Các tập đoàn công nghệ Trung Quốc lao đao khi nhà đầu tư nước ngoài rút lui

Các công ty công nghệ trực tuyến của Trung Quốc đang gặp nhiều khó khăn khi các nhà đầu tư nước ngoài đang rời đi. Những căng thẳng địa chính trị và sự phục hồi kinh tế yếu kém đã đẩy giá cổ phiếu nước này giảm sút và gây ra tình trạng thiếu hụt nguồn vốn…

Nền tảng giải trí trực tuyến Trung Quốc Bilibili đã từng có giá trị 54 tỷ USD hai năm trước, khi các nhà đầu tư Phố Wall đổ xô đặt cược vào ông trùm công nghệ đang nổi lên.

Hiện nay, vốn hóa thị trường của tập đoàn niêm yết trên Nasdaq này đã giảm xuống còn 6,5 tỷ USD, một cú lao dốc đe dọa hao hụt tài chính công ty và buộc họ phải cắt giảm chi phí một cách đột ngột. 

Trung Quốc
Các công ty công nghệ Trung Quốc lao đao vì nhà đầu tư nước ngoài rút vốn

Những khó khăn của Bilibili chỉ là một phần vấn đề mà ngành công nghệ Trung Quốc đang hứng chịu. Các nhà đầu tư nước ngoài đang bán tháo cổ phiếu ngay cả trong những tập đoàn internet có lợi nhuận cao như Tencent hay Alibaba. Do đó, thật khó tìm thấy sự hỗ trợ cho những công ty khởi nghiệp tiềm năng của Trung Quốc trong giai đoạn này.

Công ty mạo hiểm đầu tư khởi nghiệp Sequoia Capital là một ví dụ mới nhất cho thấy tác động của tình hình căng thẳng địa chính trị giữa Bắc Kinh và Washington, khi công ty thông báo kế hoạch tách mảng kinh doanh tại Trung Quốc thành một đơn vị riêng.

Cổ phiếu công nghệ Trung Quốc sụt giảm

Việc rời đi của dòng vốn nước ngoài càng trở nên nghiêm trọng hơn vì sự phục hồi kinh tế không ổn định đã làm giảm giá cổ phiếu công nghệ Trung Quốc sau thời gian ngắn tăng trưởng vì hy vọng vào sự mở cửa trở lại sau đại dịch. 

Trung Quốc
Cổ phiếu Tencent giảm 19% so với mức cao nhất từ tháng 1

Xu hướng này còn gây ảnh hưởng đến các tập đoàn khổng lồ như Tencent và Alibaba. Đến nay, cổ phiếu Tencent đã giảm 19% và Alibaba giảm 29% so với mức cao nhất từ tháng 1. Những tập đoàn này đã phải siết chặt chi tiêu và chuyển tiền tiết kiệm vào việc mua lại cổ phiếu. Trong khi đó, chu kỳ cắt giảm chi phí liên tục và mức lương giảm sút đã ảnh hưởng đến tinh thần làm việc của lực lượng lao động. 

Từ khi bùng phát đại dịch Covid-19, 10 tập đoàn công nghệ lớn nhất của Trung Quốc đã mất tổng cộng 300 tỷ USD giá trị vốn hóa thị trường, trong khi các đối tác lớn nhất của họ tại Mỹ đã tăng thêm gần 5 nghìn tỷ USD.

Với nhiều nhà đầu tư, căng thẳng Mỹ - Trung có khả năng gây ra những thiệt hại tương tự như tình hình đầu tư vào doanh nghiệp Nga, khi hàng tỷ USD đã biến mất ngay sau chiến sự Nga - Ukraine, dẫn đến các lệnh trừng phạt từ phía phương Tây.

Thêm vào đó là việc Mỹ đang cân nhắc hạn chế đầu tư của Mỹ vào Trung Quốc, đồng thời áp dụng kiểm soát xuất khẩu nhằm giới hạn việc Trung Quốc tiếp cận công nghệ quan trọng như chất bán dẫn tiên tiến và thiết bị sản xuất chip.

Kết quả, các nhà đầu tư nước ngoài lớn, thậm chí cả các quý hưu trí phương Tây, cũng từ bỏ việc đầu tư vào Trung Quốc. Quỹ hưu trí Ontario Teachers của Canada, quỹ hưu trí lớn thứ ba của Canada, vào hai năm trước đã đầu tư gần 1 tỷ USD vào cổ phiếu của Alibaba và Tencent. Tuy nhiên, cả hai công ty Trung Quốc hiện đều không còn nằm trong số các khoản đầu tư hàng đầu của quỹ. 

Tỷ phú đầu tư Warren Buffett cũng đã bán nhanh hơn một nửa số cổ phiếu BYD, công ty sản xuất ô tô điện Trung Quốc trong năm qua. 

Winnie Wu, nhà chiến lược chứng khoán Trung Quốc tại Ngân hàng Mỹ, cũng nhận định rằng tương lai là không mấy tích cực đối với các tập đoàn internet Trung Quốc: "Cổ phiếu và ngành công nghệ đang chịu áp lực về chi phí vốn cao hơn và sự mất giá nhiều hơn”.

Hiện có 252 công ty Trung Quốc niêm yết trên thị trường Mỹ và Hồng Kông được xếp theo định nghĩa  "net-net", là công ty giao dịch ở mức giá rất thấp với giá trị vốn hóa thị trường thấp hơn giá trị tài sản ròng hiện tại. Trong số đó phải kể DouYu - một nền tảng phát hành game có lợi nhuận 880 triệu USD tiền mặt nhưng vốn hóa thị trường chỉ 323 triệu USD.

"Mô hình đầu tư dài hạn toàn cầu đã rời xa thị trường cổ phiếu internet của Trung Quốc", một nhà giao dịch giấu tên tại công ty chứng khoán Trung Quốc đưa ra bình luận. 

Thời kỳ hoàng kim của Internet đã đi qua

Đến giữa tháng 6, Bilibili sẽ đã tiêu hết 1,7 tỷ USD để mua lại các khoản nợ chuyển đổi, làm giảm dự trữ tiền mặt còn khoảng 2 tỷ USD. Công ty này sẽ phải đối mặt với khoản nợ trị giá 900 triệu USD vào năm sau.

Một nguồn tin thân cận với công ty cho biết: "Bilibili hiện không có đủ nguồn tài chính để chi tiêu, ban quản lý công ty cũng thiếu sự sáng tạo để điều hành công ty”.

Trung Quốc
Các tập đoàn công nghệ lớn của Trung Quốc đang giao dịch với tỷ lệ giá trị vốn hóa thấp hơn so với hầu hết các đối tác ở Mỹ

Ngay cả những công ty công nghệ lớn nhất của Trung Quốc cũng đang thực hiện những biện pháp quyết liệt. Alibaba đã bỏ ra khoảng một nửa dòng tiền tự do để mua lại cổ phiếu trong năm qua và cắt giảm 24.000 vị trí công việc. Các nhân viên cho biết họ bị ảnh hưởng bởi sự mất giá trong các cổ phiếu thưởng, lương cũng bị cắt giảm trong khi khối lượng công việc lại nhiều gấp đôi.

Một nhà phát triển tại Tencent cho biết tiền lương không còn xứng đáng với áp lực và chất xám bỏ ra: "Một người hiện đang làm công việc của ba người. Công ty muốn giảm chi phí và tăng hiệu suất. Thời kỳ vàng của các công ty internet đã qua đi". 

Trong bối cảnh căng thẳng địa chính trị và tình hình kinh tế không ổn định, các công ty công nghệ Trung Quốc đang phải đối mặt với nhiều thách thức. Việc nhà đầu tư nước ngoài rời đi và sự suy giảm giá trị cổ phiếu đã khiến cho việc tìm nguồn vốn trở nên khó khăn và đe dọa sự tồn tại của các công ty. 

Để thích ứng với tình hình hiện tại, các công ty đang tập trung vào việc mua lại cổ phiếu và cắt giảm chi phí. Tuy nhiên, vấn đề lớn hơn đối với các công ty công nghệ Trung Quốc là khả năng phục hồi và duy trì giá trị trong thời gian dài. Cần có những biện pháp cụ thể và sáng tạo để đối mặt với những thách thức này và tạo ra sự phục hồi bền vững cho ngành công nghệ Trung Quốc trong tương lai.

Xem thêm

Kinh tế Đức bước vào thời kỳ suy thoái

Kinh tế Đức bước vào thời kỳ suy thoái

Dữ liệu từ Văn phòng thống kê Đức cho thấy kinh tế nước này đã suy giảm nhẹ trong quý 1/2023 so với quý liền trước. Theo đó, nước Đức bắt đầu bước vào thời kỳ suy thoái…

Có thể bạn quan tâm

Bitcoin rơi xuống ngưỡng 97.000 USD

Bitcoin rơi xuống ngưỡng 97.000 USD

Tiền điện tử chứng kiến đà sụt giảm mạnh trong phiên khi lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ tăng cao đã gây áp lực lên nhóm các tài sản rủi ro…

Tiền điện tử mơ về một kỷ nguyên vàng thời "Trump 2.0"

Tiền điện tử mơ về một kỷ nguyên vàng thời "Trump 2.0"

Chiến thắng của ông Donald Trump trong cuộc bầu cử Tổng thống Hoa Kỳ, cùng với việc đảng Cộng hòa nắm quyền kiểm soát Quốc hội, có thể dẫn đến cách tiếp cận ít can thiệp hơn đối với các loại tiền điện tử như bitcoin...

Năm 2025, bạc vẫn sẽ lấp lánh hơn cả vàng

Năm 2025, bạc vẫn sẽ lấp lánh hơn cả vàng

Dù còn phải đối mặt với nhiều biến động, nhưng triển vọng giá bạc được các chuyên gia dự đoán sẽ tăng mạnh trong năm tới nhờ nhu cầu công nghiệp và nguồn cung hạn chế…