Cụ thể, Tổng thống D.Trump cho biết các quan chức đàm phán của ba nước đã đạt được tiến triển đáng kể và NAFTA phiên bản mới "đang ở khá gần". Mặc dù vậy, nếu không thể đảm bảo đạt được một thỏa thuận hợp lý, Washington vẫn sẽ rút khỏi NAFTA và đàm phán một thỏa thuận thương mại mới.
Trong khi đó, trả lời kênh truyền hình Televisa của Mexico cùng ngày, Bộ trưởng Kinh tế Mexico Ildefonso Guajardo cho biết ông chắc chắn tới 80% rằng Mỹ, Canada và Mexico sẽ đạt được thỏa thuận sơ bộ về sửa đổi NAFTA vào đầu tháng 5 tới. Tuy nhiên, ông nhấn mạnh điều này phụ thuộc nhiều vào sự linh hoạt của các bên. Sau khi ký kết thỏa thuận sơ bộ, các nước sau đó sẽ có thời hạn 30 ngày để ký chính thức bản NAFTA đã sửa đổi.
Các vấn đề mà ba bên còn bất đồng, bao gồm hàng rào kỹ thuật thương mại, môi trường và quy định về nguồn gốc linh kiện ô tô. Đặc biệt, vấn đề tỷ lệ nội địa hóa ô tô vẫn là gai góc nhất, với việc phía Mỹ mới đây đã đề xuất chia quy định về nguồn gốc ra 5 hạng mục khác nhau về loại hình phương tiện, phụ tùng... Mỗi hạng mục lại có yêu cầu tỷ lệ nội địa hóa khác nhau, nằm trong khoảng từ 60 - 85%.
Washington cũng muốn 40% linh kiện trong một sản phẩm ô tô phải được sản xuất trong một nhà máy trả mức lương trung bình từ 16 - 19 USD/giờ cho công nhân. Nhiều nhà sản xuất ô tô đã chuyển hoạt động sang Mexico do chi phí nhân công tại nước này rẻ hơn.
Chính quyền Washington đang gia tăng sức ép để sớm đạt được thỏa thuận mới về NAFTA, có thể là trước cuộc bầu cử Tổng thống tại Mexico vào tháng 7 tới hoặc là trước bầu cử Quốc hội giữa kỳ của Mỹ vào tháng 11 năm nay.
NAFTA, có hiệu lực từ năm 1994, hiện chiếm 40% GDP toàn cầu. Trao đổi thương mại nội khối đạt trên 1.200 tỷ USD trong năm 2017, trong đó Mỹ đang là thị trường xuất khẩu lớn nhất của cả Mexico và Canada.