Thuế thép của Mỹ khiến một loạt nước nổi giận

Canada, Mexico, Trung Quốc, Liên minh châu Âu (EU) có thể sẽ dùng biện pháp riêng để đối phó với các loại thuế mới của Mỹ.

Tổng thống Mỹ - Donald Trump tuần này cho biết, Mỹ đã “chịu thiệt hại nhiều vì thương mại không công bằng và các chính sách tồi tệ”. Vì thế, ông sẽ áp thuế nhập khẩu 25% với thép và 10% với nhôm.

Những người chỉ trích cho rằng các loại thuế này không thể bảo vệ việc làm cho người Mỹ và cuối cùng sẽ khiến người tiêu dùng chịu gánh nặng giá cao. Các đối tác thương mại lớn của Mỹ đã đồng loạt lên tiếng phản đối. 

Chủ tịch Ủy ban Châu Âu (EC) - Jean-Claude Juncker cho biết, thuế nhập khẩu sẽ khiến hàng nghìn lao động châu Âu có nguy cơ thất nghiệp.

“Chúng tôi sẽ không ngồi yên trong khi ngành công nghiệp của mình bị tác động vì các biện pháp bất công. EU sẽ phản ứng mạnh mẽ để bảo vệ quyền lợi của mình”, ông nói.

Tại Canada - nước cung cấp nhôm và thép lớn nhất cho Mỹ, Bộ trưởng Thương mại - Francois-Philippe Champagne cho biết, việc này là “không thể chấp nhận được”. Bộ trưởng Ngoại giao nước này - Chrystia Freeland cũng cho biết sẽ “có biện pháp đáp lại”, nhưng không nêu chi tiết.

Brazil đe dọa có các hành động “đa phương hoặc song phương” đểu bảo vệ lợi ích.

Bộ trưởng Thương mại Australia - Steven Ciobo khẳng định việc này sẽ bóp méo thương mại và “sẽ dẫn đến mất việc làm”.

Còn hiệp hội ngành thép Đức - WV Stahl cho biết các biện pháp trên vi phạm luật của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) và sẽ có tác động lớn lên thị trường thép nước này.

Trong khi đó, Trung Quốc - nước sản xuất hơn nửa số thép toàn cầu chưa đưa ra phản ứng chính thức. Dù vậy, nhiều dấu hiệu cho thấy nước này sẽ trả đũa. Sau khi chịu thuế chống bán phá giá, thép Trung Quốc ít được nhập trực tiếp vào Mỹ. Tuy nhiên, lãnh đạo ngành thép Mỹ cho biết thép Trung Quốc vẫn vào đây qua các nước thứ ba.

Tin tức này cũng khiến các thị trường chứng khoán châu Á hôm nay lao dốc, mạnh nhất là Nhật Bản. Cổ phiếu các hãng thép và ôtô sụt giảm mạnh. Toyota cho biết quyết định của Mỹ “sẽ tác động tiêu cực đến các hãng xe, hãng cung cấp linh kiện ôtô và người tiêu dùng”.

Ông Trump luôn cam kết gây dựng lại ngành thép và nhôm của Mỹ, mà ông cho là chịu ảnh hưởng từ các biện pháp bất công từ các nước khác, đặc biệt là Trung Quốc, từ nhiều thập kỷ qua. “Chúng ta cần các hãng sản xuất thép và nhôm thật lớn để phòng vệ”, ông nói. Trong suốt chiến dịch tranh cử, ông Trump cũng khẳng định các nước “đang bán phá rất nhiều thép trên khắp nước Mỹ, giết chết công nhân thép và ngành thép của chúng ta”.

Mỹ hiện nhập khẩu thép nhiều hơn là xuất khẩu, phụ thuộc vào thép từ hơn 100 quốc gia khác. Bộ Năng lượng Mỹ cho biết ngành thép nước này đang hồi phục sau khủng hoảng tài chính 2008.

Tuy vậy, ngành này đã yếu đi đáng kể. Năm 2000, Mỹ sản xuất 112 tấn thép. Con số này chỉ còn 86,5 tấn năm 2016. Số nhân lực ngành này cũng giảm từ 135.000 về 83.600 trong cùng kỳ.

Có thể bạn quan tâm