Vấn đề Brexit: "Khẩu chiến" giữa giới chức Anh và Liên minh châu Âu

Các nhà đàm phán Brexit của Anh và Liên minh châu Âu (EU) tiếp tục mâu thuẫn về tiến trình đàm phán Anh rời khỏi EU.

Trong khi Anh cho rằng EU làm đình trệ các cuộc đàm phán Brexit để khiến London phải trả thêm phí "ly hôn," EU lại chỉ trích Anh không tích cực thúc đẩy tiến trình đàm phán về việc tách khỏi EU.

Phát biểu tại Hạ viện Anh ngày 17/10, Trưởng đoàn đàm phán Brexit của Anh David Davis cáo buộc EU lợi dụng áp lực về thời gian để gây sức ép với London nhằm kiếm được thêm tiền phí Brexit từ Anh.

Ông Davis khẳng định sẽ mất thời gian đàm phán, song đảm bảo đem lại kết quả tốt đúng thời hạn.

Trong khi đó, trưởng đoàn đàm phán của EU Michel Barnier cho rằng chính Thủ tướng Anh Theresa May đã không khởi động tiến trình đàm phán Brexit kéo dài 2 năm dù đã qua một năm kể từ cuộc trưng cầu ý dân về việc Anh rời khỏi EU hồi tháng 6/2016, đồng thời chỉ trích cuộc bầu cử Anh đã làm trì hoãn công tác đàm phán cho đến tháng Sáu vừa qua.

Phát biểu sau cuộc gặp các bộ trưởng của các nước thành viên EU bàn về chính sách Brexit, ông Barnier nhấn mạnh nhìn vào lịch trình có thể thấy EU không cảnh trở tiến trình Brexit. EU sẵn sàng, thậm chí mong muốn thúc đẩy đàm phán.

Những mâu thuẫn giữa Anh và EU đã gây quan ngại rằng hai bên khó có thể đạt được một thỏa thuận "ly hôn" trước ngày 29/3/2019 - thời điểm Anh chính thức rời khỏi EU.

Tính đến nay, giới chức hai bên đã tiến hành 5 vòng đàm phán Brexit với một số tiến triển đáng kể, song không đạt được đột phá lớn.

Hiện Anh và EU cần phải đạt tiến bộ về các vấn đề, gồm "hóa đơn ly hôn" mà Anh phải thanh toán, quyền của các công dân EU tại Anh sau Brexit, và vấn đề Bắc Ireland trước khi mở các cuộc đàm phán về các mối quan hệ tương lai, trong đó có quan hệ thương mại.

Trong diễn biến liên quan, ngày 17/10, Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) thừa nhận kinh tế Anh vẫn sẽ tiếp tục tăng trưởng, ngay cả khi nước Anh buộc phải rời khỏi EU mà không đạt được thỏa thuận nào.

Theo phóng viên TTXVN tại London, trong báo cáo tổng thể được đánh giá là “bi quan,” OECD nhận định Brexit sẽ khiến tăng trưởng kinh tế của xứ sở sương mù “bị trì trệ trong những năm tới.”

Tuy nhiên, cũng trong báo cáo này, OECD thừa nhận ngay cả trong trường hợp xảy ra kịch bản “ít thuận lợi nhất” là Anh rời EU vào năm 2019 mà không đạt được thỏa thuận nào thì nền kinh tế Anh vẫn sẽ tăng trưởng ít nhất 1% trong năm sau đó.

Báo cáo của OECD cảnh báo nguy cơ về một Brexit “hỗn loạn,” khi Anh rời EU mà không đạt được thỏa thuận nào về tương lai mối quan hệ giữa hai bên, gây ra những “phản ứng tiêu cực” trên các thị trường tài chính và đẩy tỷ giá hối đoái xuống mức thấp nhất từ trước đến nay.

Báo cáo này cũng cho rằng, trong trường hợp Brexit được đảo ngược bằng một quyết định chính trị, ví dụ như một cuộc trưng cầu dân ý thứ hai, thì tác động tích cực đối với tăng trưởng kinh tế Anh sẽ là “rất lớn.”

OECD cũng thừa nhận các cuộc đàm phán Brexit hiện nay rất khó dự báo và rất có thể sẽ đạt được những kết quả “thuận lợi hơn” so với những gì OECD nhận định trong báo cáo của mình.

Tuy nhiên kết quả thuận lợi này chỉ có thể đạt được thông qua một thỏa thuận “đầy tham vọng” giữa EU và Anh, cùng một quá trình chuyển tiếp tạo điều kiện cho các bên có thời gian điều chỉnh.

Có thể bạn quan tâm