VBS 2018 là sự kiện kinh tế đặc biệt của nước chủ nhà trong khuôn khổ WEF ASEAN 2018. Đây không phải là thông lệ của WEF, thưa ông?
VBS mới khai sinh năm ngoái, bên cạnh Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) 2017, theo đề nghị của VCCI, để quảng bá cơ hội đầu tư kinh doanh tại Việt Nam tới những doanh nghiệp, nhà đầu tư hàng đầu thế giới.
VBS 2017 đã đóng góp vào thành công vang dội của APEC 2017. Các nhà lãnh đạo toàn cầu không chỉ tham gia APEC, đối thoại về kinh tế thế giới, mà còn tham gia câu chuyện của Việt Nam, làm gia tăng giá trị của APEC khi tổ chức tại Việt Nam. Mô hình này đã được nhiều nền kinh tế cho biết sẽ học hỏi và thực hiện.
Đây là lý do chúng tôi kiến nghị tổ chức VBS 2018 trong khuôn khổ WEF ASEAN 2018. Các doanh nghiệp thành viên WEF khi tham dự sự kiện này không chỉ tiếp cận ý tưởng, nắm được mô hình kinh doanh mới, để thực hiện tái cấu trúc, mà còn có cơ hội tìm kiếm các dự án, các doanh nghiệp để bàn các kế hoạch kinh doanh cụ thể.
Điều quan trọng, nhiều doanh nghiệp Việt Nam có cơ hội tiếp cận những câu chuyện mà các doanh nghiệp lớn nhất toàn cầu đang bàn tới.
VBS 2018 sẽ gửi tới thông điệp gì cho giới kinh doanh toàn cầu?
Chúng tôi vẫn giữ thông điệp Việt Nam là đối tác tin cậy, nghiêm túc và tiềm năng của VBS (Vietnam we mean business) đã được thống nhất từ VBS 2017. Nói đến Việt Nam là nói đến cơ hội kinh doanh.
Chủ đề của năm nay tập trung vào lợi thế của Việt Nam trong chuỗi giá trị toàn cầu và khu vực trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, đó là kết nối và sáng tạo. Trong nền kinh tế sáng tạo, nắm được hai điểm này, doanh nghiệp sẽ nắm giữ động lực quan trọng cho phát triển của chính mình.
Có thể hình dung rằng, Việt Nam đang nằm giữa khu vực, vành đai phát triển năng động nhất của thế giới, giữa Thượng Hải, Hồng Kông, Singapore, Thái Lan… - các trung tâm đổi mới sáng tạo của khu vực. Với vị trí địa kinh tế, với nền kinh tế mở, tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương, Việt Nam có lợi thế rất rõ trong vai trò trung tâm kết nối.
Trong khi đó, các tập đoàn đa quốc gia đang nói nhiều đến chính sách hướng Nam mới, với mục đích phân tán rủi ro, tìm kiếm cơ hội mới thay vì tập trung vào Trung Quốc. Việt Nam là điểm đầu tiên trong hành trình hướng Nam này.
Năm nay, có 700 doanh nghiệp Việt Nam và 500 doanh nghiệp thành viên WEF sẽ dự VBS 2018. Tôi tin rằng, đây sẽ là cơ hội để các doanh nghiệp trực tiếp trao đổi về các cách thức kết nối, các kế hoạch kinh doanh trên tinh thần của kinh tế sáng tạo.
Cụ thể, họ sẽ tìm thấy điều gì từ các sự kiện này?
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và Chủ tịch WEF Borge Brende sẽ phát biểu khai mạc và đối thoại với cộng đồng doanh nghiệp về vai trò của Việt Nam trong chuỗi giá trị ASEAN và toàn cầu.
Giới kinh doanh sẽ có cơ hội cập nhật chuyên sâu về nền kinh tế Việt Nam trong chuỗi giá trị toàn cầu và ASEAN, nắm bắt xu hướng mới, tầm nhìn mới về hoạt động kinh doanh trong khu vực, để phát triển kế hoạch và hoạch định chiến lược phù hợp. Các doanh nghiệp thành viên WEF và giới kinh doanh cũng có thêm thông tin về Việt Nam, trao đổi về các chính sách kinh tế của Việt Nam, tiếp cận các lĩnh vực trọng điểm thu hút đầu tư và hợp tác của Việt Nam.
Các doanh nghiệp Việt sẽ có cơ hội kết nối trực tiếp với các nhà lãnh đạo doanh nghiệp hàng đầu trong khu vực và thế giới, để học hỏi các doanh nghiệp, doanh nhân hàng đầu thế giới trong nhiều ngành, lĩnh vực.
Theo Báo Đầu Tư