SVB Financial Group xem xét nộp đơn xin bảo hộ phá sản

Công ty mẹ của Ngân hàng Silicon Valley, SVB Financial Group đang xem xét quá trình xin bảo hộ phá sản như một lựa chọn để bán tài sản của mình…
SVB Financial Group xem xét nộp đơn xin bảo hộ phá sản

Trước đó vào đầu tuần này, SVB Financial Group cho biết họ đang xem xét các giải pháp thay thế chiến lược cho khối tài sản của mình, bao gồm ngân hàng đầu tư mạo hiểm và hoạt động kinh doanh vốn mạo hiểm; nhưng không đề cập đến bảo hộ phá sản là một trong những lựa chọn tiềm năng. 

Ngân hàng đầu tư và hoạt động kinh doanh đầu tư mạo hiểm của SVB Financial Group là những bộ phận riêng biệt với Ngân hàng Silicon Valley, ngân hàng mà các nhà quản lý California đã đóng cửa vào tuần trước sau “cuộc tháo chạy” của những người gửi tiền.

Ngân hàng Silicon Vallye hiện đang được quản lý và giải quyết theo thẩm quyền của Cơ quan Bảo hiểm Tiền gửi Liên bang (FDIC) và Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed). FDIC đã thuê Công ty Piper Sandler làm cố vấn để bán Ngân hàng Silicon Valley. Vào cuối tuần trước, chương trình đấu giá đầu tiên cho Silicon Valley Bank đã kết thúc mà không có người mua. JPMorgan Chase, Morgan Stanley và Ngân hàng Hoàng gia Canada nằm trong số các ngân hàng ban đầu thể hiện sự quan tâm nhưng đã rút lui sau khi tiến hành thẩm định. Một cuộc đấu giá thứ hai hiện đang được lên kế hoạch.

Hiện tại, SVB Financial Group vẫn chưa đưa ra bất kỳ quyết định cuối cùng nào về tương lai và vẫn đang cố gắng tìm đơn vị mua lại tài sản mà không phải nộp đơn xin phá sản, Reuters đưa tin. Nộp đơn phá sản chỉ là một lựa chọn mà họ đang xem xét. 

Công ty tài chính cũng đang khám phá các giải pháp thay thế như tái cấu trúc và tái cấp vốn cho ngân hàng đầu tư và hoạt động kinh doanh vốn mạo hiểm của mình. Ngoài việc tìm người mua lại tài sản, các đơn vị tài chính trong các tình huống như SVB Financial Group đôi khi cố gắng khuyến khích các nhà đầu tư “bơm” thêm vốn vào doanh nghiệp. 

Tuy nhiên, các nhà thầu thường cảm thấy do dự khi doanh nghiệp gặp khó khăn tìm cách bán tháo tài sản. Lý do chính là bởi một thỏa thuận được thực hiện bên ngoài tình trạng phá sản có thể bị hủy bỏ nếu công ty sau đó tìm kiếm sự bảo vệ theo Chương 11 trong một khung thời gian nhất định. 

Trong khi đó, những người mua tiềm năng đôi khi thích chờ đợi quá trình tái cơ cấu của tòa án bắt đầu trước khi đấu thầu bởi họ có thể có được tài sản miễn phí và không phải chịu một số khoản nợ nhất định trong các cuộc đấu giá phá sản. 

Ở một diễn biến pháp lý khác, SVB Financial Group và Tổng giám đốc Greg Becker cũng như Giám đốc Tài chính Daniel Beck đều đang phải đối mặt với một đơn kiện tập thể từ các cổ đông công ty. 

Đơn kiện được đệ trình vào ngày 14/3 tại bang California (Mỹ) cáo buộc SVB Financial Group không công bố rủi ro cho việc làm ăn khi lãi suất tăng, khiến các nhà đầu tư trở tay không kịp khi ngân hàng sụp đổ sau khi khách hàng ồ ạt rút tiền. 

Trong đó, các cổ đông cũng cho biết báo cáo thường niên từ năm 2020-2022 của SVB đã đánh giá thấp rủi ro cho công ty vì không công bố việc Fed tăng lãi suất có thể gây thiệt hại như thế nào cho ngân hàng. 

Có thể bạn quan tâm