Sự sụp đổ của Ngân hàng Silicon Valley: Cái chết được báo trước?

Trong khi phần lớn hoạt động của SVB tập trung vào lĩnh vực công nghệ, sự sụp đổ bất ngờ của ngân hàng đã làm rung chuyển lĩnh vực tài chính vốn đang gặp nhiều khó khăn…
Ngân hàng Silicon Valley

Chỉ trong vài ngày trước, Ngân hàng Silicon Valley (SVB) vẫn được coi là một cái tên có uy tín cao trong không gian công nghệ, với hàng nghìn công ty khởi nghiệp được hỗ trợ vốn mạo hiểm của Mỹ là khách hàng của họ.

Nhưng vỏn vẹn sau hai ngày 9 và 10/3, SVB gần như đã sụp đổ khiến các cơ quan quản buộc phải vào cuộc để ổn định tình hình. 

Sự sụp đổ của SVB

Mặc dù sự sụp đổ của SVB diễn ra trong vòng 44 giờ, nhưng nguồn gốc của vấn đề bắt nguồn từ những năm đầu đại dịch. Vào năm 2021, các công ty được hỗ trợ bởi vốn đầu tư mạo hiểm của Mỹ đã huy động được mức kỷ lục 330 tỷ USD - gấp đôi số tiền được thấy vào năm 2020. Vào thời điểm đó, lãi suất được duy trì ở mức thấp nhất để giúp vực dậy nền kinh tế.

Nhà báo Matt Levine của Bloomberg giải thích: “Khi lãi suất thấp ở khắp mọi nơi, thì 1 USD trong 20 năm sẽ tương đương như 1 USD ngày nay, vì vậy một công ty khởi nghiệp có mô hình kinh doanh kiểu “chúng tôi sẽ mất tiền trong một thập kỷ để xây dựng trí tuệ nhân tạo, và sau đó kiếm thật nhiều tiền trong tương lai” nghe có vẻ khá hay ho. Nhưng khi lãi suất cao hơn, 1 USD hôm nay tốt hơn 1 USD ngày mai, thì các nhà đầu tư muốn có dòng tiền. Khi lãi suất thấp trong một thời gian dài và đột ngột tăng cao, tất cả các khoản tiền đang đổ về cho các công ty đột nhiên bị cắt đứt.”

Tương tự, SVB đã nhận được hàng tỷ USD từ các công ty khởi nghiệp có vốn đầu tư mạo hiểm. Chỉ trong một năm, tiền gửi của ngân hàng đã tăng 100%. SVB sử dụng số tiền này và đầu tư vào trái phiếu dài hạn. Kết quả là, điều này đã tạo ra một cái bẫy nguy hiểm khi họ tự tin rằng lãi suất sẽ vẫn ở mức thấp.

Vào thời điểm đó, SVB đầu tư vào trái phiếu ở top đầu thị trường. Khi lãi suất tăng cao hơn và giá trái phiếu giảm, SVB bắt đầu chịu lỗ nặng khi nắm giữ trái phiếu dài hạn.

Mặc dù vậy, vào cuối năm 2022, bảng cân đối kế toán của ngân hàng không có dấu hiệu đáng báo động. SVB khi đó vẫn nhận được đánh giá tích cực ở một số nơi. Hầu hết xếp hạng của các nhà phân tích Phố Wall đều cực kỳ lạc quan đối với cổ phiếu của ngân hàng, trong khi Forbes bổ sung ngân hàng này vào danh sách Ngôi sao Tài chính của mình.

Ngân hàng Silicon Valley

Các dấu hiệu rắc rối bắt đầu xuất hiện vào ngày 8/3, khi SVB khiến các nhà đầu tư ngạc nhiên với thông tin rằng ngân hàng cần huy động hơn 2 tỷ USD để củng cố bảng cân đối kế toán.

Các nhà đầu tư mạo hiểm nổi tiếng như Coatue Management, Union Square Ventures và Peter Thiel's Founders Fund ngay lập tức có các phản ứng đề phòng, chuyển sang hạn chế tiếp xúc với ngân hàng SVB. Động thái của các công ty này được cho là đã đổ thêm dầu vào lửa, khiến diễn biến rút tiền ồ ạt đã xảy ra sau đó. Đến cuối ngày, khách hàng đã cố gắng rút 42 tỷ USD tiền gửi trong SVB. 

Khủng hoảng thanh khoản

Ngân hàng Silicon Valley và các khách hàng của họ phát triển mạnh trong thời kỳ lãi suất thấp, nhưng khi lãi suất tăng, SVB nhận thấy mình gặp nhiều rủi ro hơn so với một ngân hàng thông thường. 

Khi SVB báo cáo kết quả quý 4/2022 vào đầu năm 2023, Moody's Investors Service - một cơ quan xếp hạng tín dụng - bắt đầu để ý tới các dấu hiệu đáng lo ngại. Vào đầu tháng 3, Moody’s cho biết SVB có nguy cơ cao bị hạ cấp do các khoản lỗ giấy (unrealized loss - khoản lộ chưa thực hiện) đáng kể. 

Đáp lại, SVB đã tìm cách bán lỗ gần 2 tỷ USD danh mục chứng khoán của mình để giúp tăng tính thanh khoản cho bảng cân đối kế toán đang gặp khó khăn. Ngay sau đó, nhiều quỹ phòng hộ và nhà đầu tư mạo hiểm nhận ra rằng SVB có thể đang phải đối mặt với các rủi ro thường trực. Người gửi tiền vội vã rút tiền ồ ạt, gây ra tình trạng siết chặt thanh khoản và khiến các cơ quan quản lý của California và FDIC phải vào cuộc và đóng cửa ngân hàng.

Trong khi phần lớn hoạt động của SVB tập trung vào lĩnh vực công nghệ, sự sụp đổ gây sốc của ngân hàng đã làm rung chuyển lĩnh vực tài chính vốn đang gặp khó khăn.

Bốn ngân hàng lớn nhất của Hoa Kỳ đã mất tổng cộng 52 tỷ USD một ngày trước khi SVB sụp đổ. Vào ngày 10/3, nhiều cổ phiếu ngân hàng của Mỹ đã giảm tới hai con số, bao gồm Signature Bank (-23%), First Republic (-15%) và Silvergate Capital (-11%).

Khi mọi chuyện dần lắng xuống, thật khó để dự đoán những cơn sóng ngầm tiếp theo sẽ xuất hiện từ “cú sốc” bất ngờ này. Đối với các nhà đầu tư, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen kêu gọi họ hãy tin tưởng vào khả năng phục hồi của hệ thống ngân hàng, lưu ý rằng các cơ quan quản lý có các công cụ thích hợp để đối phó với vấn đề. 

Xem thêm

Có thể bạn quan tâm

Honda và Nissan bắt tay sáp nhập

Honda - Nissan: Sáp nhập hay là "chết"?

Thông tin về việc Honda và Nissan tìm kiếm thỏa thuận sáp nhập cho thấy các nhà sản xuất ô tô đang tìm cách đối mặt với sự cạnh tranh từ Trung Quốc, thị trường trong nước đang thu hẹp cũng như mối đe dọa về thuế quan...

Trào lưu thuê bạn cùng leo núi giúp giới trẻ Trung Quốc “hái ra tiền”

Trào lưu thuê bạn cùng leo núi giúp giới trẻ Trung Quốc “hái ra tiền”

Giới trẻ Trung Quốc hiện đang tận dụng phong trào leo núi để kiếm thêm thu nhập bằng cách trở thành những người bạn đồng hành vừa có kinh nghiệm và ngoại hình. Tuy nhiên, dù mang lại lợi ích tài chính như công việc độc lạ này còn gây ra nhiều tranh cãi về tính an toàn và độ tin cậy…

Disney rót 12 tỷ USD vào ngành du lịch biển

Disney rót 12 tỷ USD vào ngành du lịch biển

Trong bối cảnh ngành du lịch biển có nhiều tín hiệu phục hồi mạnh mẽ, Disney đang đẩy mạnh đầu tư vào mảng kinh doanh du thuyền với mục tiêu mở rộng sang thị trường Đông Nam Á…