Sau sự sụp đổ nhanh chóng của Ngân hàng Silicon Valley (SVB) và Signature vào đầu tháng này, cùng với sự sụp đổ không đúng lúc của Credit Suisse vào tuần trước, lĩnh vực ngân hàng toàn thế giới đã bị chấn động.
Các chuyên gia nói rằng khả năng “lây lan” trong toàn hệ thống tài chính hiện đã giảm đi sau khi Tập đoàn Bảo hiểm Tiền gửi Liên bang (FDIC), Cục Dự trữ Liên bang Fed và Kho bạc cùng nhau ngăn chặn tất cả những người gửi tiền, cả người không được bảo hiểm và được bảo hiểm, tại SVB và Signature. Tuy nhiên, phát biểu gần đây từ Fed và Bộ Tài chính Mỹ đã khiến thị trường rơi vào hoang mang.
Thiệt hại từ việc tăng lãi suất
Khi Credit Suisse phá sản ngay sau SVB, các nhà phân tích lập luận rằng điều này xáy ra vì nó vốn là một tổ chức dính nhiều bê bối. Credit Suisse đã gây thiệt hại hàng tỷ đô la từ các đợt phát hành tai tiếng, trong đó bao gồm cả vụ nổ quỹ phòng hộ Archegos năm 2021, khiến khách hàng cũng như người gửi tiền của họ mất niềm tin. Cùng với đó, họ lưu ý rằng Ngân hàng Silicon Valley đã mắc phải những lỗi nghiêm trọng và có thể tránh được dễ dàng trong quản lý rủi ro. Do đó sự sụp đổ ngân hàng gần đây không phải là dấu hiệu cho thấy sức khỏe của toàn bộ hệ thống tài chính đang đi xuống.
Nhưng cần nói rõ, SVB có lượng lớn các tài sản dài hạn, bao gồm chứng khoán Kho bạc và các chứng khoán khác được chính phủ hậu thuẫn. Điều này khiến SVB gặp rủi ro lãi suất vì chứng khoán dài hạn nhạy cảm hơn nhiều với thay đổi lãi suất so với tiền gửi. Động thái mạnh mẽ của Fed trong kiềm chế lạm phát đã dẫn đến việc lãi suất tăng cao trong năm qua, khiến giá chứng khoán dài hạn giảm. Do đó, SVB nhận lại khoản lỗ chưa thực hiện khổng lồ và điều này cũng đã thách thức khả năng thanh khoản của ngân hàng.
Một báo cáo của các nhà nghiên cứu tại Đại học New York vào ngày 13/3 đã phát hiện ra rằng SVB không phải là ngân hàng duy nhất gặp phải vấn đề này. Tại Mỹ, các ngân hàng đã có khoản lỗ chưa thực hiện lên tới 1,7 nghìn tỷ USD vào cuối năm 2022.
Các giáo sư nghiên cứu vấn đề này nói thêm rằng thiệt hại từ việc tăng lãi suất đã khiến các khoản lỗ chưa thực hiện này ngày càng tiệm cận vốn chủ sở hữu của các ngân hàng là 2,1 nghìn tỷ USD.
Trong một báo cáo khác, các nhà nghiên cứu đến từ nhiều trường đại học danh tiếng phát hiện ra rằng tài sản của các ngân hàng Mỹ đã mất 10% giá trị chỉ trong năm qua. Lãi suất tăng đã làm giảm giá trị của Trái phiếu kho bạc Mỹ và các chứng khoán được đảm bảo bằng thế chấp, vốn chiếm một phần lớn tài sản của nhiều ngân hàng.
Ngoài ra, theo báo cáo đó, gần 7 nghìn tỷ USD trong tổng số 17 nghìn tỷ USD tiền gửi ngân hàng của Mỹ hiện không được bảo hiểm bởi FDIC. Các tác giả của nghiên cứu giải thích rằng nếu một nửa số người gửi tiền không được bảo hiểm này quyết định rút tiền sau sự bất ổn ngân hàng gần đây, nó có thể khiến hàng trăm tỷ đô la tiền gửi gặp nguy hiểm.
Họ viết: “Nếu việc rút tiền gửi không có bảo hiểm gây ra một vụ bán tống tài sản, thì về cơ bản nhiều ngân hàng sẽ gặp rủi ro hơn”.
“Nhìn chung, những tính toán này cho thấy rằng sự sụt giảm gần đây về giá trị tài sản ngân hàng đã làm tăng đáng kể sự mong manh của hệ thống ngân hàng Mỹ”, các nhà nghiên cứu cho biết thêm.
Không có lửa làm sao có khói
Theo thông lệ, tài sản được lưu giữ trên sổ sách kế toán của ngân hàng theo giá trị mà chúng được mua, thay vì giá trị thị trường hiện tại của chúng. Do đó, các khoản lỗ chưa thực hiện không được phản ánh trên bảng cân đối kế toán của ngân hàng.
Stephan Weiler, giáo sư kinh tế tại Đại học Bang Colorado và đồng giám đốc của Viện Phát triển Kinh tế Khu vực giải thích rằng các ngân hàng sẽ chỉ nhận ra những tổn thất này nếu họ buộc phải bán cổ phần nắm giữ của mình trong bối cảnh ngân hàng tháo chạy khi người gửi tiền rút tiền của họ.
Đó là những gì đã xảy ra với SVB. Những người gửi tiền yêu cầu rút tiền hàng loạt, buộc ngân hàng phải bán tháo các chứng khoán được đảm bảo bằng thế chấp và thu về khoản lỗ trước thuế 2,4 tỷ USD.
Ông nhận định rằng: “Miễn là mọi người không đồng loạt đến và yêu cầu trả lại tiền của họ thì các ngân hàng vẫn sẽ ổn".
Tuy nhiên, các nhà phân tích của JPMorgan đã lưu ý trong tuần này 1 nghìn tỷ USD tiền gửi đã bị rút khỏi các ngân hàng Mỹ “dễ bị tổn thương nhất” sau sự sụp đổ của SVB.
Ông Weiler cảnh báo: “Vì vậy, khả năng đối mặt với những khoản lỗ chưa thực hiện đó sẽ tăng lên”. Ông cho biết thêm rằng điều đó có thể dẫn đến nhiều vụ tháo chạy ngân hàng hơn.
Do vấn đề tiềm ẩn này đối với nền tài chính Mỹ, nhiều chính trị gia, bao gồm cả Thượng nghị sĩ bang Massachusetts Elizabeth Warren và Hạ nghị sĩ California Ro Khanna, đã lập luận rằng Fed nên đảm bảo toàn bộ tiền gửi tại tất cả các ngân hàng để ngăn công chúng rút tiền ồ ạt, ảnh hưởng đến toàn hệ thống.
Và những lời kêu gọi đó đã tăng lên trong tuần này sau khi Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen nói với tiểu ban Ngân sách Thượng viện rằng bà không xem xét bảo hiểm toàn phần cho tất cả các khoản tiền gửi ngân hàng của Mỹ, trừ khi rủi ro hệ thống trở thành một vấn đề.
Ngay cả tỷ phú và cũng là nhà sáng lập quỹ phòng hộ Pershing Square Bill Ackman cũng nói rằng FDIC cần ngăn chặn sự “chảy máu” tiền gửi và có phương án đảm bảo rõ ràng tất cả các khoản tiền gửi ngay bây giờ.
“Chúng ta đã chuyển từ việc sẽ nhận được hỗ trợ ngầm cho các khoản tiền gửi sang tuyên bố rõ ràng của Bộ trưởng Yellen rằng không có sự bảo đảm nào đang được xem xét”. Ông Ackman nói thêm rằng ông sẽ ngạc nhiên nếu dòng tiền gửi bị rút ra không tăng nhanh ngay lập tức.