Sau tuần tăng điểm mạnh vượt lên vùng giá cao nhất năm 2023 tương ứng 1.245 điểm - 1.255 điểm. VN-Index đã trải qua tuần giao dịch đầu tháng 3/2024 nhiều biến động mạnh với thanh khoản rất đột biến khi các phiên trong tuần áp lực bán giá cao tăng lên khi VN-Index tiến đến vùng kháng cự quanh 1.280 điểm tương ứng vùng đỉnh giá tháng 9/2022.
Sau đó, VN-Index liên tục chịu áp lực điều chỉnh về vùng giá quanh 1.260 điểm với tình trạng luân chuyển đầu cơ gia tăng. Tuy nhiên, phiên cuối tuần VN-Index đã chịu áp lực bán ngay từ đầu phiên, áp lực bán gia tăng mạnh hơn vào cuối phiên, qua đó VN-Index kết thúc phiên cuối tuần giảm 21,11 điểm về mức 1.247,35 điểm.
Kết thúc tuần VN-Index giảm 0,87% so với tuần trước và trong quá trình kiểm tra lại vùng đỉnh giá tháng 8/2023. HNX-Index kết tuần ở mức 236,32 điểm giảm nhẹ 0,06% so với tuần trước
Trong tuần thanh khoản trên HOSE gia tăng khá mạnh 16,2% so với tuần trước khi có 135,109,66 tỷ đồng được giao dịch, vượt mức 1 tỷ cổ phiếu/phiên. Diễn biến cho thấy dòng tiền có tính chất xoay vòng mạnh, gia tăng sử dụng đòn bẩy dư nợ với khối lượng giao dịch đột biến.
Nhà đầu tư nước ngoài cũng gia tăng giao dịch và bán ròng khá mạnh với giá trị 975,81 tỷ đồng trên HOSE; mua ròng trên HNX với giá trị 36,77 tỷ đồng.
Trong tuần với biến động xoay vòng, thanh khoản rất cao, đồng thời với tin tức hỗ trợ tích cực từ hệ thống KRX thì nhóm cổ phiếu dịch vụ tài chính, chứng khoán vẫn có diễn biến tăng giá vượt trội, thanh khoản rất đột biến với nhiều mã tăng giá rất mạnh như AGR (+16,02%), AGR (+14,54%), DSC (+13,27%), CTS (+9,77%), PSI (+7,95%)... ngoài các mã chịu áp lực điều chỉnh, nhất là trong phiên cuối tuần như SSI (-1,47%), BSI (-1,03%)...
Trong khi đó các cổ phiếu ngân hàng sau giai đoạn tăng giá mạnh đã chịu áp lực bán khá mạnh, là nhân tố chính gây áp lực giảm điểm khá mạnh của VN-Index trong phiên cuối tuần, nhiều mã kết thúc tuần giảm khá mạnh so với tuần trước như TPB (-6,30%), BVB (-6,09%), MSB (-5,71%), BID (-4,49%).... ngoài SGB (+3,03%), LPB (-0,29%)...
Nhóm cổ phiếu bất động sản tiếp tục có diễn biến kém tích cực so với thị trường chung khi ngoài một số mã tăng giá tốt với VRC (+25,69%), NBB (+13,79%), NHA (+5,52%), NLG (+5,01%)... thì đa số chịu áp lực điều chỉnh, giảm điểm như AGG (-5,39%), NVL (-4,62%), CEO (-3,98%), DIG (-3,63%)....
Trong khi các cổ phiếu bất động sản khu công nghiệp có diễn biến phân hóa tích cực hơn với BCM (+8,96%), KBC (+6,09%)... ngoài VGC (-2,34%), DTD (-2,05%), IDC (-1,87%)...
Kê lệnh giải ngân từng phần
Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV)
Thị trường có nhịp tăng điểm nhẹ vào thời điểm mở cửa trước khi đảo chiều giảm điểm và dần mở rộng biên độ lao dốc về cuối phiên. Sự hình thành của một mẫu hình "failure swing" trên khung thời gian nhỏ intraday đi kèm mẫu nến phân phối Marubozu trên khung đồ thị ngày với khối lượng lớn cho thấy áp lực điều chỉnh ngắn hạn của VN-Index đang ở mức cao.
Mặc dù vậy, khi xu hướng tăng vẫn đang được duy trì, chỉ số nhiều khả năng sẽ sớm có cơ hội hồi phục trở lại tại các vùng hỗ trợ, gần là quanh 1240 và sâu hơn là 1215 (+-10).
Nhà đầu tư được khuyến nghị kê lệnh giải ngân từng phần, tăng tỷ trọng trading gối đầu cho vị thế nắm giữ khi chỉ số hoặc các mã mục tiêu quay xuống các vùng hỗ trợ.
Ưu tiên vị thế quan sát
Chứng khoán Kiến Thiết (CSI)
Xét trên biểu đồ tuần, xu hướng tăng điểm vẫn chưa bị bẻ gãy, nên khả năng cao là nhịp điều chỉnh hình thành bởi phiên giảm mạnh hôm nay cũng chỉ ngắn hạn. CSI kỳ vọng mốc hỗ trợ 1.180 – 1.200 điểm cho đợt điều chỉnh lần này, sau đó thị trường sẽ quay lại xu hướng tích cực. Vì vậy ở thời điểm hiện tại, cần kiên nhẫn, chưa vội vàng mở vị thế mua quay trở lại và chỉ ưu tiên vị thế quan sát.
Tận dụng nhịp rung lắc để tái cơ cấu lại danh mục
Chứng khoán Phú Hưng
Theo quan điểm kỹ thuật, VN-Index có phiên giảm điểm trở lại. Khối lượng giao dịch gia tăng đột biến, trên mức bình quân 10 và 20 phiên, hàm ý áp lực chốt lời tăng cao.
Không những vậy, chỉ số giảm điểm với nến dài cô đặc và đóng cửa xuống dưới MA5, cùng với RSI suy yếu từ vùng quá mua trên 75 xuống dưới 61 thể hiện đà tăng đang hạ nhiệt, cho thấy chỉ số đang chịu sức ép điều chỉnh trở lại.
Tuy nhiên, chỉ số vẫn giữ được đóng cửa trên MA20 hướng lên, cùng với ADX nằm trên vùng 45 và +DI nằm trên –DI, cho thấy xu hướng chính vẫn là phục hồi. Do đó, phiên giảm vừa qua có thể chỉ nằm trong nhịp điều chỉnh kỹ thuật với hỗ trợ gần quanh vùng 1.230 – 1.235 điểm (MA20).
Đối với sàn Hà Nội, HNX-Index cũng có phiên giảm điểm trở lại. Mặc dù vậy, chỉ số vẫn giữ được đóng cửa trên đường MA20 và 50 hướng lên tích cực, cho thấy phiên giảm có thể chỉ mang tính kỹ thuật và xu hướng chính vẫn là phục hồi. Do đó, nếu vùng hỗ trợ 234 điểm (MA20) không bị phá vỡ, thì chỉ số sẽ có cơ hội hướng lên vùng kháng cự 240 điểm (đỉnh tháng 10/2023).
Nhìn chung, thị trường đang trong nhịp điều chỉnh kỹ thuật nhằm củng cố cho xu hướng phục hồi chính. Do đó, nhà đầu tư có thể cân nhắc tận dụng nhịp rung lắc này để tái cơ cấu lại danh mục của mình hợp lý hơn.
Hạn chế bán mạnh các cổ phiếu đang hoặc đã lùi về vùng hỗ trợ
Chứng khoán Rồng Việt (VDSC)
Thị trường vượt vùng 1.270 điểm bất thành và nhanh chóng lùi bước. Thanh khoản tăng so với phiên trước, cho thấy nguồn cung chốt lời tiếp tục tăng trở lại và khá áp đảo trên thị trường.
Thị trường tạm thời đánh mất vùng hỗ trợ 1.250 điểm nên có thể sẽ cần thêm thời gian để kiểm tra lại dòng tiền tại vùng hỗ trợ thấp hơn. Dự kiến thị trường sẽ được hỗ trợ quanh 1.240 điểm và hồi phục trở lại.
Do vậy, nhà đầu tư cần quan sát diễn biến diễn biến dòng tiền tại vùng hỗ trợ và tạm thời hạn chế bán mạnh tại các cổ phiếu đang hoặc đã lùi về vùng hỗ trợ. Có thể cân nhắc nhịp điều chỉnh sâu về vùng hỗ trợ tại một số cổ phiếu để cân nhắc mua tích lũy.
Nhận định thị trường của các công ty chứng khoán được Thuonggia trích dẫn nguyên văn chỉ có giá trị như một nguồn thông tin tham khảo. Các công ty chứng khoán có thể có những xung đột lợi ích đối với các nhà đầu tư khi đưa ra nhận định.