Các cố vấn và chuyên gia quân sự Thổ Nhĩ Kỳ đã thiết lập hệ thống phòng không gần sân bay Mitiga. Sân bay này là nơi triển khai máy bay chiến đấu của Không quân GNA và máy bay không người lái vũ trang Bayraktar TB2 do Thổ Nhĩ Kỳ cung cấp.
Theo hình ảnh và video trên mạng xã hội, những vũ khí phòng không của Thổ Nhĩ Kỳ là MIM-23 Hawk của Mỹ, tổ hợp phòng không tự hành ACV-30 Korkut SPAAG và radar 3D AN / MPQ-64 Sentinel.
Tháng 04/2019, khi Quân đội Quốc gia Libya (LNA) do Nguyên soái Khalifa Haftar lãnh đạo bắt đầu tiến công vào Tripoli, không quân LNA thường xuyên không kích căn cứ sân bay Mitiga.
Những cuộc không kích này khiến lực lượng không quân GNA tổn thất nặng nề. Dù hệ thống phòng không Thổ Nhĩ Kỳ cố gắng đảm bảo hoạt động trên sân bay Mitiga, nhưng căn cứ này quá gần với tiền tuyến và luôn trong tình trạng nguy hiểm.
Theo Đài quan sát nhân quyền Syria (SORH) có trụ sở ở London, Anh cho biết, Thổ Nhĩ Kỳ đã triển khai tại Libya đến 2.400 tay súng rút từ lực lượng Hồi giáo thánh chiến ở Syria.
Hiện, còn 1.700 tay súng Hồi giáo thánh chiến Syria đang được huấn luyện tại các doanh trại quân sự bí mật ở Thổ Nhĩ Kỳ, chuẩn bị chuyển đến chiến đấu trong lực lượng của GNA.
Tổng số các tay súng Hồi giáo cực đoan Syria do Thổ Nhĩ Kỳ đưa đến Libya chưa được xác nhận. Nhưng những bức ảnh và video trên mạng xã hội cho thấy, hàng trăm tay súng Quân đội Syria tự do (FSA) do Thổ Nhĩ Kỳ hậu thuẫn đã đến Libya bằng các máy bay vận tải hành khách của quốc gia này.
Một nhóm chiến binh Hồi giáo thánh chiến được Thổ Nhĩ Kỳ vận chuyển đến Tripoli
Đáp trả sự can thiệp của Thổ Nhĩ Kỳ, ngày 18/01/2020, chính phủ lâm thời liên minh với LNA, có trụ sở tại Benghazi, tuyên bố chặn xuất khẩu dầu tại các cảng dưới quyền kiểm soát, làm giảm sản lượng hơn một nửa lượng xuất khẩu của Libya.
Theo tập đoàn sản xuất National Oil Corp của Libya, sản lượng dầu giảm khoảng 800.000 thùng, tương đương 55 triệu đô la mỗi ngày. Tập đoàn tuyên bố tình trạng Bất khả kháng (Force Majeure), cho phép Libya, nơi có trữ lượng dầu lớn nhất châu Phi đình chỉ hợp pháp các hợp đồng giao hàng.
LNA tuyên bố, các cảng bị đóng cửa nhằm đáp ứng 'yêu cầu của quốc gia' chống lại sự can thiệp của Thổ Nhĩ Kỳ nhằm ủng hộ GNA.
Động thái này diễn ra trước thềm hội nghị thượng đỉnh Berlin về vấn đề ngừng bắn và tìm kiếm một giải pháp hòa bình cho Libya.
Với LNA, động thái này nhằm chứng minh một thực tế, LNA sẵn sàng tiến hành đường lối chính trị của riêng mình, bất kể hậu quả có thể.
Hội nghị thượng đỉnh Berlin diễn ra ngày 19/01, trong đó có các phái đoàn từ GNA, LNA, cũng như các nguyên thủ quốc gia khu vực và thế giới, bao gồm Mỹ, Thổ Nhĩ Kỳ, UAE (Các tiểu vương quốc Ả rập thống nhất), Ai Cập, Nga, Pháp, Ý và Đức.
Các nhà lãnh đạo tham gia hội nghị Berlin tuyên bố ủng hộ lệnh ngừng bắn giữa GNA, LNA, cam kết ủng hộ một giải pháp chính trị cho cuộc xung đột.
Thủ tướng Đức Angela Merkel cho biết, các bên đối lập (các quốc gia ủng hộ LNA hay GNA) trong cuộc xung đột của Libya đồng thuận tôn trọng lệnh cấm vận vũ khí, không cung cấp cho các bên tham chiến sự hỗ trợ quân sự.
Những đại diện của cuộc xung đột Libya đồng ý thành lập một ủy ban quân sự 5/5, để giải quyết những căng thẳng hiện có giữa các bên đối lập. Những văn bản, tài liệu tuyên bố hoặc hành động về Libya phải được Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc phê duyệt. Những vấn đề này khiến tiến trình hòa bình của Libya phụ thuộc vào lợi ích địa chính trị của các quốc gia khác.
Điều quan trọng là lệnh ngừng bắn vô điều kiện đang đi ngược lại lợi ích của LNA - lực lượng đang có ưu thế trong cuộc xung đột quân sự với GNA.
Nguyên soái Haftar không có được lợi thế cần thiết khi tham gia vào cuộc đàm phán Berlin, và vì thế đối mặt với áp lực chung từ các cường quốc phương Tây, đã và đang thúc đẩy cuộc xung đột.
Nhưng LNA cũng có được một lợi ích, đó là các cường quốc phương Tây buộc phải công nhận LNA như một lực lượng chính trị hợp pháp. Từ đó giúp ngăn chặn Thổ Nhĩ Kỳ mở rộng viện trợ quân sự cho GNA. Và khiến lực lượng GNA khó mở rộng được khả năng nhận viện trợ của Thổ Nhĩ Kỳ để đẩy lùi cuộc tiến công của LNA trong tương lai gần.