Lệnh hành pháp mới của Mỹ, dự kiến sẽ được thực hiện vào năm 2024, nhắm mục tiêu tới các khoản đầu tư vào chất bán dẫn, vi mạch, điện toán lượng tử và một số thành phần trí tuệ nhân tạo khác ở Trung Quốc.
Trong bài phát biểu của mình, Tổng thống Joe Biden đã cảnh báo rằng một số khoản đầu tư của Mỹ có thể đã góp phần vào sự phát triển công nghệ, sản phẩm nhạy cảm ở những quốc gia có ý định sử dụng chúng để chống lại Mỹ cũng như các nước đồng minh. “Tôi thấy rằng có một vài quốc gia đang tập trung vào các chiến lược dài hạn và toàn diện nhằm định hướng, tạo điều kiện hoặc hỗ trợ những tiến bộ trong các công nghệ và sản phẩm nhạy cảm mang ý nghĩa quan trọng đối với khả năng quân sự, tình báo, giám sát hoặc hỗ trợ mạng”, Tổng thống Biden nhấn mạnh.
Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen được giao nhiệm vụ lãnh đạo việc thực hiện sắc lệnh hành pháp này. Dự luật yêu cầu bà Yellen xác định rõ ràng các công nghệ và sản phẩm nhạy cảm liên quan tới mục đích của lệnh cấm và yêu cầu thông báo với Bộ Tài chính.
Bà Janet Yellen cũng được giao nhiệm vụ phối hợp hành động với Bộ trưởng Thương mại Gina Raimondo, Ngoại trưởng Antony Blinken, Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin, Bộ trưởng Năng lượng Jennifer Granholm cũng như Giám đốc Tình báo Quốc gia Avril Haines.
Theo chia sẻ của các quan chức chính quyền cấp cao, biện pháp mới được điều chỉnh để không cản trở hoạt động kinh doanh giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới: “Chúng tôi nhận thấy dòng vốn đầu tư xuyên biên giới từ lâu đã đóng góp vào sức sống của nền kinh tế Mỹ. Sắc lệnh hành pháp này bảo vệ lợi ích an ninh quốc gia của chúng tôi theo cách nhắm mục tiêu hẹp trong khi duy trì cam kết lâu dài đối với đầu tư mở”.
“Trung Quốc không cần tiền của chúng tôi, họ là nhà xuất khẩu vốn ròng. Vì vậy, điều mà chúng tôi đang cố gắng ngăn chặn không phải là tiền chảy vào Trung Quốc nói chung, bởi vì họ có rất nhiều tiền. Nhưng điều họ không có là bí quyết chuyên môn”, một quan chức giấu tên của chính phủ đưa ra bình luận với CNBC.
Vị này nói thêm rằng, dựa trên các cuộc thảo luận trước đó, chính quyền Tổng thống Biden mong muốn các đồng minh đưa ra hạn chế tương tự.
Về phần mình, Trung Quốc đã lên tiếng chỉ trích sắc lệnh hành pháp của Tổng thống Joe Biden nhưng chưa đưa ra các biện pháp ứng phó ngay lập tức.
“Trung Quốc bày tỏ mối quan ngại sâu sắc về quyết định của Mỹ và muốn đảm bảo chúng tôi có quyền thực hiện các biện pháp đối phó của riêng mình. Quyết định của chính quyền Biden đi chệch hướng nghiêm trọng khỏi nền kinh tế thị trường và các nguyên tắc cạnh tranh công bằng mà Mỹ luôn nói rằng họ ủng hộ. Nó ảnh hưởng đến hoạt động và việc ra quyết định của các doanh nghiệp, làm suy yếu trật tự kinh tế và thương mại quốc tế, đồng thời phá vỡ nghiêm trọng an ninh của chuỗi cung ứng và công nghiệp toàn cầu”, Bộ Thương mại Trung Quốc cho biết trong tuyên bố chính thức vào sáng 10/8, theo bản dịch của CNBC.