Các ngân hàng lớn tại Mỹ "âm thầm" cắt giảm hàng nghìn nhân sự, riêng JP Morgan ngoài cuộc

Ngay cả khi nền kinh tế Mỹ khiến các nhà dự báo ngạc nhiên về khả năng phục hồi, thì các tổ chức tài chính lớn vẫn liên tục cắt giảm lao động hoặc công bố kế hoạch thực hiện điều đó, ngoại trừ JP Morgan…

Các ngân hàng lớn hàng đầu của Mỹ đã âm thầm sa thải lao động trong suốt 9 tháng đầu năm nay - và một số đợt cắt giảm sâu nhất vẫn chưa xảy ra, theo đánh giá của các nhà phân tích từ CNBC.

ÁP LỰC TỪ NỀN KINH TẾ

Chịu áp lực bởi tác động của lãi suất cao hơn đối với hoạt động kinh doanh thế chấp, chi phí tài trợ và thực hiện giao dịch ở Phố Wall, 5 ngân hàng lớn nhất (ngoại trừ JP Morgan) đã cắt giảm tổng cộng 20.000 vị trí nhân sự kể từ đầu năm đến nay.

Các động thái này được đưa ra sau đợt bùng nổ tuyển dụng kéo dài hai năm trong thời kỳ đại dịch, được thúc đẩy bởi hoạt động gia tăng ở Phố Wall.

Tình hình đó dần lắng xuống sau khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) bắt đầu tăng lãi suất vào năm ngoái để hạ nhiệt nền kinh tế và kiềm chế lạm phát. Các ngân hàng đột nhiên nhận thấy các văn phòng bỗng quá tải nhân viên trong một môi trường mà ngày càng ít người tiêu dùng tìm đến các khoản vay thế chấp và ít tập đoàn phát hành nợ hay mua lại đối thủ cạnh tranh hơn.

Chris Marinac, giám đốc nghiên cứu tại Janney Montgomery Scott, cho biết trong một cuộc phỏng vấn với CNBC: “Các ngân hàng đang cắt giảm chi phí ở bất kỳ nơi nào có thể vì mọi thứ thực sự là không chắc chắn trong năm tới”.

Ông Marinac lưu ý rằng tình trạng mất việc làm trong ngành tài chính có thể gây áp lực lên thị trường lao động rộng lớn hơn của Mỹ vào năm 2024. Trước các rủi ro vỡ nợ ngày càng tăng đối của các khoản vay doanh nghiệp và tiêu dùng, nhiều tổ chức cho vay đang sẵn sàng cắt giảm sâu hơn nữa vào năm tới.

Công bố tổng số lượng nhân viên tại 6 ngân hàng hàng đầu của Mỹ trong giai đoạn quý 4/2022 đến quý 3/2023, trích dẫn số liệu từ hồ sơ của các bên (số liệu tổng hợp không tiết lộ chi tiết việc tuyển dụng và sa thải)

“Các ngân hàng cần tìm đòn bẩy để giữ cho thu nhập không bị giảm thêm và có tiền để dự phòng khi ngày càng có nhiều khoản nợ xấu. Vào thời điểm chúng ta bước sang tháng 1/2024, bạn sẽ nghe thấy rất nhiều công ty nói về điều này”, ông Marinac nhận xét.

“Tất cả các ngân hàng lớn đều đã mở rộng từ năm này sang năm khác. Do đó, chúng ta có thể chứng kiến họ "đi lùi" trong một vài quý tài chính nữa bởi thực tế là vẫn còn chỗ để cắt giảm và họ phải tìm cách tồn tại", ông Marinac nói thêm.

DIỄN BIẾN TẠI "BIG SIX"

Mức giảm sâu nhất có thể thấy ở Wells Fargo và Goldman Sachs, hai tổ chức đang phải vật lộn với sự sụt giảm doanh thu ở các hoạt động kinh doanh chủ chốt. Cả hai đều đã cắt giảm khoảng 5% lực lượng lao động của mình trong năm nay.

Tại Wells Fargo, việc cắt giảm việc làm diễn ra sau khi ngân hàng tuyên bố chuyển hướng chiến lược khỏi hoạt động kinh doanh thế chấp vào tháng 1. Và mặc dù ngân hàng đã cắt giảm 50.000 nhân viên trong ba năm qua như một phần trong kế hoạch cắt giảm chi phí của Giám đốc điều hành Charlie Scharf, công ty vẫn chưa hoàn thành việc thu hẹp số lượng nhân viên.

Giám đốc tài chính Mike Santomassimo cho biết: “Có rất ít bộ phận của công ty sẽ không bị cắt giảm".

Trong khi đó, sau nhiều đợt sa thải mở rộng vừa qua, các giám đốc điều hành của Goldman Sachs nói rằng họ đã tìm được quy mô phù hợp với ngân hàng và không mong đợi một đợt sa thải hàng loạt khác như vào tháng 1/2023. Nhưng số lượng nhân viên vẫn đang giảm tại ngân hàng có trụ sở tại New York. Năm ngoái, Goldman Sachs đã đưa ra các đánh giá hiệu suất hàng năm trong đó những người được coi là có hiệu suất thấp sẽ bị cắt giảm. Theo một người nắm rõ kế hoạch, trong những tuần tới, ngân hàng sẽ sa thải khoảng 1% hoặc 2% nhân viên của mình.

Số lượng nhân viên cũng sẽ giảm xuống do Goldman chuyển hướng khỏi lĩnh vực tài chính tiêu dùng; theo đó công ty đã đồng ý bán lại hai doanh nghiệp bao gồm đơn vị quản lý tài sản và công ty cho vay fintech GreenSky.

“Ngoài ra, một yếu tố chính khác thúc đẩy việc cắt giảm là tình trạng nhảy việc trong lĩnh vực tài chính đã chậm lại đáng kể so với những năm trước, khiến các ngân hàng có nhiều người hơn họ mong đợi”, Giám đốc điều hành James Gorman của Morgan Stanley cho biết hôm 18/10. Ngân hàng này đã cắt giảm khoảng 2% lực lượng lao động trong năm nay trong bối cảnh hoạt động của đơn vị đầu tư liên tục chững lại.

Tại Citigroup, Giám đốc tài chính Mark Mason nói với các nhà phân tích vào tuần trước rằng số lượng nhân viên của công ty hiện ổn định ở mức 240.000 người trong năm nay nhưng vẫn có những thay đổi đáng kể đang diễn ra. Kế hoạch mới nhất của CEO Citi Jane Fraser nhằm cải tổ cơ cấu doanh nghiệp cũng như doanh thu từ các hoạt động bán lẻ ở nước ngoài sẽ tiếp tục buộc ngân hàng phải cắt giảm số lượng nhân viên trong các quý tới.

Tuy nhiên, các số liệu tổng hợp đã che mờ đi việc tuyển dụng mà một số ngân hàng đã thực hiện. Điển hình là Bank of America, mặc dù số lượng nhân viên giảm 1,9% nhưng công ty đã tuyển dụng thêm 12.000 người, cho thấy số lượng người rời bỏ công việc thậm chí còn lớn hơn là bị sa thải.

Hiện tại, JPMorgan lại là ngoại lệ duy nhất trong ngành. Ngân hàng đã tăng số lượng nhân viên thêm 5,1% trong 9 tháng đầu năm khi mở rộng mạng lưới chi nhánh, đầu tư mạnh mẽ vào công nghệ và mua lại công ty cho vay khu vực First Republic, từ đó bổ sung thêm khoảng 5.000 vị trí. Công ty cho biết ngay cả sau đợt tuyển dụng rầm rộ, JPMorgan vẫn có hơn 10.000 vị trí trống.

Được dẫn dắt bởi Giám đốc điều hành Jamie Dimon từ năm 2006, JPMorgan đã có sự điều hướng tốt nhất trong môi trường lãi suất tăng cao, đẩy mạnh các biện pháp thu hút tiền gửi và tăng doanh thu trong khi các đối thủ nhỏ hơn đang gặp khó khăn. Đây là đơn vị duy nhất trong số những tổ chức tài chính “Big Six” có cổ phiếu tăng giá đáng kể trong năm nay.

Có thể bạn quan tâm