CEO Công ty Giấy Phùng Vĩnh Hưng Tô Mỹ Châu: Ở đâu có thách thức, ở đó có cơ hội

Một vài câu chuyện phiếm, chúng tôi nhanh chóng bước vào cuộc trò chuyện thân mật với những câu chuyện chia sẻ từ “bà đầm thép” của Phùng Vĩnh Hưng.
CEO Công ty Giấy Phùng Vĩnh Hưng Tô Mỹ Châu: Ở đâu có thách thức, ở đó có cơ hội

35 tuổi, chị đã là Tổng Giám đốc Công ty giấy Phùng Vĩnh Hưng, lèo lái con thuyền chung với hàng trăm nhân viên, củng cố năng lực, thay đổi chiến lược kinh doanh để biến Phùng Vĩnh Hưng từ quy mô nhỏ ở phạm vi nội địa, lên một tầm vóc mới: công ty phân phối giấy hàng đầu Việt Nam với thị phần khoảng 26% cho mảng giấy xuất bản, in ấn và bao bì cao cấp và tham gia vào chuỗi phân phối của các tập đoàn đa quốc gia.

Để có được những thành tựu ngày hôm nay, tôi nghĩ cần có nhiều động lực thúc đẩy hơn là việc chỉ sở hữu niềm đam mê. Chị có thể chia sẻ, cơ duyên nào đã khiến chị quay về Việt Nam đảm nhiệm vị trí quản lý trong một ngành được cho là khá nặng nhọc với nữ giới vậy không?

Trước đây, khi còn đi học và tốt nghiệp tại Úc, tôi rất đam mê với ngành tài chính và kiểm toán và cũng có cơ hội được thực tập, làm việc tại một trong bốn công ty kiểm toán hàng đầu thế giới (Big Four). Tuy nhiên, nhịp điệu công việc cứ lặp đi lặp lại, đến một ngày tôi nhận ra: sẽ rất khó để tạo nên sự khác biệt lớn cho chính mình và những người xung quanh nếu vẫn tiếp tục sống như hiện tại. Tôi nhận thấy mình vẫn còn dành rất nhiều tình cảm cho Việt Nam, nơi có gia đình và những người tôi yêu, luôn thôi thúc tôi trở về. Thời điểm đó vào đầu năm 2007, Việt Nam vừa mới gia nhập WTO, hứa hẹn nhiều cơ hội hợp tác, giao thương quốc tế. Lúc bấy giờ, công ty của gia đình tôi – Phùng Vĩnh Hưng vẫn đang duy trì hoạt động truyền thống là phân phối giấy trong phạm vi nội địa. Trong khi đó nhu cầu thị trường giấy của Việt Nam khá cao khi tổng lượng sản xuất giấy trong nước chỉ đáp ứng được 45% tổng nhu cầu. Đây là cơ hội lớn cho hoạt động nhập khẩu và phân phối các loại giấy ngoại nhập. Lúc đó trong đầu tôi chỉ còn nghĩ: “Thời cơ cho chính mình tạo nên sự khác biệt đã đến”. Và tôi trở về, mang trong mình những thôi thúc về việc đổi mới mô hình kinh doanh truyền thống của gia đình để vươn đến tầm cao mới.

Vậy điều gì đã khiến chị theo đuổi lĩnh vực này nhiều năm đến vậy? Thường hay nghe đến câu “Người chọn nghề hay nghề chọn người”, chị có nghĩ rằng nghề nghiệp đã chọn mình không?

Việc vì sao tôi dành nhiều năm đến vậy để theo đuổi lĩnh vực này thì có lẽ giống như một cơ duyên đến từ khi bắt đầu. Những chiến lược thay đổi mà tôi đề ra đã được tập thể cộng sự tại Phùng Vĩnh Hưng ủng hộ và cùng chung tay tạo dựng, mang đến kết quả tăng trưởng liên tục cho công ty. Đặc biệt, công ty chúng tôi còn có nhiều đóng góp nâng cao giá trị sống cho cộng đồng, tạo lợi thế cho ngành xuất khẩu giấy Việt Nam,… thông qua chính các hoạt động kinh doanh như phân phối các loại giấy thân thiện với môi trường, thân thiện với người dùng… Tất cả những giá trị tích cực đó như là nguồn sống tiếp thêm cho tôi sự hào hứng, khát khao và đam mê với những việc chúng tôi đã, đang và sẽ làm. Đối với bản thân tôi, ban đầu có thể là “nghề chọn người”, nhưng đến bây giờ tôi tin là mình đã làm chủ trong định hướng và lựa chọn nghề nghiệp này để theo đuổi.

Thành quả của cả một tập thể luôn dựa vào góc nhìn sáng suốt và khách quan của người lãnh đạo. Theo chị, đâu là những cơ hội và thách thức mà các doanh nghiệp giấy nói chung và Phùng Vĩnh Hưng nói riêng đang phải đối mặt?

Trong tiếng Hoa, từ nguy cơ 危机 được cấu thành bởi 2 từ: “nguy” là nguy hiểm, thách thức và “cơ” là cơ hội. Ở đâu có thách thức, khó khăn tức ở đó có cơ hội. Áp dụng triết lý này trong ngành giấy, một ví dụ điển hình là thời buổi số hóa và công nghệ đã thay đổi rất nhiều xu hướng và thói quen tiêu dùng, từ việc đọc báo tin tức đến mua sắm trên mạng. Những tưởng nhu cầu in ấn sẽ giảm nhưng xu hướng tiêu dùng online cũng kéo theo nhu cầu sản xuất bao bì vận chuyển tăng cao. Nhìn nhận rõ ràng “nguy” và “cơ” trong giai đoạn thị trường này, tôi đã chuyển dịch cơ cấu phân phối sản phẩm của công ty từ 100% giấy in, xuất bản sang ít nhất 50% sản lượng giấy bao bì. Ngoài ra, Việt Nam cũng đang là sự lựa chọn hàng đầu của các nhà đầu tư nước ngoài đến và lập nhà máy sản xuất. Song song đó, các doanh nghiệp trong nước cũng đẩy mạnh quá trình xuất khẩu. Vì vậy, nhu cầu giấy để sản xuất các loại bao bì cao cấp như một hình thức xây dựng nhận diện thương hiệu và tạo giá trị cộng thêm cho sản phẩm là hết sức cần thiết. Trong khi ngành sản xuất và phân phối giấy trong nước hầu như chưa đủ “chất” lẫn “lượng” để đáp ứng nhu cầu tăng cao thì đây chính là cơ hội để công ty chúng tôi bứt phá. Việc trở thành là công ty đầu tiên tại Việt Nam đạt chứng nhận FSC-CoC của ngành giấy về việc bảo vệ rừng theo tiêu chuẩn quốc tế là một trong những chiến lược chúng tôi thực hiện để đón đầu các cơ hội này.

Khi ở tuổi 30, chị đã là Tổng Giám đốc của một doanh nghiệp giấy hàng đầu Việt Nam với đội ngũ nhân viên hùng hậu. Tự tin vào bản thân thôi chưa đủ, hẳn chị đã từng phải đối mặt với không ít trở ngại khi đề ra những thay đổi. Chị làm thế nào để thuyết phục được tập thể lãnh đạo công ty đi theo chiến lược của người được đánh giá là còn khá non trẻ về tuổi đời lẫn tuổi nghề như mình lúc bấy giờ?

Tôi tin vào sức mạnh của tầm nhìn xa, niềm tin, sự quyết liệt và sự đồng lòng của cả tổ chức trong những thử thách và khó khăn trong việc tìm kiếm thị trường quốc tế, dẫn dắt thị trường bằng những sản phẩm mới, nâng chuẩn quốc tế cho một hệ thống còn rất nội địa… Và tất nhiên là tôi đã từng vấp phải không ít tranh luận khi có cơ duyên trở thành lãnh đạo trẻ của doanh nghiệp gần bằng tuổi của mình. Và điều tôi vẫn tâm niệm khi gặp thử thách và sai lầm là không bỏ cuộc, lăn xả, quyết liệt, trao cơ hội cho người tài thử và trải nghiệm, và quan trọng là luôn cần đối nhân xử thế thật Đắc Nhân Tâm để gìn giữ những người cộng sự, những người bạn trong suốt quá trình phát triển của mình. Vừa nỗ lực chinh phục, hoàn thiện, và vừa có thể sống trọn vẹn.

Vậy theo chị, ngoài việc mang đến sức mạnh tinh thần cho đội ngũ nhân viên, đâu là yếu tố quan trọng nhất để điều hành doanh nghiệp?

Đứng trên cương vị một người lãnh đạo, theo tôi, có 3 yếu tố quan trọng nhất trong việc quản lý điều hành doanh nghiệp. Thứ nhất, bạn cần phải có tầm nhìn, nhạy bén trong việc nắm bắt xu thế và chiến lược phù hợp với doanh nghiệp của mình. Thứ hai, bạn cần hiểu một điều hiển nhiên là một người lãnh đạo không thể làm được tất cả một mình, và việc xây dựng được những nhân lực nòng cốt sẽ giúp ‘nhân giống’ những giá trị bền vững, góp phần phát triển đội ngũ vững mạnh sau này. Thứ ba, người lãnh đạo cũng phải luôn tự làm mới bản thân bằng cách học hỏi và cải tiến liên tục.

Nói về việc phát triển bản thân, tôi thấy hiện tại chị đang tham gia nhiều tổ chức, trong đó có vai trò Thành viên Ban Chấp Hành của Tổ chức Chủ tịch trẻ Thế giới – Young President Organization (YPO). Chị có thể chia sẻ thêm về những điều mà bản thân đã học hỏi được từ tổ chức này?

Tháng 8/2016, khi tham gia một khóa học về lãnh đạo tại Đại học Harvard, tôi đã được gặp gỡ nhiều người bạn, là thành viên đến từ YPO của nhiều quốc gia. Qua quá trình hòa nhập, tôi nhận ra họ đã luôn đồng hành và chia sẻ với nhau qua suốt 20 năm. Đây thật sự là những mối quan hệ rất “chất” và có ý nghĩa mà bất kỳ ai cũng mong muốn tìm kiếm và tạo dựng trong cuộc sống. Tôi quyết định gia nhập YPO Asean United ngay sau đó, và bây giờ điều mà tôi nhận lại được là những người bạn đến từ nhiều quốc gia khác nhau, một môi trường mang đến cho tôi nguồn cảm hứng vô tận – nơi tôi có thể học hỏi, chia sẻ, cùng nhau phát triển và xây dựng được những mối quan hệ tin tưởng, dài hạn, bổ trợ lẫn nhau.

Có thể bạn quan tâm

Honda và Nissan bắt tay sáp nhập

Honda - Nissan: Sáp nhập hay là "chết"?

Thông tin về việc Honda và Nissan tìm kiếm thỏa thuận sáp nhập cho thấy các nhà sản xuất ô tô đang tìm cách đối mặt với sự cạnh tranh từ Trung Quốc, thị trường trong nước đang thu hẹp cũng như mối đe dọa về thuế quan...

Trào lưu thuê bạn cùng leo núi giúp giới trẻ Trung Quốc “hái ra tiền”

Trào lưu thuê bạn cùng leo núi giúp giới trẻ Trung Quốc “hái ra tiền”

Giới trẻ Trung Quốc hiện đang tận dụng phong trào leo núi để kiếm thêm thu nhập bằng cách trở thành những người bạn đồng hành vừa có kinh nghiệm và ngoại hình. Tuy nhiên, dù mang lại lợi ích tài chính như công việc độc lạ này còn gây ra nhiều tranh cãi về tính an toàn và độ tin cậy…

Disney rót 12 tỷ USD vào ngành du lịch biển

Disney rót 12 tỷ USD vào ngành du lịch biển

Trong bối cảnh ngành du lịch biển có nhiều tín hiệu phục hồi mạnh mẽ, Disney đang đẩy mạnh đầu tư vào mảng kinh doanh du thuyền với mục tiêu mở rộng sang thị trường Đông Nam Á…