Việt Nam và nhiều nước Đông Nam Á sẽ hưởng lợi từ căng thẳng thương mại Mỹ-Trung?

Rất nhiều nền kinh tế tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương phụ thuộc vào việc bán linh kiện và sản phẩm để phục vụ cho cỗ máy xuất khẩu của Trung Quốc, đó có thể là linh kiện điện tử Nhật hay quặng sắ

Chính vì thế mà dù nhiều người tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương có những sự thông cảm nhất định với Tổng thống Mỹ Donald Trump khi ông này lên tiếng chỉ trích Trung Quốc về vấn đề thương mại, cùng lúc đó, họ cũng lo lắng cho chính tương lai của họ - một tương lai bị mắc kẹt giữa những tranh chấp căng thẳng của các cường quốc.

“Sẽ không chỉ những bên tham gia vào trận chiến chịu tác động, nhiều nước khác cũng chịu ảnh hưởng tiêu cực”, giáo sư ngành kinh tế tại đại học Waseda ở Tokyo và từng là chuyên gia kinh tế Ngân hàng Thế giới, ông Shujiro Urata, nhận xét.

Những thông tin xung quanh căng thẳng thương mại Trung – Mỹ tác động nhiều đến thị trường chứng khoán. Trong phiên ngày thứ Ba, chỉ số Nikkei 225 tăng 2,65% nhờ những dấu hiệu cho thấy Trung Quốc và Mỹ có thể tránh được kịch bản chiến tranh thương mại. Giới chức Trung Quốc và Mỹ đã thương thảo sau hậu trường về những cách giúp Mỹ tiếp cận tốt hơn với thị trường Trung Quốc và giảm thâm hụt thương mại.

Australia không khỏi lo lắng khi mà hơn 30% hàng xuất khẩu của nước này có điểm đến là Trung Quốc. Mỗi năm Australia xuất sang Trung Quốc hơn 700 triệu tấn quặng sắt và than đá, ngoài ra còn có đồng, vốn phục vụ sản xuất hàng điện tử.

“Bất cứ khi nào rủi ro chiến tranh thương mại tăng hay có những biện pháp thuế quan đáp trả qua lại, nền kinh tế của chúng tôi có thể chịu nhiều tác động”, một nghị sỹ Đảng Lao động Australia, ông Jim Chalmers, chia sẻ.

Căng thẳng thương mại Trung – Mỹ đã và đang gây ra nhiều tác động lên khu vực châu Á. Tháng 1/2018, Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết ông sẽ áp thuế lên đến 30% với mặt hàng tấm pin năng lượng mặt trời, động thái này nhắm trực tiếp đến những nhà sản xuất Trung Quốc với sản phẩm giá rẻ đã giành được thị phần trên toàn cầu.

Tuy nhiên, không ít những công ty sản xuất tấm pin năng lượng mặt trời ví như REC Solar Holdings AS tại Singapore, công ty điều hành một trong những nhà máy pin năng lượng mặt trời lớn nhất ngoài Trung Quốc, đã phải chịu tác động không nhỏ. Trong 3 quý đầu của năm 2017, hơn 30% sản phẩm của công ty được bán vào thị trường Mỹ.

Theo Bộ trưởng Ngoại giao Singapore, ông Vivian Balakrishnan, bởi Singapore cũng sản xuất tấm pin năng lượng mặt trời, Singapore cũng phải chịu nhiều ảnh hưởng tiêu cực. Trong một diễn dàn vào tuần trước, ông Balakrishnan nhấn mạnh rằng vòng xoáy trả đũa sẽ phá vỡ công thức đã giúp mang lại sự hòa bình và thịnh vượng trong suốt hơn 70 năm qua.

Những căng thẳng thương mại gần đây đã đẩy cao giá trị của đồng yên, đồng tiền vốn được coi như "thiên đường an toàn" trong bối cảnh thế giới có nhiều biến động tiêu cực. Đồng yên cao không khỏi tác động đến doanh số bán hàng của nhiều công ty xuất khẩu hàng điện tử Nhật.

Thế nhưng không phải châu Á chỉ chịu toàn tác động tiêu cực.

Dù kịch bản những chiếc iPhone do các nhà thầu với Apple sản xuất tại Trung Quốc có thể chịu ảnh hưởng tiêu cực bởi xung đột thương mại còn chưa chắc chắn có xảy ra hay không, nhưng nếu kịch bản đó thành hiện thực, Việt Nam có thể hưởng lợi bởi hiện nay Việt Nam đang là trung tâm sản xuất vô cùng quan trọng của Samsung. Điện thoại Samsung đang cạnh tranh quyết liệt với điện thoại iPhone của Apple.

Nhiều tập đoàn đa quốc gia có thể tính đến việc ngừa rủi ro bằng cách giảm bớt sản xuất ở Trung Quốc, và Đông Nam Á có thể coi như một điểm đến quan trọng trong chiến lược tái cân bằng, Chủ tịch Hội đồng kinh doanh Hoa Kỳ - ASEAN, ông Alexander Feldman, nhận định.

Ngoài ra, cũng phải kể đến việc, Trung Quốc sẽ có thể mua thêm hàng hóa dịch vụ từ nhiều nước châu Á nếu Trung Quốc quyết liệt muốn trả đũa Mỹ. Nếu Trung Quốc giảm nhập đậu tương Mỹ, Trung Quốc sẽ có thể nhập thêm sản phẩm dầu cọ, sản phẩm xuất khẩu chủ lực của Malaysia và Indonesia.

Và thực ra, trái với quan điểm của Tổng thống Donald Trump, các nền kinh tế khu vực này đã tiến gần hơn đến thương mại tự do. Australia và Trung Quốc ký kết hiệp định thương mại tự do vào năm 2015, Thủ tướng Australia Malcolm Turnbull cho biết ngay sau đó xuất khẩu rượu của Australia sang Trung Quốc tăng đến 64%.

Chính phủ các nước châu Á thực ra cũng không lại gì cách hành xử của Trung Quốc vốn bị Tổng thống Trump chỉ trích, ví như việc yêu cầu các công ty chuyển giao công nghệ để có thể đầu tư vào Trung Quốc. Các công ty Nhật đặc biệt gặp khó với yêu cầu này. Thế nhưng thay vì trả đũa, họ muốn đưa ra dàn xếp tại Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).

Theo Trung Mến/Bizlive

Có thể bạn quan tâm