618 ảm đạm: Lễ hội mua sắm lớn của Trung Quốc “hụt hơi” lần đầu tiên sau 8 năm

Theo dữ liệu từ Syntun, tổng doanh số bán hàng của lễ hội mua sắm 618 tại Trung Quốc năm nay thấp hơn 7% so với năm ngoái, mức giảm đầu tiên giảm kể từ năm 2016…

618 ảm đạm: Lễ hội mua sắm lớn của Trung Quốc “hụt hơi” lần đầu tiên sau 8 năm

Theo nhà cung cấp dữ liệu bán lẻ Syntun, lễ hội thương mại điện tử thường niên 618 của Trung Quốc trong năm nay chứng kiến ​​doanh số bán hàng sụt giảm lần đầu tiên sau 8 năm, báo hiệu sự phục hồi tiêu dùng yếu kém ở nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

Theo ước tính của Syntun, tổng giá trị hàng hóa (GMV) của các công ty hay doanh số bán hàng, đã giảm 7% so với năm ngoái xuống còn 742,8 tỷ nhân dân tệ (102,3 tỷ USD).

Đây là lần đầu tiên doanh số bán hàng sụt giảm kể từ khi Syntun bắt đầu theo dõi sự kiện này vào năm 2016, công ty chia sẻ với CNBC.

618 là một trong những lễ hội mua sắm trực tuyến lớn nhất tại Trung Quốc, được đặt theo ngày thành lập 18/6 của “gã khổng lồ” thương mại điện tử JD.com. Không lỡ nhịp cơ hội, các công ty đối thủ khác như Tmall của Alibaba và Pindoudou của PDD Holdings cũng ngay lập tức tham gia vào làn sóng lễ hội, cung cấp vô số ưu đãi và giảm giá hấp dẫn. Thậm chí, một số mẫu iPhone chọn lọc được giảm giá tới tận 20% trên JD.com và Tmall trong lễ hội 618 năm nay.

Đây là sự kiện mua sắm lớn thứ hai ở Trung Quốc xét về doanh thu hàng năm, chỉ đứng sau Ngày Độc thân 11/11. Cả hai lễ hội đều được coi là phong vũ biểu cho mức tiêu dùng của hộ gia đình Trung Quốc.

Theo phân tích của Syntun, mặc dù hàng loạt nền tảng đã kéo dài thời gian giảm giá trong năm nay, nhưng doanh số bán hàng vẫn suy yếu. Ví dụ, Tmall đã bắt đầu cung cấp ưu đãi 618 từ ngày 20/5, sớm hơn hẳn 11 ngày so với thời gian bắt đầu thông thường là 31/5.

Sự suy giảm ở doanh số bán hàng phản ánh sức mua yếu kém của người tiêu dùng tại thị trường thương mại điện tử lớn nhất thế giới, khi quốc gia tỷ dân phải đối mặt với vô số trở ngại kinh tế, bao gồm cuộc khủng hoảng kéo dài trên thị trường bất động sản và tỷ lệ thanh thiếu niên thất nghiệp tăng cao.

Theo Syntun, ngay cả trong suốt thời kỳ Covid-19, doanh số của các chương trình 618 vẫn tăng trưởng tích cực.

Đại dịch Covid-19 cũng khởi đầu cho xu hướng các nhà bán lẻ trực tuyến và những người có tầm ảnh hưởng bán hàng thông qua hình thức livestream - nay còn được gọi là “thương mại trực tiếp” (live commerce) hoặc “thương mại điện tử phát trực tiếp” (livestreaming e-commerce).

Các nền tảng truyền thông xã hội với tính năng livestream đã giúp tạo ra 206,8 tỷ nhân dân tệ (28,4 tỷ USD) GMV trong sự kiện 618 năm nay, tăng từ mức 184,4 tỷ nhân dân tệ (25,4 tỷ USD) của năm 2023, trong đó Douyin của ByteDance đạt GMV cao nhất thông qua phân khúc này.

Một số nền tảng thương mại điện tử truyền thống cũng báo hiệu kết quả tích cực trong năm nay, bất chấp tổng GMV giảm. JD.com cho biết, doanh thu và số lượng đặt hàng của họ đã đạt mức cao mới trong lễ hội, mặc dù họ không chia sẻ tổng doanh số.

Trong khi đó, Tmall, công ty đứng đầu về doanh số bán hàng trong báo cáo của Syntun, tiết lộ 365 thương hiệu trên nền tảng này đã vượt qua 100 triệu nhân dân tệ (13,8 triệu USD) GMV, trong khi hơn 36.000 thương hiệu đã tăng gấp đôi GMV của họ.

Theo một ghi chú mới từ HSBC, sự kiện 618 năm 2024 ghi nhận các kết quả hỗn hợp. Dựa trên ước tính từ nhà cung cấp dữ liệu bên thứ ba Yiguan, doanh số bán hàng tăng mạnh trong nửa đầu thời gian lễ hội nhưng dữ liệu về khối lượng bưu kiện cho thấy doanh số bán hàng dường như đã nhanh chóng chậm lại trong nửa sau.

Trong khi nền kinh tế Trung Quốc đang phải đối mặt với những “cơn gió ngược”, doanh số bán lẻ của nước này đã vượt qua kỳ vọng của các nhà phân tích trong tháng 5, tăng 3,7% so với một năm trước. Tuy nhiên, sản lượng công nghiệp và đầu tư tài sản cố định lại không đạt dự báo trong cuộc thăm dò ý kiến ​​của Reuters.

Xem thêm

Có thể bạn quan tâm

Trào lưu thuê bạn cùng leo núi giúp giới trẻ Trung Quốc “hái ra tiền”

Trào lưu thuê bạn cùng leo núi giúp giới trẻ Trung Quốc “hái ra tiền”

Giới trẻ Trung Quốc hiện đang tận dụng phong trào leo núi để kiếm thêm thu nhập bằng cách trở thành những người bạn đồng hành vừa có kinh nghiệm và ngoại hình. Tuy nhiên, dù mang lại lợi ích tài chính như công việc độc lạ này còn gây ra nhiều tranh cãi về tính an toàn và độ tin cậy…

Disney rót 12 tỷ USD vào ngành du lịch biển

Disney rót 12 tỷ USD vào ngành du lịch biển

Trong bối cảnh ngành du lịch biển có nhiều tín hiệu phục hồi mạnh mẽ, Disney đang đẩy mạnh đầu tư vào mảng kinh doanh du thuyền với mục tiêu mở rộng sang thị trường Đông Nam Á…

Châu Á được và mất gì từ kế hoạch thuế quan của ông Donald Trump?

Châu Á được và mất gì từ kế hoạch thuế quan của ông Donald Trump?

Các đề xuất thuế quan của Tổng thống Mỹ đắc cử Donald Trump có thể gây tổn thất nghiêm trọng đối với nhiều nền kinh tế châu Á phụ thuộc vào xuất khẩu, nhưng động thái này cũng lại mở ra cơ hội cho khối ASEAN khi chuỗi cung ứng toàn cầu dịch chuyển khỏi Trung Quốc…