- Trách nhiệm của một đại biểu, đại diện cho các DN (Ông Trần Khắc Tâm là Chủ tịch Hiệp hội DN tỉnh Sóc Trăng, Phó Chủ tịch Hội đồng các Hiệp hội Doanh nghiệp Đồng bằng Sông Cửu Long, Ủy viên Ban Chấp hành Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Phó Chủ tịch Hiệp hội Phát triển Hàng tiêu dùng Việt Nam – VACOD) có “nặng” hơn so với các đại biểu thuộc các nhóm lĩnh vực khác, thưa ông?
Nói nặng hay nhẹ hơn thực ra rất khó. Vì theo tôi thì khi anh đã là “đại biểu”, đã được cử tri tín nhiệm thì việc đầu tiên anh phải làm là thực hiện đầy đủ, nghiêm túc những nghĩa vụ, quyền hạn, trách nhiệm của một đại biểu dân cử đã được Hiến pháp, Luật Tổ chức Quốc hội, Luật Tổ chức Chính quyền địa phương quy định.
Còn về trách nhiệm thì tôi nghĩ ngoài tư cách là đại biểu của các doanh nghiệp, nếu được bầu là Đại biểu quốc hội, tôi cũng đại diện cho tất cả các cử tri khác.
Tuy nhiên vì là người làm doanh nghiệp, tham gia các tổ chức xã hội nghề nghiệp của doanh nghiệp nên tôi có cơ hội hiểu nhiều hơn về những khó khăn của doanh nghiệp cũng như những đối tượng liên quan. Chính vì thế, một trong những nội dung hành động của tôi hứa với cử tri là sẽ quan tâm đến quyền lợi sát sườn của cử tri, đồng bào tại đơn vị bầu cử; đến quyền lợi của quê hương Sóc Trăng thân yêu và kế đến là của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.
Tôi cũng sẽ cố gắng phát huy lợi thế công việc của mình để mạnh mẽ kêu gọi đầu tư từ các tập đoàn, doanh nghiệp bên ngoài, giải quyết công ăn việc làm cho bà con; tiếp tục kiến nghị chính sách bao tiêu nông sản nhằm cải thiện tình trạng được mùa rớt giá như vừa xảy ra với hành tím ở Vĩnh Châu hay ổi ở Kế Sách…
Ngoài ra, tôi cũng sẽ tham mưu, hỗ trợ lãnh đạo tỉnh trong việc tranh thủ các nguồn vốn của trung ương, của các nhà đầu tư nhằm cải thiện cơ sở hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng giao thông của nội tỉnh cũng như các tuyến lộ liên kết với các tỉnh bạn (trong đó, đặc biệt là tranh thủ nguồn vốn từ Nghị quyết 120 của CP về phát triển ĐBSCL, từ nguồn vốn vay 2 tỉ USD mà Chính phủ sẽ thực hiện trong nhiệm kỳ tới). Tôi cũng sẽ tham mưu cho lãnh đạo tỉnh quan tâm đến công tác từ thiện, đặc biệt là chăm lo cho người nghèo, người có công với cách mạng bằng các nguồn tự có của doanh nghiệp cùng với vận động tài trợ từ bên ngoài…
- Là một người đã có kinh nghiệm trong vai trò Đại biểu Quốc hội, ông có nghĩ rằng mình sẽ có nhiều điều kiện để đáp ứng được những nguyện vọng của cử tri, những người đã tin tưởng dành là phiếu cho mình?
Bản thân tôi từng là ĐBQH Khoá XIII, và nhiều năm là đại biểu HĐND tỉnh, nên thực tế là tôi cũng có nhiều kinh nghiệm trong hoạt động với vai trò người đại biểu của nhân dân.
Xác định mình phải làm thật tốt, thật xứng đáng với niềm tin của các cử tri nên tôi luôn không ngừng học hỏi, trau dồi kiến thức, kỹ năng hoạt động, phát biểu thẳng thắn, làm việc cần mẫn để đóng góp có hiệu quả vào hoạt động của Quốc hội, của HĐND. Đặc biệt là trong các hoạt động xây dựng pháp luật, ban hành chính sách, giám sát các cơ quan chính quyền, giải quyết khiếu nại của người dân, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước và của địa phương.
Để có được những đóng góp một cách xác đáng, đúng và trúng, tôi luôn luôn giữ mối liên hệ chặt chẽ với cử tri, chịu sự giám sát của cử tri, thường xuyên tiếp xúc với cử tri, tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng của cử tri; thu thập và phản ánh trung thực ý kiến của cử tri với Quốc hội và cơ quan Nhà nước hữu quan, với HĐND và chính quyền địa phương.
- Ông là một trong số không nhiều những đại biểu thường xuyên sử dụng mạng xã hội. Ông có nghĩ đây là một kênh đối thoại, tiếp xúc với cử tri một cách hiệu quả không? Ông có sợ người ta cho rằng ông dùng mạng xã hội để “làm màu” không?
Nói về vấn đề này, tôi muốn chia sẻ rằng tôi rất thích một bài viết của ông Nguyễn Sĩ Dũng, nguyên Phó Chủ nhiệm VP Quốc hội với tiêu đề “Tên đại biểu tôi bầu”. Trong bài viết đó, ông Nguyễn Sĩ Dũng nhấn mạnh rằng bầu cử là “"Chọn mặt gửi vàng". Để "chọn mặt gửi vàng", quan trọng là phải hiểu biết về các ứng cử viên mà mình sẽ cân nhắc lựa chọn”. Ông Dũng cũng cho rằng “Nhớ tên đại biểu của mình, tức là nhớ tên người đã được mình ủy quyền, không chỉ là trách nhiệm mà còn là quyền lợi”, và “nếu chúng ta nhớ tên các đại biểu Quốc hội hay Hội đồng nhân dân của mình. Ta còn có thể tiếp cận họ để nhờ giúp đỡ khi gặp khó khăn”.
Tôi rất đồng tình với quan điểm này của ông Nguyễn Sỹ Dũng, một người có kinh nghiệm thực tế rất nhiều trong hoạt đông của Quốc hội.
Bản thân tôi cho rằng việc sử dụng mạng xã hội là một điều hoàn toàn bình thường, với tôi cũng như với tất cả mọi người. Khi tôi công khai những hoạt động cụ thể của tôi trên mạng xã hội, đó không phải là “làm màu” mà đó là để cử tri biết tôi làm gì, tôi suy nghĩ, tôi hành động như thế nào? Giờ là xã hội thông tin, người dân biết hết đấy, nên không thể nói rằng chỉ một vài hình ảnh hay lời nói trên mạng xã hội là có thể “lấy lòng” được đâu.
Khi tôi công khai những hoạt động cụ thể của tôi trên mạng xã hội, đó không phải là “làm màu” mà đó là để cử tri biết tôi làm gì, tôi suy nghĩ, tôi hành động như thế nào?
Là đại biểu của dân, anh phải phải hoạt động theo quy chế, phải báo cáo kết quả hoạt động với cử tri, phải chịu sự giám sát của Mặt trận và của truyền thông... Tôi nghĩ mạng xã hội cũng là một cách để tôi báo cáo với cử tri, là nơi để cử tri giám sát những hoạt động của tôi cũng như phản ánh các vấn đề mà họ muốn tôi thay họ đề xuất, có tiếng nói với các cơ quan có thẩm quyền. Cũng vì vậy, họ sẽ nhớ đến tôi nhiều hơn với tư cách một người đại diện cho quyền lợi, cho tiếng nói của họ.
Chính vì thế, một trong những nội dung chương trình hành động mà tôi luôn tâm niệm là sẽ phải làm sao để những hành động của mình đều phải nhằm tới mục đích cao nhất là phục vụ quyền lợi của người dân, của doanh nghiệp.
- Xin cảm ơn ông về những chia sẻ này.