Tại thị trường London, giá dầu Brent tăng 1,31 USD/thùng, tương đương tăng 1,7%, chốt phiên ở 77,62 USD/thùng, cao nhất kể từ tháng 5.
Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) ngày 27/6 cho biết tồn kho dầu thô của nước này giảm 9,9 triệu thùng trong tuần kết thúc vào ngày 22/6, mức giảm tuần mạnh nhất từ đầu năm đến nay, so với dự báo giảm 2,3 triệu thùng mà các nhà phân tích đưa ra trước đó.
Báo cáo của EIA cũng cho biết sản lượng dầu lửa của Mỹ tuần qua đạt kỷ lục 10,9 triệu thùng/ngày, bằng với mức khai thác của tuần trước đó.
"Đây là phiên tăng mạnh thứ hai liên tiếp của giá dầu trong tuần này. Vào hôm thứ Ba, giá dầu Brent và WTI đóng cửa với mức tăng tương ứng hơn 2% và gần 4%, sau khi Mỹ đưa ra lời kêu gọi các quốc gia cắt giảm nhập khẩu dầu từ Iran về mức 0 trước ngày 4/11 nếu không sẽ chịu sự trừng phạt của Mỹ.
Tháng trước, Tổng thống Donald Trump rút Mỹ khỏi thỏa thuận hạt nhân 2015 giữa các cường quốc với Iran, theo đó tái áp lệnh trừng phạt kinh tế của Mỹ đối với Tehran. Động thái này được dự báo sẽ khiến xuất khẩu dầu của Iran giảm mạnh.
Iran hiện xuất khẩu khoảng 2,4 triệu thùng dầu mỗi ngày. Một số chuyên gia cho rằng một khi được hực thi đầy đủ sau 6 tháng, lệnh trừng phạt của Mỹ đối với Iran sẽ khiến xuất khẩu dầu của nước này giảm từ 400.000 thùng đến 1 triệu thùng mỗi ngày.
Cuối tuần trước, Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) và Nga nhất trí tăng sản lượng dầu thêm tới 1 triệu thùng/ngày từ tháng 7, sau hơn một năm nhóm này hạn chế khai thác dầu để hỗ trợ giá dầu. Quyết định này được đưa ra trong bối cảnh giá dầu thế giới tăng nhanh, những rủi ro địa chính trị đối với nguồn cung - bao gồm vấn đề Iran, và lượng dầu tồn kho của thế giới giảm nhanh.
Mặc dù vậy, giá dầu vẫn tăng mạnh sau quyết định của OPEC và Nga, bởi thị trường cho rằng mức tăng sản lượng như vậy có thể sẽ không đủ mạnh để bù đắp cho sự sụt giảm nguồn cung dầu.