Nhiều ý kiến phân tích cho hay, việc tranh chấp giữa Hàn Quốc và Nhật Bản nếu tiếp tục kéo dài có thể phá vỡ chuỗi giá trị và ảnh hưởng sâu sắc tới các ngành công nghiệp công nghệ cao cấp trên toàn cầu. Vào thứ Tư (18/9), Hàn Quốc đã loại bỏ Tokyo khỏi danh sách các đối tác ưu tiên trong quy trình xuất nhập khẩu. Động thái này được cho là nhằm trả đũa lại quyết định của Tokyo, loại bỏ Seoul khỏi danh sách ưu đãi thương mại đáng tin cậy. Nếu xung đột giữa hai đất nước láng giềng kéo dài, nó sẽ gây ảnh hưởng lớn, phá vỡ chuỗi giá trị toàn cầu - đặc biệt là lĩnh vực công nghệ cao, ông Choi Heenam, chủ tịch và CEO của Tập đoàn Đầu tư Hàn Quốc (KIC) chia sẻ với CNBC tại Hội nghị thượng đỉnh tại Singapore. “Chúng tôi … thực sự lo lắng về sự căng thẳng thương mại.”
Một số sản phẩm công nghệ cao mà cả hai quốc gia mua từ nhau bao gồm có thiết bị điện tử, các bộ phận mạch tích hợp và vật liệu khác được sử dụng sản xuất máy tính, điện thoại thông minh và xe hơi. Quy trình sản xuất các sản phẩm công nghệ cao trên toàn cầu có thể bị gián đoạn nếu cuộc chiến thương mại của họ tiếp tục.
Căng thẳng gia tăng sau khi Nhật Bản tuyên bố hạn chế nghiêm ngặt hơn đối với việc xuất khẩu ba vật liệu công nghệ cao quan trọng được sử dụng trong các quy trình sản xuất chip thẻ nhớ và màn hình điện thoại thông minh. Về phần mình, Seoul đã đưa khiếu nại lên Tổ chức Thương mại Thế giới.
Mặc dù Nhật Bản không đưa ra giải thích chi tiết về lí do thúc đẩy hành động thương mại của họ đối với Hàn Quốc nhưng theo báo chí truyền thông đưa tin, quyết định này của Tokyo có thể là để trả đũa lại tranh chấp diễn ra giữa hai nước về các vấn đề lao động cưỡng bức trong Thế chiến II.
Tại Hàn Quốc, làn sóng tẩy chay Nhật Bản càng trở nên tăng cao, doanh số bán hàng các sản phẩm Nhât Bản, từ xe hơi đến quần áo hay giải khát đều đã giảm mạnh.
Truyền thông Hàn Quốc cũng đưa tin rằng, các nhà lập pháp đang đề xuất dự luật sửa đổi Đạo luật Đầu tư Hàn Quốc để ngăn chặn các quỹ tài sản có chủ quyền đầu tư vào các công ty Nhật Bản có liên hệ tới các vấn đề lao động nô lệ thời chiến. Ông Choi Heenam cho biết, nếu một đạo luật như vậy được ban hành, công ty của ông sẽ phải ngừng đầu tư vào các đối tác Nhật Bản.
Chiến tranh Mỹ - Trung
Tuy nhiên, một lưu ý lớn hơn về mối quan tâm đối với quỹ tài sản có chủ quyền chính là cuộc chiến thương mại giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc, ông Choi bình luận.
Cuộc chiến đó đang khiến thị trường biến động, tạo ra sự hoài nghi không chắc chắn cho các nhà đầu tư và doanh nghiệp, làm giảm triển vọng tăng trưởng toàn cầu. Về phần mình , KIC vào năm ngoái đã tổng hợp giá trị tài sản trị giá 131,6 tỷ USD - được chuẩn bị để linh hoạt hơn về mặt phân bổ tài sản khi tranh chấp giữa Washington và Bắc Kinh tiếp tục. KIC cũng cho biết, trong báo cáo thường niên rằng một số thách thức mà họ đang gặp phải trên thị trường tài chính toàn cầu bao gồm việc tiền tệ chặt chẽ hơn trong chính sách tại Mỹ, chiến tranh thương mại và lo lắng về suy thoái kinh tế.
Ông Choi Heenam chia sẻ, mặc dù không dễ dàng gì cho cả Hoa Kỳ và Trung Quốc để đạt được sự đồng thuận ngay lập tức trong cuộc chiến thương mại, nhưng sẽ có hy vọng cho một thoả thuận nào đó. “Cuối cùng, đó không phải là một trò chơi mà ‘người thắng ăn cả’; mà thậm chí có thể đưa hai nước vào tình thế ‘thua - thua’.”
“Họ sẽ cần phải thoả hiệp trong một số lĩnh vực. Tuy rằng còn nhiều hồ nghi, nhưng tôi có thêm chút lạc quan về vấn đề này.”
Ngước lại, ông Choi cho rằng triển vọng đối với giải pháp giữa Nhật Bản và Hàn Quốc dường như ít chắc chắn hơn do cuộc tranh chấp vốn chỉ mới bắt đầu. Cả hai quốc gia đều đóng vai trò “rất quan trọng trong các chuỗi cung ứng toàn cầu, và cả hai đều không muốn phá vỡ điều đó,” ông Choi giải thích.
Theo CNBC