Biến chủng Omicron "đập tan" hy vọng của cổ phiếu hàng không

Vừa mới nhen nhóm "giấc mơ" hồi phục trở lại với kế hoạch nối lại các đường bay và tỷ lệ tiêm chủng cải thiện dần kéo lại sức hấp dẫn của cổ phiếu trên sàn chứng khoán thì một lần nữa ngành hàng không lại phải ngậm ngùi bởi sự xuất hiện của Omicron.
Biến chủng Omicron "đập tan" hy vọng của cổ phiếu hàng không

Trước tác động của dịch Covid-19, hàng không là ngành phải hứng chịu sự ảnh hưởng nghiêm trọng nhất khi hầu hết các hàng hàng không đều đồng loạt báo lỗ trong nhiều quý do phải thực hiện các biện pháp an toàn phòng chống dịch khiến hàng loạt các chuyến bay phải tạm dừng.

Thế nhưng, kể từ giữa tháng 9, với việc tiêm chủng được cải thiện, Bộ Giao thông vận tải (GTVT) đã trình Chính phủ phương án nối lại hoạt động hàng không nội địa và hàng không quốc tế đã đem lại kỳ vọng hồi phục cho ngành hàng không nói chung và các doanh nghiệp niêm yết nói riêng.

Hy vọng vừa "le lói"

Vừa qua, trong một báo cáo mới phát hành của Công ty chứng khoán VNDirect đã đưa ra khuyến nghị về việc đã đến lúc đưa trở lại cổ phiếu hàng không vào tầm ngắm.

"Vượt qua đại dịch chưa từng có trong lịch sử, kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp trong ngành hàng không bị ảnh hưởng nặng nề, kéo theo diễn biến giá cổ phiếu ngành hàng không kém khả quan hơn so với chỉ số VN-Index. Tuy nhiên, nhìn về tương lai khi thế giới cũng như Việt Nam khống chế thành công đại dịch, ngành hàng không được dự báo sẽ có bước nhảy vọt, kéo theo sự phục hồi mạnh mẽ và kết quả kinh doanh tăng trưởng của các công ty hàng không", báo cáo của VNDirect cho biết.

Nhận định của VNDiect là hoàn toàn có cơ sở khi đưa ra giả định tỷ lệ tiêm phòng vắc xin là 1 triệu liều/ngày trong thời gian tới khi nguồn cung vắc xin cải thiện thì sẽ có tới hơn một nửa dân số Việt Nam sẽ được tiêm chủng đầy đủ vào quý IV/2021 và quý I/2022 nên mục tiêu miễn dịch cộng đồng có thể nhanh chóng đạt được.

Cũng trong giai đoạn quý IV/2021- quý I/2022, Chính phủ đặt mục tiêu dần khôi phụ và hoạt động bình thường trở lại ác đường bay nội địa. Với đường bay quốc tế, đồng ý phương án thí điểm đón khách du lịch nước ngoài có hộ chiếu vắc xin đến Phú Quốc, Hạ Long, Hội An, Nha Trang. Theo kế hoạch, hàng không quốc tế Việt Nam có thể hoạt động bình thường trở lại kể từ quý III/2022.

Ngoài ra, cũng theo VNDirect, bên cạnh dự án bảo dưỡng đường bay của sân bay Tân Sơn Nhất và sân bay Nội Bài sẽ được hoàn thành vào quý I/2022, Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam-CTCP (ACV, mã: ACV) cũn đang chuẩn bị khởi công các dự án mới tại nhiều sân bay quốc tế trọng điểm để mở rộng công suất.

Đồng quan điểm, Công ty chứng khoán Agribank (Agriseco) cũng cho rằng, nhóm cổ phiếu ngành hàng không sẽ có nhiều cơ hội tăng giá khi dịch bệnh dần được kiểm soát, nhu cầu du lịch được hồi phục nhờ các chính sách kích cầu.

Quan sát diễn biến giá cổ phiếu của 2 "ông lớn"ngành hàng không là HVN của Vietnam Airlines và VJC của Vietjet Air cho thấy, trải qua 4 "mùa dịch" cả 2 đều có xu hướng giảm sâu khi số ca mắc mới tăng cao nhưng sau đó đều hồi phục khi đỉnh dịch qua đi.

Trước đó, giới phân tích cũng đồng loạt nhận định, thời điểm hiện tại chính là cơ hội vàng để mua và nắm giữ cổ phiếu ngành hàng không, không kể ngắn hay dài hạn.

Đã có dấu hiệu lung lay

Thực tế, không "phụ" lại những nhận định của giới phân tích, hưởng ứng kỳ vọng hồi phục, thời gian qua, nhóm cổ phiếu hàng không cũng đã bắt đầu giao dịch nhộn nhịp trở lại.

Cụ thể, trong giai đoạn nửa đầu tháng 9/2021, cổ phiếu HVN đã tăng mạnh từ vùng giá hơn 21.000 đồng/cp lên 28.650 đồng/cp (phiên 14/9), tương đương gần 36%. Sau đó, HVN có điều chỉnh nhưng vẫn duy trì giao dịch ở vùng giá 26.000 đồng/cp (tính đến cuối tháng 10), tương đương mức tăng 23,2% sau 2 tháng.

Tương tự, cổ phiếu ACV cũng ghi nhận mức tăng hơn 12% trong giai đoạn từ đầu tháng 9 đến cuối tháng 10; VJC tăng gần 6%. Ngoài ra, các cổ phiếu thuộc nhóm phụ trợ hàng không cũng có diễn biến tăng giá như AST của CTCP Dịch vụ Hàng không Taseco, SGN của CTCPPhục vụ mặt đất Sài Gòn, NCT của CTCP Dịch vụ Hàng hóa Nội Bài.

Tuy nhiên, "niềm vui ngắn chẳng tày gang", biến chủng mới Omicron xuất hiện với khả năng có thể kháng vắc xin đang đe doạ đà phục hồi của nhóm "cổ phiếu bầu trời" này.

Theo đó, kể từ đầu tháng 11 đến nay, cổ phiếu HVN liên tiếp giảm từ vùng giá 26.000 đồng/cp về 23.000 đồng/cp, tương đương 11,5%; VJC giảm từ 132.000 đồng/cp về 120.400 đồng/cp, tương đương gần 8,8%; ACV giảm 6,6%...

Hiện, chưa có thông tin chắc chắn về khả năng lây nhiễm, kháng vắc xin hay mức độ nguy hại của Omicron nhưng Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đánh giá rủi ro mà biến thể mới này gây ra với toàn cầu là rất cao, hối thúc các quốc gia thành viên chuẩn bị ứng phó.

Vừa qua, Cục Hàng không Việt Nam cho biết tạm dừng tổ chức các chuyến bay quốc tế đến và đi từ các quốc gia Châu Phi theo đề xuất của Bộ Y tế. Không chỉ vậy, rủi ro tiềm ẩn của một đợt bùng phát dịch luôn luôn hiện hữu, kéo theo việc chậm mở cửa lại các chuyến bay quốc tế cùng với điều kiện cách ly y tế chặt chẽ có thể tiếp tục là nỗi ám ảnh của ngành hàng không.

Kết quả kinh doanh của một vài hãng hàng không cũng sẽ trở nên khó khăn hơn khi vừa qua Cục Hàng không Việt Nam đã trình dự thảo phương án áp giá sàn vé máy bay nội địa từ tháng 11/21 đến tháng 10/22. Nếu dự thảo được thông qua, việc áp giá sàn đối với vé máy bay nội địa sẽ triệt tiêu vé rẻ và giảm sức cạnh tranh của mô hình hãng hàng không giá rẻ.

Do vậy, trước những diễn biến đang xảy ra hiện nay, mục tiêu hàng đầu của các doanh nghiệp hàng không chỉ là "cố gắng để sống sót" hơn là kỳ vọng phát triển. Việc đầu tư vào cổ phiếu nhóm ngành này cũng là câu chuyện về dài hạn, không thể "một sớm, một chiều".

Có thể bạn quan tâm