Nhằm mục đích bảo vệ an ninh quốc gia đồng thời ngăn nguồn vốn hỗ trợ việc hiện đại hóa quân sự Trung Quốc, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã ban hành mệnh lệnh cấm một số khoản đầu tư mới của Mỹ vào quốc gia tỷ dân, bao gồm chip máy tính và nhiều lĩnh vực liên quan.
Trong khi các thị trường hầu như không có quá nhiều phản ứng với động thái mới này, thì một số nhà đầu tư Mỹ bày tỏ sự lo ngại cho các hoạt động làm ăn của họ ở Trung Quốc và dự đoán rằng Bắc Kinh sẽ thực hiện hành động trả đũa hay thậm chí rút khỏi các hợp đồng mua công nghệ khác của Mỹ…
DUY TRÌ HAY RÚT LUI?
Sau khi biết tin Tổng thống Joe Biden tuyên bố cấm đầu tư vào một số ngành công nghệ quan trọng của Trung Quốc, nhà sáng lập một công ty bán dẫn có trụ sở tại Thượng Hải cảm thấy phải nhanh chóng tìm cách ứng phó. “Ngay khi biết tin, tôi đã quyết tâm chuyển một phần của công ty ra khỏi Trung Quốc. Nếu không, nguồn tài chính để hoạt động sẽ rất hạn chế”, người đàn ông xin phép giấu tên này tiết lộ.
Lệnh cấm đầu tư của Mỹ vào Trung Quốc, đã được ký thành sắc lệnh hành pháp, sẽ bắt đầu có hiệu lực vào năm 2024. Theo chia sẻ của Tổng thống Joe Biden, lệnh cấm có mục đích hạn chế tối đa đầu tư vào điện toán lượng tử, chip tiên tiến và trí tuệ nhân tạo; nhằm ngăn chặn quân đội Trung Quốc tiếp cận tài trợ và bí quyết chuyên môn của Mỹ.
Lệnh cấm mới có thể khiến các nhà đầu tư Mỹ thận trọng hơn khi gửi tiền vào các quỹ đầu tư tư nhân mới.
Trong những năm gần đây, các tập đoàn cổ phần tư nhân như General Atlantic, Warburg Pincus và Carlyle Group đã rót hàng tỷ USD vào Trung Quốc khi họ kiếm được lợi nhuận khổng lồ từ việc đặt cược vào sự tiến bộ của quốc gia này như một siêu cường công nghệ.
Tuy nhiên, khi tình hình căng thẳng giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới ngày một leo thang, thì nhiều tập đoàn trong số đó đã chủ động rút lui. Một trong những động thái phủ đầu quyết liệt nhất đến từ Sequoia Capital. Vào tháng 6/2023, công ty đầu tư mạo hiểm ở Thung lũng Silicon cho biết họ đang tách rời chi nhánh Trung Quốc khỏi các hoạt động ở Mỹ và châu Âu, đồng thời loại bỏ cả hoạt động kinh doanh ở Ấn Độ.
Nhiều báo cáo từ Reuters cho thấy, các nhà đầu tư vốn cổ phần tư nhân và vốn mạo hiểm của Mỹ có thể sẽ đứng ngoài cuộc trong khi họ chờ đợi sự rõ ràng hơn về cách các quy tắc sẽ được thực thi. Một số khách hàng doanh nghiệp và cá nhân cũng đang giảm tiếp xúc với Trung Quốc, kể cả ở mảng chứng khoán, trái phiếu và quỹ ETF, theo ông Michael Ashley Schulman, giám đốc đầu tư của công ty tư vấn Running Point Capital Advisors tiết lộ.
Một nhà đầu tư mạo hiểm châu Âu cho biết: “Thời đại của các công ty đầu tư mạo hiểm Mỹ đầu tư vào Trung Quốc đã qua rồi”.
Mặc dù vậy, vẫn còn hàng chục quỹ đầu tư mạo hiểm lớn khác của Mỹ vẫn tiếp tục rót vốn hoặc giữ lại cổ phần trong các công ty Trung Quốc. Trong đó bao gồm GGV Capital, GSR Ventures, Walden International và Qualcomm Ventures, thông tin được ủy ban quốc hội về đầu tư của Trung Quốc đưa ra vào tuần trước.
General Atlantic, công ty đã đầu tư vào ByteDance và nhà bán lẻ thời trang nhanh Shein, cho biết vào tháng 6 rằng Trung Quốc vẫn mang đến cơ hội tuyệt vời.
Ông Phillip Wool, đồng quản lý danh mục đầu tư của Rayliant Quantamental China Equity ETF, cho rằng căng thẳng Mỹ-Trung đang khiến các nhà đầu tư bỏ lỡ cơ hội tăng trưởng của Trung Quốc: “Rủi ro đối với các nhà đầu tư là không phân bổ vốn vào một thị trường với nhiều công ty có nền tảng cơ bản mạnh mẽ đang tăng trưởng nhanh chóng như Trung Quốc”.
TRUNG QUỐC SẼ SẴN SÀNG PHẢN ĐÒN?
Trên thực tế, điều lệnh hành pháp mới của Mỹ chỉ nhắm vào ba lĩnh vực cụ thể, một chiến lược được cố vấn an ninh quốc gia Jake Sullivan mô tả là “sân nhỏ, hàng rào cao”. Những điều này phần lớn đã được quy định trong các quy tắc sàng lọc đầu tư nước ngoài mà Trung Quốc đưa ra vào năm 2021.
Nhưng điều lệnh bao gồm cả AI – một công nghệ mà các doanh nghiệp trong nhiều lĩnh vực đang sử dụng – do đó ngăn cản cả những khoản đầu tư vào các công ty ngoài ngành công nghệ của Trung Quốc.
“Trí tuệ nhân tạo đã có mặt khắp mọi nơi và hầu hết là đa tính năng nên rất khó để đặt chúng vào một cái khung duy nhất. Ví dụ, các nhà đầu tư Mỹ sẽ đặt câu hỏi liệu họ có thể mua một công ty mà kho hàng sử dụng AI tương đồng với công nghệ mà quân đội sử dụng hay không”, bà Marcia Ellis, đồng chủ tịch toàn cầu của công ty luật Morrison Foerster giải thích thêm.
Giới quan chức Mỹ cho biết họ đang tập trung vào các công ty đầu tư mạo hiểm và vốn tư nhân của Mỹ, bên cạnh các công ty liên doanh, bởi vì các đơn vị này có thể mang lại cho Trung Quốc những lợi ích “vô hình” và có giá trị như giới thiệu chuyên gia và công ty khác trong mạng lưới đầu tư của họ.
Một số thành viên Đảng Cộng hòa đã kêu gọi chính quyền Biden mở rộng phạm vi của các hạn chế, bởi họ tin rằng các biện pháp hiện nay chưa thể làm chậm quá trình hiện đại hóa quân sự của Trung Quốc.
Nhìn chung, phần lớn các nhà đầu tư Mỹ đều không mấy ngạc nhiên trước những tin tức về lệnh cấm của chính phủ đưa ra hôm 10/8. Nhưng một số nhà quản lý danh mục đầu tư lại nhận định rằng mối lo ngại lớn hơn hiện nay là liệu Trung Quốc có sẵn sàng “phản đòn” như trước đây hay không.
“Phản ứng của thị trường sẽ còn phụ thuộc vào cách Trung Quốc đáp lại động thái mới của Mỹ như thế nào. Cuộc chiến công nghệ giữa các quốc gia là một điều tiêu cực và chính quyền Mỹ dường như đang cố gắng để công bố điều lệnh mới mà không gây ra quá nhiều sóng gió với Trung Quốc", Rick Meckler, đối tác tại Đầu tư Cherry Lane cho biết.
Quỹ giao dịch trao đổi iShares MSCI China, một trong những quỹ ETF lớn nhất của các công ty có trụ sở tại Trung Quốc niêm yết tại Mỹ, kết thúc phiên 10/8 tăng 0,7% trong khi phần còn lại của Phố Wall không có nhiều thay đổi.
Trong một phản hồi về sắc lệnh mới của chính quyền Biden, Bộ thương mại Trung Quốc cho biết họ bày tỏ quan ngại sâu sắc và muốn đảm bảo quyền thực hiện các biện pháp đáp trả.
Một số nhà phân tích Trung Quốc dự đoán, các cách thức của Bắc Kinh sẽ là hạn chế và không làm leo thang vấn đề. Tuy nhiên, những người khác cho rằng quan điểm đó là quá lạc quan.
Bởi, Trung Quốc đã từng công khai nhắm mục tiêu vào nhà sản xuất chip Micron Technology của Mỹ sau khi Washington áp đặt một loạt biện pháp kiểm soát xuất khẩu đối với các linh kiện và công cụ sản xuất chip của Mỹ sang Trung Quốc. Đồng thời Mỹ cũng cáo buộc Bắc Kinh đã âm thầm trừng phạt các công ty khác của nước này.
Ông Tom Plumb, Giám đốc điều hành của quỹ tương hỗ Plumb Funds, cho biết: “Thật ngây thơ khi nghĩ rằng sẽ không có hình thức trả đũa nào từ Trung Quốc. Bắc Kinh rất có thể sẽ hạn chế xuất khẩu đất hiếm, một vật liệu được sử dụng trong điện tử tiêu dùng, xe điện và các linh kiện khác hoặc gây khó khăn cho các công ty công nghệ lớn của Mỹ”.
Hiện tại, Bắc Kinh cũng đang tìm cách tự cung tự cấp trong bối cảnh các tranh chấp công nghệ ngày càng gia tăng, điều này cũng có thể ngăn dòng vốn chảy vào các công ty và thị trường Mỹ.
“Các diễn biến mới rõ ràng sẽ đặt Trung Quốc vào một vị trí buộc họ phải cố gắng giảm sự phụ thuộc vào bất kỳ công ty nào của Mỹ để đạt được trình độ công nghệ cao hơn”, ông Tom Plumb nhấn mạnh.