Việt Nam thắng thế giữa bối cảnh thương mại Mỹ - Trung?

Việt Nam đang được đánh giá là quốc gia hưởng lợi lớn nhất nhờ sự chuyển hướng thương mại do cuộc chiến leo thang đang diễn ra giữa Mỹ và Trung Quốc

Hơn một năm kể từ khi cuộc chiến thương mại giữa Washington và Bắc Kinh nổ ra, các nhà kinh tế từ ngân hàng Nomura đã chỉ ra rằng, Hoa Kỳ và Trung Quốc – để tránh thuế quan tăng cao – đã cắt giảm nhập khẩu một số hàng hoá từ hai bên. Thay vào đó, các nhà nhập khẩu ở hai nước đã tìm nguồn cung ứng tương tự từ các nơi khác không bị hàng rào thuế quan cản trở. Việt Nam cho đến nay đã nổi lên như là người hưởng lợi lớn nhất từ dòng chảy thương mại đó, đạt 7,9% tổng sản phẩm quốc nội từ các doanh nghiệp mới, theo báo cáo từ các chuyên gia từ Nomura.

Một số nhà xuất khẩu ở Mỹ và Trung Quốc sẵn sàng cắt giảm một phần chi phí thuế trong biên lợi nhuận hoặc các công ty đa quốc gia có thể lựa chọn tái sản xuất, nhưng theo các tài liệu cho thấy, thì phản ứng kịp thời nhất trong thời điểm này chính là chuyển hướng thương mại.”

Cho đến nay, Hoa Kỳ đã áp dụng mức thuế 25% với 250 tỷ USD hàng hoá Trung Quốc và TT Mỹ Donald Trump đã đe doạ sẽ áp dụng mức thuế cao tương tự đối với con số 300 tỷ USD còn lại. Để trả đũa, Bắc Kinh cũng tăng thuế đối với các sản phẩm trị giá hàng tỷ USD của Mỹ.

Biểu đồ được Nomura công bố cho thấy lợi ích ước tính của một số đất nước hiện đang là tâm điểm của dòng chảy thương mại

Cuộc chiến thương mại đã dẫn đến việc Hoa Kỳ và Trung Quốc dần hạn chế nhập khẩu hàng hoá từ nhau, mà tìm tới những địa điểm khác hấp dẫn hơn như Việt Nam và Đài Loan được hưởng lợi chủ yếu từ xuất khẩu bổ sung sang Hoa Kỳ trong khi đó Chilê, Malaysia và Argentina tăng lượng hàng bán ra cho Trung Quốc.

Nhìn vào danh sách các sản phẩm chịu mức thuế cao, các nhà kinh tế của Nomura nhận thấy các khoản thuế Washington áp đặt lên Trung Quốc đã thúc đẩy các công ty có trụ sở tại Hoa Kỳ lựa chọn nguồn thay thế như thiết bị điện cho điện thoại, các bộ phận của máy văn phòng, máy xử lý dữ liệu tự động, đồ nội thất và hàng hoá du lịch. Mặt khác, thuế quan của Trung Quốc đối với Hoa Kỳ dẫn đến việc các nhà nhập khẩu Trung Quốc mua đậu nành, ngũ cốc, sản phẩm từ cây bông từ các nước khác.

Những liệt kê dưới đây cho thấy những sản phẩm hàng đầu mà các nước hưởng lợi xuất khẩu sang Mỹ và Trung Quốc nhiều hơn do cuộc chiến thương mại leo thang như Việt Nam với các sản phẩm linh kiện điện thoại, nội thất, máy xử lý dữ liệu tự động. Đài Loan là lĩnh vực linh kiện máy đánh chữ, máy văn phòng, bộ phận điện thoại. Chilê là quặng đồng, đậu nành, Malaysia với mạch tích hợp điện tử, thiết bị bán dẫn và Argentina là đậu nành

Trong khi nghiên cứu cho thấy các nền kinh tế thứ ba có thể hưởng lợi trong thời điểm căng thằng Mỹ- Trung bằng cách trở thành nguồn thay thế cho lượng hàng hoá chịu mức thuế cao, tuy nhiên, các nhà kinh tế Nomura cũng cảnh báo rằng điều này không “vẽ” lên được toàn bộ viễn cảnh của cuộc chiến thương mại. “ Sẽ có nhiều vấn đề khác có thể gây ảnh hưởng tiêu cực tới công việc cũng như kinh tế nói chung đến hầu hết các nước thứ ba.”

Các tác động bất lợi có thể xảy ra khi các nhà đầu tư quốc tế hạn chế kế hoạch đầu tư do sự quan ngại về thương mại cũng như nhu cầu giảm mạnh tại hai nền kinh tế lớn như Mỹ và Trung Quốc bởi các công ty và người tiêu dùng ở cả hai nước phải đối mặt với chi phí cao hơn do thuế quan.

Theo CNBC

Có thể bạn quan tâm