Bài học nào cho doanh nghiệp gia đình từ vụ ly hôn của chủ Cà phê Trung Nguyên?

Bài học lớn nhất từ vụ ly hôn của chủ Cà phê Trung Nguyên là về quản lý. Dù doanh nghiệp cổ phần hay của gia đình, phải phân định rạch ròi trong sở hữu và quản lý, dù đó có là vợ chồng, anh em, bạn bè
Bài học nào cho doanh nghiệp gia đình từ vụ ly hôn của chủ Cà phê Trung Nguyên?

Đó là khẳng định của bà Phạm Chi Lan - nguyên thành viên Ban nghiên cứu Kinh tế của Thủ tướng, nguyên Tổng Thư ký Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI).

“Tôi thấy rất buồn”, đó là câu trả lời đầu tiên của bà Phạm Chi Lan, hỏi về vụ ly hôn đã làm ảnh hưởng đến thương hiệu cà phê Trung Nguyên. Cần nói thêm, bà Phạm Chi Lan là người luôn xem cà phê Trung Nguyên là một điểm sáng của doanh nghiệp Việt và chính bà đã giới thiệu cho cố Thủ tướng Phan Văn Khải khi đó về cà phê Trung Nguyên. Sau đó, đích thân ông Phan Văn Khải đã đến thăm và thưởng thức cà phê của “chàng trai khởi nghiệp” Đặng Lê Nguyên Vũ.

Bây giờ, sau gần hai chục năm, khi vụ ly hôn giữa vợ chồng Đặng Lê Nguyên Vũ phần nào đã làm ảnh hưởng đến thương hiệu cà phê Trung Nguyên nhưng chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan vẫn tin rằng, ông Đặng Lê Nguyên Vũ của hôm nay sẽ sớm lấy lại phong độ của chàng thanh niên khởi nghiệp ngày nào và tiếp tục chèo lái con thuyền Trung Nguyên vươn xa hơn nữa.

“Đặng Lê Nguyên Vũ vẫn đang là một doanh nhân thành công, cống hiến rất nhiều cho xã hội và luôn là nhân vật đầy cảm hứng về khởi nghiệp cho thanh niên Việt Nam” – Bà Lan nói.

Cố Thủ tướng Phan Văn Khải trong một lần đến thăm và thưởng thức cà phê Trung Nguyên. Bên cạnh là bà Phạm Chi Lan (phải) và Đặng Lê Nguyên Vũ (trái). Ảnh: TTO.

Cũng theo bà Phạm Chi Lan: “Hiện doanh nghiệp Việt Nam có quá nhiều khó khăn, vất vả để làm ăn, đặc biệt để tạo dựng thương hiệu trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt như hiện nay. Tuy nhiên Trung Nguyên là một điển hình rất đẹp, khi chỉ trong vòng 10 năm sau đổi mới đã làm nên một thương hiệu lẫy lừng trong ngành chế biến nông sản, đưa hạt cà phê từ vùng Tây Nguyên qua chế biến và dịch vụ thành sản phẩm có giá trị gia tăng gấp nhiều lần, chinh phục thị trường trong nước rồi tiến ra thị trường thế giới”.

“Đặng Lê Nguyên Vũ, với khát vọng, ý chí và tài năng của mình đã tạo dựng nên một Trung Nguyên như vậy. Tất nhiên có sự cộng tác của cả một đội ngũ những cộng sự cũng đầy nhiệt huyết và tài năng được ông tập hợp và truyền lửa, cùng sự ủng hộ nhiệt tình của người tiêu dùng Việt. Dù sau này cạnh tranh ngày càng quyết liệt với sự có mặt của các công ty đa quốc gia, Trung Nguyên vẫn không ngừng lớn mạnh và giữ vững vị trí dẫn đầu trên thị trường cà phê trong nước, đồng thời liên tục mở rộng xuất khẩu ra các thị trường bên ngoài. Tôi tin là ông Vũ sẽ giúp Trung Nguyên phát triển hơn”, bà Lan nhận xét.

Từ ví dụ điển hình đó, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan nhận định, trong quy luật khắc nghiệt của thị trường, Việt Nam muốn phát triển phải có những người làm ăn giỏi, phải có thương hiệu tên tuổi phát triển, nhất là trong sản xuất, chế biến các sản phẩm của mình. Nền tảng sản xuất bao giờ cũng là số 1 đối với nền kinh tế của một quốc gia, nhất là một đất nước đông dân và có nhiều tài nguyên như Việt Nam.

>> Đại gia ly hôn: Không chỉ ở chốn công đường

Có thể bạn quan tâm