Thấy gì từ xu thế người trẻ Nhật đua nhau đổ tiền vào chứng khoán?

Đối với nhiều nhà đầu tư lớn tuổi đã rời bỏ thị trường, ký ức những ngày tháng thị trường sụt giảm thê thảm cách đây khoảng 3 thập niên quá tồi tệ, tuy nhiên, thanh niên Nhật nghĩ khác.

Gần ba thập kỷ qua, thị trường chứng khoán Nhật tăng điểm chủ yếu nhờ tiền của nhà đầu tư nước ngoài, sự tham gia của nhà đầu tư trong nước còn quá hạn chế, ít nhất tính đến thời điểm hiện tại.

Tuy nhiên, mọi chuyện đã bắt đầu thay đổi. Trong tháng Mười, người ta chứng kiến sự thay đổi dù rất nhỏ đến từ những nhà đầu tư có thể nói là “siêu nhỏ”.

Một nhân viên công ty tại Tokyo mới tập tành chơi chứng khoán đã mở tài khoản chứng khoán với số tiền ban đầu là 10 nghìn yên (tương đương khoảng 90USD), những cổ phiếu đầu tay của anh bao gồm Nintendo, Sony và cổ phiếu của 4 công ty khác.

Công ty chứng khoán nơi anh mở tài khoản cho phép nhà đầu tư mở tài khoản với số tiền ban đầu chỉ 1.000 yên (9USD).
Người nhân viên 28 tuổi cho biết: “Tôi muốn trải nghiệm xem đầu tư là như thế nào.”

Anh này không phải người duy nhất. Trong tháng 11/2017, nhà đầu tư Nhật đã đổ vào thị trường chứng khoán Nhật khoảng 16,3 nghìn tỷ yên tương đương 144 tỷ USD, mức tăng trưởng đến 40% so với một năm trước. Mức tiền đổ vào thị trường chứng khoán như vậy cao nhất từ tháng 7/2013.

Như vậy có thể thấy tâm lý của người Nhật đang thay đổi. Năm tài khóa 2016, sự bi quan của các nhà đầu tư Nhật về triển vọng của thị trường đã khiến tỷ lệ nắm giữ cổ phiếu của họ trên sàn chứng khoán Nhật giảm xuống mức thấp kỷ lục 17,6%. Nhà đầu tư nước ngoài, trong khi đó, nắm giữ đến 30,1% cổ phiếu trên sàn chứng khoán nước này.

Đối với nhiều nhà đầu tư lớn tuổi đã rời bỏ thị trường, ký ức những ngày tháng thị trường sụt giảm thê thảm cách đây khoảng 3 thập niên quá tồi tệ, chính vì vậy họ không còn muốn nghĩ đến thị trường trong thời điểm họ cần sự an toàn và ổn định cho khoảng thời gian nghỉ hưu của mình.

Dù các số liệu thống kê cho thấy tính từ đầu năm cho đến hết tháng 11/2017, tổng lượng bán ròng của nhà đầu tư Nhật trên thị trường chứng khoán lên đến 5 nghìn tỷ yên, tuy nhiên lệnh bán đến chủ yếu từ những nhà đầu tư có tuổi. Trong khi nhà đầu tư già rút khỏi thị trường thì lại nổi lên một làn sóng những nhà đầu tư trẻ đồng loạt mua vào.

Theo CEO của Japan Exchange, ông Akira Kyota, không khó để hiểu tại sao những nhà đầu tư già tại Nhật lại sợ thị trường chứng khoán đến mức vậy. Từ kinh nghiệm của mình, ông khẳng định phải mất đến một thế hệ để vết đau của những người từng bị mất gần hết tài sản có thể “liền sẹo”.

Một thế hệ mà ông nói đến ở đây chính là 25 năm. Chỉ số Nikkei 225 trên thị trường chứng khoán Nhật hiện đang ở mức cao nhất trong 26 năm. 27 năm trước, bong bóng tài sản Nhật vỡ, nhiều triệu gia đình Nhật lâm vào cảnh khó khăn.

Giờ đây, thế hệ chịu đau thương bởi sự sụp đổ của thị trường chứng khoán đang về hưu còn con cái của họ lớn lên và bắt đầu trở lại thị trường. Nếu ai đó nghĩ rằng thị trường chứng khoán chỉ là nơi đầu cơ, điều này hẳn không đúng lắm với thế hệ đầu tư mới trên thị trường.

Thế hệ nhà đầu tư hiện tại đang chuyển sang mua theo hướng đầu tư dài hạn chứ không quan tâm quá nhiều đến biến động giá cổ phiếu hàng ngày.

“Quan niệm cho rằng thị trường chứng khoán chỉ là nơi đầu cơ không có nhiều ý nghĩa với nhóm nhà đầu tư trẻ tuổi”, chủ tịch tổ chức quản lý tài sản Rheos Capital Works, ông Hideto Fujino, nhận xét.

Tâm lý đầu tư của nhà đầu tư Nhật thay đổi sẽ có thể ảnh hưởng đến cả nền kinh tế, theo nhận định của người đứng đầu viện Fidelity Investor Education Institute, ông Satoshi Nojiri.

Trong năm tài khóa hiện tại, nhóm doanh nghiệp Nhật niêm yết trên sàn chứng khoán nhiều khả năng sẽ có lợi nhuận đến hai năm liên tiếp. Chỉ số Nikkei, hiện đang ở trên mức 23 nghìn điểm, từng vượt mức 20 nghìn điểm vào năm 1996, 2000 và 2015, tuy nhiên thời gian tăng điểm chỉ kéo dài vài ngày. Đây là lần hiếm hoi trong nhiều thập niên chỉ số tăng điểm dài hạn như thời gian qua.

Theo Bizlive

Có thể bạn quan tâm