Theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM, từ đầu năm 2023 đến nay, trên địa bàn Thành phố đã có 1.670 trẻ mắc bệnh tay chân miệng, so với cùng kỳ năm 2022 vẫn còn thấp (3.107 ca, 46,3%), trong đó có 270 ca điều trị nội trú. Bên cạnh đó, dự báo của nhiều chuyên gia số ca mắc tay chân miệng đang có xu hướng tăng đặc biệt là ca bệnh nặng.
Trong ngày 31/5/2023, đã có 1 trường hợp mắc tay chân miệng nặng và đã tử vong sau khi mắc mắc tay chân miệng độ 4.
Tại các bệnh viện chuyên khoa Nhi của thành phố đang điều trị 33 trẻ mắc bệnh tay chân miệng, tất cả đều là dưới 5 tuổi, trong đó có 9 ca nặng và đã có 4 trường hợp nặng xác định do mắc Enterovirus 71.
Hiện Sở Y tế TP.HCM đang tiếp tục phối hợp với OUCRU để giải trình tự gene xác định các chủng gây bệnh nguy hiểm của Enterovirus 71. Tại thời điểm của năm bùng phát Enterovirus 71 với nhiều trường hợp nặng và tử vong từ năm 2011 chủ yếu là type C4 và đến năm 2018, số ca nặng có giảm và chủ yếu là type B5.
Các triệu chứng của Enterovirus 71 có thể từ nhẹ đến nặng và có thể bao gồm sốt, phát ban và phồng rộp ở bàn tay và bàn chân. Bệnh cũng có thể gây ra các triệu chứng thần kinh như co giật, suy tim và thậm chí tử vong.
Bên cạnh đó, các bệnh viện trên địa bàn thành phố đều thực hiện được các xét nghiệm chẩn đoán tác nhân gây bệnh tay chân miệng. Tuy nhiên, cần thực hiện theo hướng dẫn chẩn đoán và điều trị của Bộ Y tế.
Thêm vào đó, chỉ xét nghiệm tìm tác nhân đối với trường hợp nặng để phân biệt với các bệnh lý khác và nghiên cứu dịch tễ. Hiện nay bệnh tay chân miệng chưa có thuốc điều trị bệnh đặc hiệu cũng như chưa có vaccine phòng bệnh.
Theo đó, Sở Y tế đã thành lập Tổ chuyên gia hỗ trợ hội chẩn các trường hợp bệnh nặng và tổ chức các đoàn kiểm tra tại các quận, huyện về công tác phòng, chống dịch tay chân miệng.
Hiện tại, các bệnh viện chuyên khoa nhi của thành phố đã sẵn sàng các trang thiết bị hồi sức các trường hợp nặng (lọc máu, ECMO,…) và sẵn sàng thuốc điều trị theo phác đồ.
Sở Y tế TP.HCM cho biết thêm đã có văn bản báo cáo Bộ Y tế và Cục Quản lý dược hỗ trợ cung ứng đủ thuốc điều trị nhất là 2 loại thuốc Phenobarbital truyền tĩnh mạch, Gamma Globulin truyền tĩnh mạch.
Bệnh tay chân miệng là bệnh nhiễm virus cấp tính, lây truyền theo đường tiêu hóa, thường gặp ở trẻ nhỏ và có khả năng gây thành dịch bệnh lớn. Biểu hiện của bệnh thường nhẹ đến nặng như sốt, đau họng, tổn thương niêm mạc miệng và da chủ yếu ở dạng phỏng nước thường thấy ở lòng bàn tay, lòng bàn chân, đầu gối, mông.
Một số trường hợp bệnh diễn biến nặng và biến chứng nguy hiểm có thể dẫn đến tử vong. Bệnh cần được phát hiện sớm, điều trị kịp thời. Bệnh thường lây lan qua các môi trường: Nhà trẻ, gia đình, tiếp xúc với trẻ bệnh hay người lớn mắc bệnh mà không biểu hiện triệu chứng rõ ràng.
Rửa tay là biện pháp phòng chống bệnh tay chân miệng quan trọng nhất. Bên cạnh đó,vệ sinh đồ chơi cho trẻ, nhà cửa bằng xà phòng và dung dịch Javel hoặc các dung dịch sát khuẩn thông thường.
Phát hiện sớm các dấu hiệu bệnh tay chân miệng ở trẻ như nổi bóng nước lòng bàn tay, bàn chân, lở miệng,.. để cách ly kịp thời, hạn chế lây lan. Khi trẻ mắc bệnh tay chân miệng, cần theo dõi sát, phát hiện sớm các dấu hiệu nặng như sốt cao liên tục khó hạ, nôn ói nhiều, giật mình chới với.