ByteDance, công ty mẹ của Tiktok đang thử nghiệm một loại dịch vụ giao đồ ăn trực tuyến ở Trung Quốc thông qua Douyin, thử “đọ sức” với các công ty thương mại điện tử lớn như Alibaba và Meituan.
Douyin là phiên bản Trung Quốc của TikTok, đều thuộc sở hữu của ByteDance.
Người phát ngôn của Douyin cho biết công ty thử nghiệm tính năng mới của mình ở Bắc Kinh, Thượng Hải và Thành Đô, cho phép người bán quảng cáo, bán các gói mua theo nhóm cho người dùng Douyin và giao tới tận nơi cho khách hàng.
Cũng theo đó, các chủ nhà hàng sử dụng Douyin để phát hành trực tiếp công việc kinh doanh và quảng bá cho sản phẩm của mình. Đồng thời, người bán sẽ đưa ra giảm giá và voucher đồ ăn cho người dùng xem video. Sau đó, khách hàng có thể sử dụng ưu đãi và chọn thời gian giao hàng của sản phẩm trong vòng 2 ngày.
Mô hình này hiện có nhiều điểm khác biệt so với Meituan và Ele.me của Alibaba, cả hai đều là dịch vụ giao đồ ăn theo yêu cầu thống trị thị trường Trung Quốc.
ByteDance đã thử nghiệm tính năng giao đồ ăn này từ tháng 12/2022. Với dịch vụ mới, công ty hy vọng sẽ giành được thị phần đáng kể trong lĩnh vực này. Vào năm ngoái, công ty nghiên cứu IMARC Group cho biết thị trường giao đồ ăn ở Trung Quốc có trị giá 66,4 tỷ USD.
“Chúng tôi sẽ xem xét mở rộng tính năng này tới nhiều thành phố hơn nữa trong tương lai tùy thuộc vào kết quả thử nghiệm. Vẫn chưa có mốc thời gian chi tiết,” phát ngôn viên của Douyin lưu ý.
Bên cạnh dự định nói trên, ByteDance cũng đang đẩy mạnh lĩnh vực mua sắm trực tuyến cho các thị trường bên ngoài Trung Quốc, ra mắt trang web thương mại điện tử quốc tế vào cuối năm ngoái để thu hút người mua nước ngoài.
Trang web, với tên gọi “If Yooou”, giao hàng đến Đức, Pháp, Ý, Tây Ban Nha và Vương quốc Anh. Cùng thời gian đó, một trong những công ty thương mại điện tử lớn nhất Trung Quốc, Pinduoduo, cũng ra mắt trang web mua sắm Temu tại Mỹ.
Nhận xét về các chiến lược của ByteDance và Pinduoduo vào thời điểm đó, giám đốc điều hành WPIC Jacob Cooke lưu ý: “Tôi nghĩ ByteDance và Pinduoduo đang nắm bắt cơ hội để áp dụng những đổi mới thương mại xã hội độc đáo của họ cho thị trường nước ngoài.”
Với sự ra mắt nền tảng mua sắm mới, cả hai công ty công nghệ Trung Quốc đều đang tìm cách tái hiện lại thành công của thương hiệu thời trang nhanh Shein. Tính đến tháng 10 năm ngoái, Shein có giá trị 100 tỷ USD và sở hữu một lượng khách hàng đáng kể ở Hoa Kỳ và nhiều nơi khác trên thế giới, trong đó có cả Việt Nam. Vào tháng 7/ 2022, các báo cáo cho biết Shein đã có kế hoạch IPO tại Mỹ vào năm 2024.