Phó CT HH Du lịch Việt Nam: Cần có giải pháp đặc biệt cho doanh nghiệp du lịch

Dịch Covid-19 là sự kiện gây ảnh hưởng lớn nhất đến ngành du lịch từ trước đến nay. Doanh nghiệp du lịch đang bị ảnh hưởng nặng nề như vậy nên giải pháp cũng phải đặc biệt.

Đó là nhận định của ông Vũ Thế Bình - Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Du lịch Việt Nam tại tọa đàm "Kích cầu du lịch nội địa - Trải nghiệm Việt Nam an toàn, hấp dẫn" do Tổng cục Du lịch phối hợp với báo điện tử VnExpress tổ chức mới đây tại Hà Nội.

Thiệt hại nặng nề

Ông Vũ Thế Bình cho biết, khi dịch mới xuất hiện, không ai lường trước được diễn biến phức tạp của nó cũng như có ảnh hưởng lớn đến vậy. Những người làm trong ngành cũng dự đoán dịch chỉ diễn ra vài tháng. Nhưng càng ngày dịch bệnh càng diễn biến phức tạp, ảnh hưởng nặng nề đến ngành du lịch. “Có thể nói là sự kiện gây ảnh hưởng lớn nhất đến ngành du lịch từ trước đến nay”.

Ông Vũ Thế Bình - Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Du lịch Việt Nam
Ông Vũ Thế Bình - Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Du lịch Việt Nam

Ông Bình đưa dẫn chứng, theo báo cáo của ngành du lịch thế giới, hết quý I, doanh thu từ du lịch toàn thế giới giảm 22%, sang quý II giảm 87%, 6 tháng đầu năm giảm 65%. Tốc độ giảm rất nhanh gây thiệt hại 440 tỷ USD. Tổ chức du lịch thế giới dự báo nếu dịch tiếp tục năm nay doanh thu toàn ngành sẽ giảm 1.000 tỷ USD, và giảm 1 tỷ khách du lịch. “Ảnh hưởng nặng nề như vậy nên giải pháp cũng phải đặc biệt” – ông Bình bày tỏ.

Số liệu từ Bộ Văn hoá - Thể thao và Du lịch cũng cho thấy, doanh nghiệp ngành du lịch trong nước đang rất khó khăn. Doanh nghiệp vận tải du lịch gần như đóng cửa vì không có khách. 95% doanh nghiệp lữ hành dừng hoạt động, trong đó 10% xin thu hồi giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành, chấm dứt hoạt động.

Công suất phòng của các doanh nghiệp lưu trú, khách sạn, resort tại Hà Nội và TP. HCM chỉ đạt 10%; các địa phương có dịch như Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi gần như không có khách (trừ một số khách là chuyên gia, khách cách ly).

Sống chung với dịch

Ông Vũ Thế Bình cho rằng, thời gian qua, toàn ngành đã làm nhiều việc hăng hái, đợt kích cầu lần một thành công. Nhưng nếu cứ dùng các công cụ bình thường sẽ không giải quyết được khó khăn. Nếu tháng 11, 12 lại bùng dịch thì công sức bỏ ra để kích cầu nhiều mà hiệu quả thu lại không đáng bao nhiêu. Chúng ta phải vừa kích cầu vừa nghĩ giải pháp xa hơn, tốt hơn để giải quyết ảnh hưởng, ví dụ như sống chung với dịch.

Theo con số ước tính, trong năm 2020, thiệt hại của cả ngành du lịch Đà Nẵng có thể lên đến 26.000 tỷ đồng
Theo con số ước tính, trong năm 2020, thiệt hại của cả ngành du lịch Đà Nẵng có thể lên đến 26.000 tỷ đồng

“Chính phủ cũng yêu cầu phải phát triển kinh tế song song phòng chống dịch. Nhiều địa phương đề cao việc chống dịch hơn phát triển kinh tế song nếu cứ thế có khi sẽ "chết trước" khi dịch đẩy lùi” - Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Du lịch Việt Nam nhận định.

Ông Bình cũng bày tỏ quan điểm, tháng 5, 6 khi dịch đợt I giảm, Tổng cục Du lịch đã phát động chương trình kích cầu, các bên đưa ra nhiều giải pháp nhưng lần này đã không còn phù hợp. Đợt kích cầu lần này, giá không thể thấp hơn, doanh nghiệp đang kiệt sức nên sẽ có nhiều khó khăn hơn. Để giải quyết tình trạng này, doanh nghiệp nên tập trung vào chất lượng dịch vụ.

“Du khách phải được phục vụ tốt, đưa ra sản phẩm mới nhất hoặc được làm lại mới nhất, đưa khách đến những chỗ mới, chưa đến... Những doanh nghiệp lớn hãy cố gắng giới thiệu đến khách hàng sản phẩm mới lạ. Đợt kích cầu lần hai này, chúng ta không thể kỳ vọng khách đông ào ạt trở lại nhưng vẫn cần nỗ lực làm”.

Liên quan đến các giải pháp hỗ trợ, ông Bình cho rằng ngành du lịch có thể đề xuất Chính phủ quan tâm bằng cách giảm thuế VAT, thuế thu nhập, lùi thời gian nộp thuế, cho vay tiền... Hiện nay, 10 – 15% doanh nghiệp giải thể, người lao động vẫn chưa tiếp cận được nhiều đến chính sách hỗ trợ của nhà nước.

Chính quyền địa phương cũng cố gắng hỗ trợ doanh nghiệp du lịch, giảm phí tham quan, vé, lệ phí hoạt động để các doanh nghiệp có động lực tiếp tục hoạt động. Chính quyền địa phương nên chia sẻ với doanh nghiệp dù mức hỗ trợ rất thấp để đồng hành cùng họ trong khó khăn. Ngoài ra, hỗ trợ doanh nghiệp bồi dưỡng, đào tạo nhân lực để chuẩn bị nguồn nhân lực tốt cho ngành trong tương lai.

“Về doanh nghiệp, khó khăn đang chồng chất nhưng cũng nên nghĩ cách khác để đối phó với dịch bệnh. Nếu chỉ dùng giải pháp thông thường như giảm giá, yêu cầu hỗ trợ thì không còn phù hợp. Hãy tư duy theo cách mới, tiếp cận khách hàng theo cách mới như khẩu hiệu của Tổ chức du lịch thế giới: Covid-19 chuyển đổi du lịch”.

Theo đó, doanh nghiệp có thể tìm hiểu hệ thống tự động, sử dụng trí tuệ nhân tạo, tiếp cận công nghệ mới để phát triển cũng như nên chuyển đổi số để khắc phục nhanh hậu quả dịch bệnh để lại.

Ông Bình cũng cho rằng, doanh nghiệp cũng cần ủng hộ chủ trương của Tổng cục Du lịch, kích cầu lần hai song song nghiên cứu, tìm hiểu chuyển đổi số để đưa du lịch thành ngành kinh tế số để vừa phát triển kinh tế vừa phòng chống dịch. Cần xác định dù dịch bệnh có tái phát cũng không bất ngờ và có kinh nghiệm để đối phó ngay lập tức.

Có thể bạn quan tâm