Sự suy giảm mạnh trong dòng chảy thương mại của tháng trước đang làm dấy lên những lo ngại về rủi ro đối với nền kinh tế quốc gia này. Đặc biệt là khi nền kinh tế cho thấy dấu hiệu phục hồi yếu ớt sau sự gián đoạn nghiêm trọng các chuyến hàng xuất nhập khẩu Trung Quốc do đại dịch và những hạn chế được áp đặt trong khoảng thời gian này.
Nhập khẩu của Trung Quốc giảm mạnh trong tháng 4, trong khi đó xuất khẩu tăng với tốc độ chậm hơn củng cố các dấu hiệu cho thấy nhu cầu yếu đang gây áp lực lên nền kinh tế của quốc gia này trước tình trạng tăng trưởng toàn cầu chậm lại.
Nền kinh tế Trung Quốc tăng trưởng nhanh hơn dự kiến trong quý đầu tiên nhờ tiêu dùng dịch vụ mạnh mẽ. Nhưng sản lượng của nhà máy đã bị tụt lại và những con số thương mại mới nhất cho thấy Trung Quốc còn một chặng đường dài để lấy lại động lực kinh tế trước ảnh hưởng của đại dịch.
Dữ liệu từ hải quan cho thấy các chuyến hàng đến Trung Quốc đã giảm 7,9% so với cùng kỳ năm ngoái, kéo dài mức giảm 1,4% đã thấy một tháng trước đó. Cùng với đó, xuất khẩu Trung Quốc tăng 8,5%, giảm từ mức tăng 14,8% trong tháng 3.
Các quan chức chính phủ đã nhiều lần cảnh báo về môi trường bên ngoài nghiêm trọng và phức tạp cùng với nguy cơ suy thoái kinh tế gia tăng đối với nhiều đối tác thương mại quan trọng của Trung Quốc.
Zichun Huang, chuyên gia kinh tế Trung Quốc tại Capital Economics, cho biết: “Với triển vọng u ám về nhu cầu bên ngoài, chúng tôi cho rằng xuất khẩu sẽ giảm hơn nữa trước khi chạm đáy vào cuối năm nay”.
Bà nói thêm: “Chúng tôi vẫn cho rằng việc mở cửa nhu cầu trong nước sẽ thúc đẩy nhập khẩu phục hồi trong những tháng tới”.
Nhập khẩu suy giảm cho thấy nền kinh tế thế giới sẽ không thể trông cậy nhiều vào động cơ tăng trưởng nội địa của Trung Quốc. Các nhà phân tích cho rằng chiến dịch thắt chặt chính sách tiền tệ toàn cầu mạnh mẽ trong 12-18 tháng qua và căng thẳng ngân hàng phương Tây gần đây vẫn gây lo ngại cho triển vọng phục hồi của cả Trung Quốc và toàn cầu.
Tăng trưởng xuất khẩu sang ASEAN đã giảm xuống 4,5% trong tháng 4 từ mức 35,4% của tháng trước. Khu vực này là đối tác xuất khẩu lớn nhất của Trung Quốc.
Các dữ liệu khác gần đây cũng cho thấy xuất khẩu của Hàn Quốc sang Trung Quốc, một chỉ số hàng đầu về nhập khẩu của Trung Quốc, đã giảm 26,5% trong tháng 4, tiếp tục giảm 10 tháng liên tiếp.
Nhập khẩu than của Trung Quốc đã giảm trong tháng 4 so với mức cao nhất sau hơn 1 năm của tháng trước. Trong khi đó, nhập khẩu đồng và khí đốt tự nhiên cũng giảm trong cùng kỳ.
Zhiwei Zhang, nhà kinh tế trưởng tại Pinpoint Asset Management, cho biết: “Việc giảm nhập khẩu có thể một phần do nhu cầu toàn cầu chậm lại, từ đó ảnh hưởng đến việc nhập khẩu các bộ phận và linh kiện của Trung Quốc để chế biến hàng xuất khẩu”.
Chỉ số quản lý mua hàng sản xuất chính thức của tháng 4 cho thấy các đơn đặt hàng xuất khẩu mới giảm mạnh. Điều này nhấn mạnh thách thức mà các nhà hoạch định chính sách và doanh nghiệp Trung Quốc đang phải đối mặt với hy vọng phục hồi kinh tế mạnh mẽ sau COVID.
Dữ liệu GDP quý đầu tiên của Trung Quốc vào tháng trước cũng làm dấy lên nghi ngờ về triển vọng nhu cầu do sự yếu kém của thị trường bất động sản, giá cả chậm lại và tiết kiệm ngân hàng tăng mạnh. Chính phủ đã đặt mục tiêu tăng trưởng GDP khiêm tốn khoảng 5% cho năm nay, sau khi bỏ lỡ mục tiêu năm 2022.