợi ích cho sức khoẻ tim mạch giống như ca cao nguyên chất”, bà Michelle Routhenstein, chuyên gia dinh dưỡng về tim mạch dự phòng tại phòng khám trực tuyến Entirely Nourished chia sẻ.
Ngoài ra, kẹo sôcôla, dù là đen, sữa hay trắng, đều chứa đường, chất béo và calo, những yếu tố có thể gây hại cho tim nếu tiêu thụ quá mức. “Việc ăn quá nhiều kẹo sôcôla, đặc biệt là các loại chứa nhiều đường và chất béo bổ sung, có thể dẫn đến nguy cơ tăng cholesterol và nhiều vấn đề sức khỏe khác”, bà Routhenstein nói thêm.
Do đó, hãy nhớ rằng socola đen không phải là một liều thuốc có thể mang đến cho bạn trái tim khoẻ mạnh. Dù vậy, không có gì là sai trái khi chúng ta thưởng thức một chút sôcôla tráng miệng, miễn rằng phải giữ chừng mực và kết hợp với chế độ ăn uống cân bằng với nhiều trái cây, rau củ và protein.
“Một trái tim khoẻ là kết quả của chế độ dinh dưỡng lành mạnh, thể dục đều đặn và giấc ngủ chất lượng”, bác sĩ Majid Basit, chuyên gia tim mạch tại Memorial Hermann Medical Group kết luận.