Giá trị các vụ lừa đảo này là khoảng 1,2 triệu dollar Australia (AUD - tương đương 970.300 USD).
Ủy ban Chứng khoán và đầu tư Australia (ASIC) mới đây cũng đã cảnh báo các nhà đầu tư rằng tiền điện tử là sản phẩm đầu cơ rủi ro cao và lưu ý họ cần cân nhắc về loại hình đầu tư mạo hiểm này nếu không muốn mất một phần hay toàn bộ số tiền bỏ ra.
Từ ngày 1/7/2017, Bitcoin được Chính phủ Australia chấp thuận là một loại tiền tệ và được miễn thuế hàng hoá và dịch vụ (GST). Các thương nhân và nhà đầu tư Bitcoin tại Australia không bị đánh thuế khi mua và bán đồng tiền ảo này qua các sàn giao dịch.
Trước đó, tháng 4/2017, Cơ quan Tình báo tài chính Australia (AUSTRAC) đưa ra quy định yêu cầu toàn bộ các giao dịch tiền điện tử cần phải đăng ký với AUSTRAC, đồng thời các thông tin liên quan tới khách hàng và giao dịch được thực hiện cũng phải báo cáo với AUSTRAC. Tuy nhiên, sự phát triển nhanh chóng của tiền điện tử đang ngày càng tạo ra nhiều rủi ro và đe dọa lớn hơn tới nền tài chính toàn cầu, đặc biệt là trong các hoạt động tội phạm và khủng bố quốc tế.
Bộ trưởng An ninh mạng liên bang Angus Taylor cho rằng tiền điện tử hiện đang phát triển như vũ bão, đòi hỏi chính phủ các nước cần sớm thiết lập các hành lang pháp lý nhằm ngăn chặn các hoạt động tội phạm liên quan tới lĩnh vực này. Theo ông, Australia đã sớm có kế hoạch hành động trước nhiều quốc gia khác trên toàn thế giới.
Đồng Bitcoin xuất hiện trên thị trường thế giới vào năm 2009, với giá trị gần như bằng 0. Sau gần 8 năm phát triển, đồng tiền ảo này đã đạt đỉnh với mức giá khoảng gần 20.000 USD/Bitcoin vào cuối năm ngoái. Tuy nhiên, chỉ trong vòng nửa tháng vừa qua, đồng Bitcoin đã bị liên tục rớt giá nhưng giá trị của nó hiện vẫn cao hơn 878% so với thời điểm cuối năm 2016 và vẫn chứa đựng nỗi lo về khả năng nổ bong bóng Bitcoin trong tương lai gần.
Về bản chất, các đồng tiền điện tử giống như Bitcoin chỉ tồn tại trên mạng Internet và sử dụng các thông số kỹ thuật điện tử (blockchain) để ghi nhận và đảm bảo giao dịch. Những giao dịch này sẽ được kiểm chứng và thực hiện thông qua những người sử dụng khác nhau, được gọi là những người đào Bitcoin (miners). Điều quan trọng là toàn bộ các giao dịch này được phân cấp ngẫu nhiên và không có ngân hàng tham gia điều tiết.