Theo số liệu chính thức từ Cục Thống kê Trung Quốc, tỷ lệ thất nghiệp trong nhóm tuổi thanh thiếu niên của nước này đã tăng lên 17,1% trong tháng 7. Đây là mức ghi nhận cao nhất trong năm nay khi nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đang phải đối mặt với hàng loạt "cơn gió ngược".
Vào tháng 6, tỷ lệ thất nghiệp trong nhóm tuổi từ 16 - 24 (không bao gồm sinh viên đại học) là vào khoảng 13,2%, chính thức chấm dứt xu hướng 3 tháng giảm liên tiếp. Con số này được đưa ra thông qua cách tính mới, được chính phủ áp dụng kể từ tháng 12/2023 sau khi tạm dừng công bố dữ liệu thất nghiệp trong tháng 7 cùng năm. Nếu sử dụng cách tính cũ, thì tỷ lệ thất nghiệp của nhóm thanh thiếu niên (bao gồm cả sinh viên) đạt đỉnh 21,3% vào tháng 6.
Gần 12 triệu sinh viên đã tốt nghiệp từ các trường đại học Trung Quốc vào tháng 6 vừa qua, thúc đẩy cạnh tranh trên thị trường lao động vốn đã khắc nghiệt. Có thể thấy đây là nguyên nhân chính dẫn đến sự gia tăng đột biến của tỷ lệ thất nghiệp trong tháng 7.
Ở nhóm tuổi từ 25 đến 29, tỷ lệ thất nghiệp là 6,5% trong tháng 7, tăng so với mức 6,4% của tháng trước. Đối với toàn bộ lực lượng lao động, tỷ lệ thất nghiệp là 5,2%. Tuy nhiên, số liệu từ NBS chỉ phản ánh một phần của toàn bộ thị trường lao động ở Trung Quốc bởi chúng chỉ tính đến các khu vực đô thị.
Bên cạnh đó, một vấn đề đáng lo ngại khác là tình trạng lừa đảo việc làm ngày càng nghiêm trọng. Những người tìm việc trong tuyệt vọng dễ dàng trở thành nạn nhân của các chiêu trò tinh vi, ví dụ như tuyển dụng cho công việc không tồn tại, quảng cáo sai sự thật và lừa tiền. Thậm chí, triển vọng việc làm ảm đảm còn khiến một số sinh viên trở thành kẻ lừa đảo, với số vụ truy tố trẻ vị thành niên liên quan đến lừa đảo qua điện thoại và Internet đã tăng 68% trong năm ngoái.
Chính phủ Trung Quốc cũng lên tiếng thừa nhận về áp lực ngày càng lớn đối với thị trường việc làm. Chủ tịch Tập Cận Bình nhiều lần nhấn mạnh rằng tạo điều kiện tìm kiếm việc cho giới trẻ là một ưu tiên hàng đầu. Tuy nhiên, với tình hình kinh tế hiện tại, nhiệm vụ này được xem là cực kỳ khó khăn.
Các dữ liệu thất nghiệp xuất hiện ngay sau hàng loạt báo cáo kinh tế không mấy khả quan của Trung Quốc, bao gồm cả những số liệu cho thấy dấu hiệu suy giảm trong sản xuất công nghiệp, mặc dù chính phủ nước này đã có các biện pháp thúc đẩy tăng trưởng.
Tăng trưởng sản xuất công nghiệp yếu đi trong tháng 7, với mức tăng 5,1%, thấp hơn so với mức 5,3% của tháng 6 và không đạt được kỳ vọng của các nhà phân tích.
Các thành phố lớn của Trung Quốc cũng ghi nhận một đợt giảm giá bất động sản khác vào tháng trước, phản ảnh nhu cầu yếu kém.
Nhu cầu vay ngân hàng cũng suy giảm lần đầu tiên trong gần 20 năm, theo số liệu chính thức được công bố đầu tuần này.
Vô số thách thức và áp lực quốc tế cũng đang leo thang, với Liên minh châu Âu và Mỹ tăng cường áp đặt các rào cản thương mại để bảo vệ thị trường của họ khỏi các sản phẩm giá rẻ từ Trung Quốc và đối phó với tình trạng cạnh tranh không công bằng.