Phát triển bền vững tại Việt Nam: Luôn đổi mới để giúp doanh nghiệp “đi tắt đón đầu”

Chương trình Đánh giá, Công bố Doanh nghiệp phát triển bền vững tại Việt Nam đã bước vào năm thứ 5 liên tiếp. Bám sát hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, đổi mới để phù hợp với tình hình thực tiễn,… là những lý do giúp chương trình ngày càng thu hút.
Phát triển bền vững tại Việt Nam: Luôn đổi mới để giúp doanh nghiệp “đi tắt đón đầu”

Đây cũng là điều được ông Nguyễn Quang Vinh – Tổng thư ký VCCI kiêm Phó Chủ tịch VBCSD chia sẻ với Thương Gia trong lần trò chuyện gần đây nhất sau lễ phát động chương trình này.

Thưa ông, ông có thể chia sẻ thêm về Chương trình Đánh giá, Công bố Doanh nghiệp bền vững tại Việt Nam năm 2020. Chương trình có những điểm khác và mới nào so với những năm trước?

Chương trình được tổ chức từ năm 2016 đến nay, do VCCI phối hợp thực hiện với Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, Bộ Tài nguyên và Môi trường và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam theo sự chỉ đạo của Chính phủ từ năm 2016. Trải qua 5 năm thực hiện, chương trình luôn có nhiều điểm nhấn mới.

Điểm nhấn đầu tiên chính là những thay đổi trong Bộ chỉ số doanh nghiệp bền vững (CSI). Việc thay đổi này là cần thiết để tạo nên sự mới lạ, hấp dẫn và có tính cập nhật cho doanh nghiệp đồng thời phù hợp với tình hình thực tiễn trong nước và quốc tế. Cụ thể, CSI 2020 có 127 chỉ số ở 4 lĩnh vực: Chỉ số Kết quả phát triển bền vững, Chỉ số Quản trị; Chỉ số Môi trường; và Chỉ số Lao động.

Lưu ý thêm nữa, CSI 2020 cũng được cập nhật để phù hợp với yêu cầu từ các Hiệp định FTA mà Việt Nam ký kết gần đây (như CPTPP, EVFTA) cũng như các thay đổi quan trọng trong chính sách quản lý về lao động và môi trường.

Đặc biệt, các vấn đề liên quan đến 17 Mục tiêu PTBV và Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Chương trình nghị sự 2030 vì sự PTBV đã được đơn giản hóa và lồng ghép vào Bộ chỉ số CSI 2020. Những cập nhật này giúp cho các doanh nghiệp có thể kịp thời nắm bắt, điều chỉnh chiến lược sản xuất kinh doanh để tận dụng được tối đa cơ hội từ sự thay đổi của chính sách và thị trường.

Điểm nhấn thứ hai là hoạt động đào tạo cho cộng đồng doanh nghiệp và các cơ quan truyền thông trong thời gian diễn ra chương trình. VCCI với chủ chốt là Hội đồng Doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững (VBCSD) đã lên kế hoạch tổ chức các khóa đào tạo tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh cho các hiệp hội doanh nghiệp và các doanh nghiệp niêm yết. Chúng tôi cũng triển khai khóa đào tạo về Quản trị doanh nghiệp bền vững trong bối cảnh hậu đại dịch cho Mạng lưới báo chí của VBCSD trong tháng 7. Tất cả những hoạt động này cùng cộng hưởng để nâng cao nhận thức về quản trị doanh nghiệp – vốn là điểm yếu “cốt tử” của doanh nghiệp Việt Nam.

Hoạt động này cũng xuất phát từ thực tế khi có nhiều doanh nghiệp mới tham gia chương trình, tiếp cận Bộ chỉ số chậm hơn các doanh nghiệp từng tham gia trong những năm trước. Các khoá đào tạo được hình thành để hỗ trợ doanh nghiệp trong vấn đề này. Hoạt động này cũng giúp tạo nên mạng lưới kết nối để doanh nghiệp tham gia có cơ hội trao đổi kinh nghiệm nhiều hơn.

Vậy quy trình đánh giá năm nay sẽ được thực hiện như thế nào, thưa ông?

Sau khi hết hạn nhận hồ sơ ngày 15/08, BTC sẽ lựa chọn các hồ sơ đạt tiêu chuẩn vào chấm sơ khảo. Hội đồng xét duyệt sẽ được triệu tập để họp lần thứ nhất, thống nhất cách thức chấm điểm và thời gian triển khai. Sau đó, thành viên Hội đồng xét duyệt sẽ chấm điểm tập trung và chấm điểm online. Tiếp đó, hồ sơ của các doanh nghiệp lọt vào vòng chung khảo sẽ được gửi đi tham vấn các cơ quan chức năng liên quan.

Căn cứ trên số điểm, ý kiến phản hồi từ các cơ quan chức năng và từ hồ sơ bổ sung của các doanh nghiệp, BTC cùng Hội đồng xét duyệt sẽ loại bỏ những trường hợp không tốt và đề xuất danh sách các doanh nghiệp bền vững tại Việt Nam năm 2020 và các doanh nghiệp đạt chuẩn bền vững trình Ban chỉ đạo phê duyệt. Ý kiến của Ban chỉ đạo sẽ là ý kiến cuối cùng để lựa chọn các doanh nghiệp được biểu dương năm 2020.

Qua quá trình này, ai cũng thế thấy, sự minh bạch, công khai và hết sức khắt khe trong quá trình chấm hồ sơ chính là yếu tố tạo nên giá trị cho chương trình và giúp doanh nghiệp khẳng định thương hiệu với cộng đồng.

Như ông vừa chia sẻ, với 127 chỉ số ở 4 lĩnh vực, liệu Bộ chỉ số CSI 2020 có “quá sức” với các doanh nghiệp nhỏ và vừa?

127 chỉ số của CSI 2020 được chia ra hai mức: cơ bản và nâng cao. Chỉ cần thực hiện tốt những chỉ số ở mức cơ bản – chiếm gần 70% doanh nghiệp đã có một nền tảng vững chắc. Những chỉ số cơ bản này là những yêu cầu tuân thủ các chính sách về lao động, xã hội, môi trường…, hoàn toàn không xa lạ với doanh nghiệp. Dù là doanh nghiệp lớn hay SME, thậm chí siêu nhỏ cũng đều cần thực hiện đủ và đúng các chỉ số này.

Tuy nhiên, chúng tôi cũng sẽ nghiên cứu và cập nhật Bộ chỉ số thêm nữa để ngày càng tinh gọn, đơn giản, dễ hiểu, dễ áp dụng hơn. Chúng tôi đang cân nhắc về việc giới thiệu một phiên bản CSI dành riêng cho các SME trong thời gian tới.

Phải nhấn mạnh rằng, càng nhiều doanh nghiệp áp dụng Bộ chỉ số CSI - một công cụ quản trị hết sức khoa học thì hoạt động quản trị doanh nghiệp càng trở nên chuyên nghiệp hơn, giúp doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh, tăng cường khả năng chống chọi và phục hồi trong mọi kịch bản và giúp doanh nghiệp tự đánh giá, đo lường “sức khỏe” của mình.

Chúng tôi khuyến khích các doanh nghiệp đưa Bộ chỉ số CSI vào trọng tâm chiến lược quản trị; áp dụng để lập báo cáo phát triển bền vững; thường xuyên tham chiếu để có thể kịp thời phát hiện thiếu sót để cải thiện, đồng thời nắm bắt những cơ hội tiềm năng để “đi tắt đón đầu”.

Cảm ơn ông về cuộc trò chuyện này!

Có thể bạn quan tâm